Con gái của lão Tôn
15:53', 17/5/ 2006 (GMT+7)

* Truyện ngắn của Huỳnh Thúc Giáp

1.

Tôi không biết sẽ bắt đầu câu chuyện của mình như thế nào bởi những kỷ niệm về nàng lại luôn song hành với những kỷ niệm về cha nàng, một ông già đánh xe ngựa có hình dong cổ quái, mà lũ học trò quỷ sứ chúng tôi hồi đó thường gọi là lão Tôn xe ngựa.

Thời chúng tôi đi học, mỗi huyện chỉ có một hoặc hai trường cấp ba. Đứa nào muốn học cấp ba thì phải chấp nhận đi xa nhà hàng chục cây số, như sinh viên đại học bây giờ. Lão Tôn là chủ ngôi nhà mà chúng tôi trọ học.

Mỗi sáng sớm, nghe tiếng xe ngựa của lão lộc cộc khởi hành đón mấy bà đi chợ sớm là chúng tôi vùng dậy để học bài. Thằng Quốc, một đứa ở cùng nhà trọ với tôi, từng nói: "Sau này, mãi mãi sau này, tao vẫn không thể quên tiếng vó ngựa báo thức của lão Tôn. Đó là một cái đồng hồ báo thức cần mẫn và luôn chính xác." Tôi chẳng nghĩ nó lại nhớ đến lão Tôn đến mức sâu sắc như vậy, có chăng, nó chỉ nhớ tới Hồng, là con gái của lão Tôn, học cùng trường với chúng tôi.

Thằng Quốc vẫn thường ư ử hát: "Vì Hồng đẹp như một bông hồng, cho nên tôi cứ mãi mơ mộng". Mỗi lần hát xong, nó lại chê cái ông nhạc sĩ nào đã sáng tác ra bài hát này dở ẹc (hình như nguyên văn của lời hát là: Vì nàng đẹp như một bông hồng, cho nên tôi không dám mơ mộng). Nó bảo: "Ngộ quá hén. Đẹp đến nỗi chẳng dám tơ tưởng. Nhưng Quốc này thì khác, cứ thả dàn mà mơ mộng. Từ hồi Quốc ta sinh ra cho đến từng này tuổi, chưa thấy ai đánh thuế những thằng hay mơ mộng." Tôi không thích cãi nhau với mớ lý lẽ lằng nhằng của thằng Quốc vì nếu có cãi, tôi cũng chẳng dẻo miệng bằng nó.

Lão Tôn là một người khó chịu, thậm chí hơi lập dị. Bộ mặt, hình dáng cổ quái của lão khiến nhiều thằng học trò như chúng tôi hồi đó rất sợ. Bởi vậy, việc thằng Quốc nói rằng nó sẽ nhớ mãi cái đồng hồ báo thức - tiếng xe ngựa lộc cộc - của lão Tôn làm nhiều đứa nghi ngờ. Cũng vì lão khó chịu, cho nên Hồng dễ thương là vậy, đáng yêu là vậy cũng bị chúng tôi ghét lây, trừ thằng Quốc thỉnh thoảng vẫn cứ ư ử hát một mình.

 

2.

Một chiều mưa, tôi và thằng Quốc đi lao động xã hội chủ nghĩa về thì gặp lão Tôn đang ngồi uống rượu một mình. Lát sau, lão hứng lên, sang sảng đọc: "Nhân bất học bất tri lý…". Thằng Quốc nghe vậy ngứa miệng nói vọng vào: "Nhỏ không học lớn làm đại úy". Tưởng lão Tôn sẽ mắng chúng tôi một trận ra trò nhưng không ngờ lão vỗ đùi: "Thằng này khẩu khí nghe được đó ta", rồi lão mời chúng tôi vào "đối ẩm". Lão cứ khà một ly thì tôi và thằng Quốc lại bẻ một miếng bánh tráng cái rụp rồi bỏ vô miệng nhai rau ráu. Thành ra sau vài ly, mồi nhậu của lão - là mấy cái bánh tráng nướng chấm nước mắm ớt - đã sạch trơn.

Rượu vào lời ra. Lão Tôn kể về cuộc đời lão, rằng vợ lão chết đã lâu, từ khi mới sinh Hồng, nhưng lão vẫn ở vậy thờ vợ nuôi con. Rằng khi xưa, dòng họ của lão mấy đời đánh xe ngựa cho các hoàng thân, vương gia cho nên lão, dù đánh xe ngựa, nhưng vẫn mang cái hơi hướm hào sảng của những ông hoàng (quả thật, hồi đó lão vẫn thường xóa nợ cho những đứa thiếu nợ tiền nhà vì gia cảnh quá khó khăn).

