Sinh vật cảnh Bình Định:
Đang dần trở thành thương hiệu mạnh
16:57', 12/5/ 2006 (GMT+7)

Gần mười năm qua, các nghệ nhân sinh vật cảnh (SVC) tỉnh nhà đã tạo và đưa hàng ngàn tác phẩm nghệ thuật về chim, cây, đá cảnh… vào đời sống tinh thần. Hoạt động SVC đã tích cực tham gia vào các chương trình xanh - sạch - đẹp, xóa đói giảm nghèo, thậm chí nhiều gia đình đã giàu lên nhờ SVC.

Một số tác phẩm sinh vật cảnh của Bình Định tại Lễ hội hoa Đà Lạt -2005. Ảnh: N.D

* Phong trào SVC phát triển rộng khắp

Hội SVC tỉnh Bình Định được chính thức thành lập tháng 1-1997. Đến năm 1998, Đại hội lần thứ I của Hội đã đề ra mục tiêu phát triển phong trào SVC rộng khắp, nhằm mang lại lợi ích cho đời sống tinh thần, góp phần cải thiện môi trường và mang lại thu nhập cho người sản xuất, kinh doanh SVC. Từ tổ chức đầu tiên là Câu lạc bộ Trúc Lan Viên (thành phố Quy Nhơn), chỉ với vài chục hội viên, đến nay, đã có 11 hội ở các huyện, thành phố với 137 chi hội, câu lạc bộ SVC trong toàn tỉnh, số hội  viên đã lên tới gần 5.440 người, diện tích đất trồng hoa, cây cảnh trên 500 ha. Đã xuất hiện những tên làng, tên vườn SVC được những người yêu thích SVC trong nước biết đến như: Vĩnh Hạnh, Trung Thành, Mỹ Điền, Huỳnh Mai… (Tuy Phước); Háo Đức, Phương Danh, Vĩnh Liêm… (An Nhơn); các cơ sở kinh doanh SVC: Ngọc Sơn, Duy Tùng, Phước Lộc, Quốc Tuấn; chim cảnh Bình Minh; đá cảnh Văn Sấm….

Hoạt động hội phát triển, tạo cho người chơi có điều kiện giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm. Đồng thời, qua các chuyến giao lưu, tham quan phong trào SVC ở các địa phương bạn, cũng là dịp để các nghệ nhân giới thiệu, quảng bá về tiềm năng SVC của tỉnh.

 

Những tác phẩm Bonsai của Bình Định luôn là đích ngắm của các “đại gia” trong làng SVC. Ảnh: N.D

* Tạo nên thương hiệu mạnh

Nhận xét về một thú chơi và cũng là nghề chơi SVC, ông Nguyễn Duy Quý - Chủ tịch Hội SVC tỉnh, nói: “SVC là yếu tố tinh thần không thể thiếu được trong đời sống xã hội. Một khi tác phẩm SVC đạt đến tính nghệ thuật, đáp ứng được thị hiếu của người thưởng ngoạn, thì nó trở thành vô giá và có thể là món hàng siêu lợi nhuận của người đầu tư”.

Thành tích của Hội

SVC Bình Định

-Huân chương Lao Động hạng III năm 2005.

-Bằng khen Thủ tướng Chính phủ năm 2001.

-Bằng khen UBMTTQ Việt Nam năm 2004.

-Hàng trăm Bằng khen, Cờ thi đua của Chủ tịch UBND tỉnh, Hội SVC Việt Nam cho tập thể, cá nhân.

Quả vậy, hàng năm, các doanh nghiệp, các cơ sở SVC trong tỉnh đã xuất ra hàng nghìn tác phẩm SVC nghệ thuật, trên 300 nghìn sản phẩm SVC khác, doanh thu lên đến khoảng 20 tỉ đồng. Trong đó, có những tác phẩm SVC nghệ thuật được bán ra với giá trên 300 triệu đồng, (bằng cả gia tài của một gia đình), nhưng giá mua ban đầu có thể chỉ vài trăm nghìn hoặc vài triệu đồng, thậm chí là khai thác từ cây thiên nhiên. Tháng 4-2006, Doanh nghiệp tư nhân kinh doanh SVC Ngọc Sơn (phường Trần Quang Diệu, Quy Nhơn) chỉ bán vài tác phẩm SVC cho một thương nhân đất Bắc, đã thu trên 600 triệu đồng. Hàng năm, vào dịp Tết Nguyên đán, các làng mai, hoa xuân ở Tuy Phước, An Nhơn, Quy Nhơn… nhộn nhịp với những chuyến hàng xuất ra ngoại tỉnh, đến với các chợ hoa nội địa. Những làng chuyên canh mai xuân như: Háo Đức, Phương Danh, Vĩnh Liêm (An Nhơn), mỗi năm doanh thu mỗi hộ có thể lên đến trên 100 triệu đồng.

Có thể nói, SVC Bình Định đang dần trở thành thương hiệu mạnh và là điểm phân phối cây kiểng nghệ thuật tương đối lớn cho các tỉnh, thành ở hai đầu đất nước. Ông Đỗ Phượng - Phó Chủ tịch Hội SVC Việt Nam, từng nhận xét về phong trào SVC Bình Định: “Bình Định là một địa phương có phong trào SVC mạnh. Những tác phẩm SVC nghệ thuật của Bình Định đều mang “hồn vía” riêng của dải đất miền Trung nắng, gió. Trong đó, đáng kể là mai xuân, kiểng bonsai, gỗ lũa và đá nghệ thuật”    

  • Ngọc Diên
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bình Định, Quy Nhơn sẽ là một điểm đến hấp dẫn   (12/05/2006)
Văn trẻ Bình Định: Đợi "gió của mùa sau" ?  (12/05/2006)
Phong Nhã - Người viết sử Đội bằng nhạc  (11/05/2006)
Lưu Hữu Phước và hai tác phẩm viết về Bác   (10/05/2006)
Kỳ cuối: Trịnh Công Sơn viết về Quy Nhơn   (09/05/2006)
“Sông Trà vẫn mãi chảy trong tôi”   (09/05/2006)
Vài ý kiến nhỏ về một giải thưởng lớn   (09/05/2006)
Câu chuyện 3 người   (07/05/2006)
Khuyên tai ba mấu bằng gốm: hiện vật quý về văn hóa Sa Huỳnh   (05/05/2006)
Kỳ V: Quy Nhơn - ngày trở lại  (02/05/2006)
Festival Đống Đa - Tây Sơn 2007: Sẽ đậm chất Bình Định   (26/04/2006)
Bảo tàng Tổng hợp tỉnh: Đào khảo sát dấu tích Cảng thị Nước Mặn  (25/04/2006)
Kỳ IV: Thời kỳ Biển nhớ và những bóng hồng  (28/04/2006)
Nghe Hữu Thỉnh thương lượng với thơ  (24/04/2006)
Bút danh "thật" hơn tên thật  (24/04/2006)