LTS: Bình Định là một trong những cái nôi của nghệ thuật bài chòi. Nếu tuồng vốn có một truyền thống dài lâu, thì bài chòi mới chỉ “từ đất lên giàn” non trăm năm nay. Dõi theo hành trình ấy của nghệ thuật bài chòi, ta sẽ hiểu thêm những nét độc đáo về mặt nghệ thuật của bộ môn nghệ thuật này. Từ số báo này, Báo Bình Định xin giới thiệu tư liệu về hành trình “từ đất lên giàn” của nghệ thuật bài chòi.
Đánh bài chòi là một hội vui xuân, có mặt ở hầu khắp các tỉnh lân cận vùng Nam Trung Bộ từ Quảng Nam đến Bình Thuận. Thực chất, đánh bài chòi cũng là đánh bài, nhưng là đánh trên các chòi, nên mới có: hô bài chòi.
|
Chuẩn bị một hội bài chòi. Ảnh: H.T |
Nhưng hội bài chòi ra đời từ khi nào và cách hô bài chòi xuất xứ từ đâu. Hãy nhìn sang một trò chơi dân gian khác, hiện nay vẫn thường được tổ chức ở các huyện An Nhơn, Hoài Nhơn vào ngày Tết. Đó là trò xổ cổ nhơn. Trong trò chơi này, câu đề để đố cho người chơi suy luận, xét đoán, được gọi là câu thai. Khi “xổ”, câu thai được hô lên và lối hô này được tiếp thu vào hội bài chòi thành hô bài chòi. Nhạc sĩ Trương Đình Quang cho biết người ta cũng dùng thuật ngữ hô thai với cái nghĩa hô câu bài chòi vậy.
Còn chơi bài chòi xuất xứ từ đâu. Theo lời cụ Phan Đình Lang, được nhạc sĩ Hoàng Lê dẫn lại trong công trình lịch sử ca kịch và âm nhạc bài chòi, thì cụ được nghe ông nội, ông thân và nhiều người khác kể rằng hội bài chòi do chính Đào Duy Từ sáng lập. Đào Duy Từ từ ngoài Bắc vào Bình Định, được giao cho việc di dân, lập ấp. Trong thời kỳ đầu, công việc này chủ yếu là khai khẩn đất hoang. Trên từng khu đất mới vỡ và bắt đầu đưa vào sản xuất, người ta cất những chòi cao làm bằng tranh, tre để canh thú rừng, bảo vệ hoa màu. Trên mỗi chòi có mõ, thanh la, trống nhằm gây tiếng động xua thú dữ khi chúng đến phá hoại hoa màu. Từ việc tổ chức chòi canh, ông Đào Duy Từ mới nghĩ ra một trò chơi vào dịp Tết là hội bài chòi. Hẳn nhiên, đây cũng chỉ là một giả thuyết.
Vào dịp Tết hay lễ hội, người ta tổ chức đánh bài chòi, trên khoảng sân rộng trước đình làng hay nơi họp chợ. Từ hăm chín, ba mươi Tết, người ta đã dựng 9 cái chòi tre (riêng ở Quảng Nam là 10 chòi), cao cách mặt đất 2m. Mái chòi lợp tranh, lót khịa tre, rộng vừa đủ chỗ cho vài người ngồi. Bộ bài chơi là bộ tam cúc, gồm 30 lá, chia làm 3 pho: văn, vạn, sách. Mỗi pho có một lá cầm đầu và 9 lá khác tên gọi từ nhất đến cửu. Tên gọi các con bài có thay đổi theo địa phương, như nhứt nọc, nhì nghèo, tam quăng, tứ móc... (pho văn); nhất trò, nhì bí, ba gà... (pho vạn); bạch huê, tráng hai, ba bụng (pho sách).
Anh hiệu - người phục vụ cuộc chơi, phải là người hát hay, giọng tốt, ứng khẩu linh hoạt, có khả năng diễn xuất. Nơi hoạt động của anh là chiếc chiếu trải giữa 9 chòi. Anh phải độc diễn với những thẻ bài đựng trong ống đóng trên một cọc tre kề chiếc chiếu. Nhạc sĩ Hoàng Lê từng viết, rằng anh hiệu “có vai trò vô cùng quan trọng trong lịch sử bài chòi. Có thể nói, không có anh hiệu thì cũng không có làn điệu bài chòi, vì anh hiệu chính là người sáng tạo ra điệu hát bài chòi”.
Kỳ II: Từ lời hô trở thành điệu hát.
|