Mỗi năm một bận, chị lại về với sông Trà - dòng sông mà chị mang tên, dòng sông mà chị suốt đời đau đáu. Lần này chị về để tham gia buổi truyền hình trực tiếp giữa ba đài PTTH Hà Nội - Quảng Trị và Quảng Ngãi nhân kỷ niệm 31 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam.
- Thưa chị Trà Giang, quê hương sông Trà còn đọng lại gì trong chị?
+ Mùi hoa dủ dẻ. Trên sáu mươi tuổi rồi mà tôi vẫn không thể nào quên cái mùi hoa như là cô đặc tất cả những gì tinh khiết ở đời này. Đã hơn 50 năm kể từ ngày cha tôi đưa cả gia đình từ Phan Thiết về Quảng Ngãi (1950-1952), tôi vẫn nghĩ như mới ngày nào mình còn phải ăn rau muống nấu với một ít gạo tấm và củ mì. Đói quay đói quắt là thế, nhưng mỗi lần nấu cơm, mẹ tôi lại bớt một ít vào “hũ gạo kháng chiến”. Đi xa mấy mươi năm nhưng tất cả những hình ảnh đó chẳng thể nào nguôi quên được trong tôi. Hình như có một dòng chảy rất ruột thịt từ quê hương mình cứ róc rách, cứ thao thiết, cứ vẫy gọi tôi. Tôi nghĩ đó là dòng chảy của sông Trà.
- Có phải vì chị đã trải qua những ngày gian khổ nhất của cuộc chiến tranh như thế ở ngay trên mảnh đất của quê hương mình nên những vai diễn của chị sau này đã in đậm chất quê kiểng và hồn hậu?
|
NSND Trà Giang |
+ Tôi là người đa cảm nên cái gì đã in đậm trong ký ức là sẽ ám ảnh tôi đến suốt đời. Có lẽ sự ám ảnh ấy đã tạo nên trong tôi một nét riêng gì đấy để tôi có được những thành đạt chăng? Còn nhớ cách đây hơn 30, năm chúng tôi về Vĩnh Linh để đi thực tế, chuẩn bị cho bộ phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm. Chuyến đi ấy tôi đã gặp và tiếp xúc với nhiều người phụ nữ đã từng trải qua nỗi “đêm Nam ngày Bắc”. Trong số đó có o Thảo, người Gio Hà, Bí thư chi bộ kiêm Xã đội trưởng du kích. Hình ảnh người con gái ấy đã cùng tôi song hành qua hết cuộc chiến tranh và cho đến hôm nay, o Thảo vẫn sống trong tôi dù chị đã thành liệt sĩ ngay sau đó. Chị cũng chưa kịp xem một phần của đời chị đã hóa thân vào nhân vật Dịu trong phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm ra sao nữa. Đó là điều làm tôi ray rứt nhưng cũng là hạnh phúc lớn của đời tôi vì được sống cùng thời với nhân vật mà mình thủ vai. Dịu là tôi, là o Thảo, là chị Châu (vợ Lê Hồng Tư), là bao người phụ nữa khác mà tôi từng tiếp xúc, đã vui buồn, đau khổ và ngoan cường trong những năm đất nước bị chia cắt.
- Nói thế cũng có nghĩa là để trở thành một “chị Tư Hậu” hay “chị Dịu” sống mãi trong lòng khán giả, “chị Trà Giang” phải hóa thân, phải máu thịt với số phận của nhiều người?
+ Thế hệ diễn viên như tôi, ngày trước mỗi năm làm một phim đã là may mắn lắm rồi. Bởi vì, để có được một bộ phim, cả một ê kíp làm phim đã phải trải qua nhiều công đoạn. Diễn viên thời ấy, ngoài việc thuộc nằm lòng kịch bản, tìm hiểu cặn kẽ số phận của nhân vật cũng như các mối quan hệ của nhân vật đó, chúng tôi còn phải tiếp xúc với nhiều người, đi nhiều vùng đất, làm sao đó, nhân vật phải ngấm vào máu thịt của mình, họ là phần đời của mình. Trong quá trình đóng phim, diễn viên cũng được cái quyền góp ý với đạo diễn, với họa sĩ. Đóng vai một bà mẹ quê, mặc áo vá là chuyện bình thường, nhưng vá chỗ nào mà người xem có thể chấp nhận được chứ không phải bạ chỗ nào vá chỗ đó; lại càng không phải ở thời Lê-Trịnh mà quan trong triều lại mang giày Tây được!
- Thế còn các công đoạn của diễn viên ngày nay, có khác gì với thế hệ của chị?
+ Có diễn viên đóng đến 10 phim trong một năm. Thậm chí có người không thèm thuộc kịch bản nữa vì đã có người nhắc cho rồi. Những phim như thế có thể “sống” được vì thu lãi bạc triệu, song sẽ dễ “chết” trong lòng khán giả. Cũng may là diện mạo của một nền điện ảnh không phải là những bộ phim “mì ăn liền” như thế.
- Ý chị muốn nói đến phim nhựa của chúng ta vẫn còn giữ được “phong độ” của một thời?
+ Chúng ta đã và đang có những đạo diễn tài năng. Song để có được một bộ phim hoành tráng cần phải có thời gian và điều kiện về kinh phí. Đây là điều mà các nhà làm phim ngày nay phải thường xuyên “đối mặt”. Vì vậy những người làm điện ảnh thế hệ chúng tôi luôn cảm thấy mình mắc nợ với nhân dân. Hai cuộc chiến tranh vĩ đại mà chúng ta vừa trải qua sẽ còn vang vọng trong nhiều thập kỷ sau, song chúng ta chưa làm được những bộ phim quy mô, tương xứng với những gì mà cả dân tộc đã trả giá cho nền hòa bình hôm nay. Còn thứ phim mà “tự sản tự tiêu” như chúng ta biết đấy, nó chỉ làm cho khán giả quay lưng với điện ảnh.
- Có phải vì thế mà chị không đóng phim nữa?
+ Đã lâu lắm rồi, tôi không xuất hiện trước ống kính các nhà làm phim. Cũng có nhiều lời mời, đóng vai một bà mẹ chẳng hạn, nhưng tôi từ chối.
- Chị sợ lặp lại chính mình, hoặc sẽ không bao giờ đạt đến đỉnh cao của vinh quanh với vai Dịu được nhận giải thưởng diễn viên xuất sắc nhất trong Liên hoan phim Quốc tế Moscow 1973, hay là một lý do nào khác?
+ Thú thật là có những lúc đi xem kịch, nhiều diễn viên đã diễn hết mình, đã sống trọn với nhân vật, bỗng dưng tôi lại thấy khát khao được đóng phim, nhưng rồi tự hỏi, liệu có kịch bản nào, đạo diễn nào cho mình sống trọn với nhân vật của mình như Dịu ngày nào không?
- Có một em nào đó đến xin chị một lời khuyên trước khi em ấy bước vào nghề diễn viên điện ảnh; hoặc như con chị cũng muốn theo nghiệp mẹ, lời đầu tiên, chị khuyên họ điều gì?
+ Nếu thật sự yêu nghề thì phải đam mê và lao động cật lực đồng thời phải có trách nhiệm với nghề. Điều cuối cùng là phải học. Không học sẽ không làm được điều gì. Thật tiếc là con gái tôi lại không theo nghiệp của mẹ, cháu học nhạc ở Anh quốc.
- Hiện làm những gì hàng ngày?
+ Tôi vẽ tranh. Cũng là một cách “đóng phim” vậy.
- Rất cảm ơn chị!
|