Cảm khái trước hoàn cảnh của lão, tự nhiên tôi không còn ghét lão và dĩ nhiên, cũng không còn ghét lây tới Hồng. Rồi tôi cũng bắt chước thằng Quốc, thỉnh thoảng lại ư ử hát một mình: "Vì Hồng đẹp như một bông hồng, cho nên ta cứ mãi mơ mộng." Nhưng hát chỉ là để vui miệng thôi, chứ tôi chẳng có ý nghĩ gì "mờ ám" với Hồng cả, nếu như…

 

3.

Lần ấy ở sân trường, một con sâu róm nhỏ xíu từ đám lá me tây xanh ngát tình cờ rơi trên vai áo Hồng. Nàng hét lên như bị điện giật (cũng lạ thiệt, con gái lão Tôn mà lại đi sợ một con sâu róm?). Tôi là người chạy đến đầu tiên, dù lúc ấy thằng Quốc cũng ở gần. Khi biết rõ nguyên nhân, tôi lặng lẽ phủi chú sâu con ấy rơi xuống đất. Nhưng khi tôi chạm khẽ vào vai áo nàng, ánh mắt của tôi chạm vào khuôn mặt đang tái xanh vì sợ của nàng, một luồng điện bất ngờ như từ nàng phóng thẳng vào tim tôi. Tình yêu sét đánh? Tôi không tin. Nhưng từ đó tôi tương tư Hồng.

Rồi đến lần trường tôi tổ chức văn nghệ, tôi với Hồng song ca bài Gửi em ở cuối sông Hồng. Theo đúng kịch bản, khi đến cuối bài hát, tôi phải nhìn vào mắt Hồng nhưng trên sân khấu, tôi đã liều mạng nắm tay Hồng khiến nàng xấu hổ vùng bỏ chạy, làm cho tiết mục bị bể dĩa, còn thằng Quốc thì nhìn tôi với ánh mắt của một con thú bị thương. Lúc đó, tôi chỉ mong cho đất nẻ ra để tôi chui tọt xuống.

Nhưng đất thì không nẻ ra mà tôi thì cứ phải tiếp tục trơ cái mặt ra cho bàn dân thiên hạ xì xầm. Thằng Quốc thường cạnh khóe: "Mày không biết dị à?". Dị chứ, nhiều vị đạo cao đức dày kia còn tử vì tình, còn tôi chai mặt vì yêu thì có gì đâu mà ghê gớm. Thậm chí tôi còn làm thơ rồi nắn nót chép lại để tặng nàng nhưng nàng luôn trả lại. Trả lại bài này, tôi làm tiếp bài khác. Rồi lại gửi tặng, rồi lại bị khứ hồi. Ngày đó, tôi tự an ủi mình, chắc các nhà thơ đều đến với thơ giống như tôi, đều bị hắt hủi mà xuất khẩu thành thi vậy.

Tốt nghiệp cấp ba, đường đời đã chia chúng tôi đi theo nhiều ngã rẽ. Đứa đi nghĩa vụ quân sự, đứa thi đại học, đứa đi làm. Chúng tôi hăm hở vào đời và tôi mất tin nàng từ đó, bặt tin thằng Quốc từ đó. Mười mấy năm đi qua như một cái chớp mắt của đời người hữu hạn.

 

4.

Bất chợt chiều nay tôi gặp lại thằng Quốc, hắn cũng mờ mịt chẳng có tin tức gì của nàng. Nhớ lại ngày cũ, chuyện cũ, hai thằng đàn ông xấp xỉ tứ tuần cùng ngậm ngùi như vừa đánh rơi một vật gì quý giá. Chỉ chừng đó thôi, chỉ là những rung động đầu đời thôi nhưng chúng tôi đã đóng đinh nàng trong trái tim mình, bởi những rung động với cảm xúc đặc biệt của thuở ban đầu ấy không bao giờ lặp lại lần thứ hai trong cuộc đời mỗi người. Khà một ly, tôi hỏi Quốc: "Mày còn nhớ đến tiếng vó ngựa báo thức của lão Tôn không?". Hắn trả lời ngay: "Sao lại không? Nhưng tao nhớ đến con gái của lão Tôn nhiều hơn! Nhớ ác liệt mày ạ". "Ừ, tao cũng nhớ đến Hồng quá!". Ôi, con gái của lão Tôn, không biết nàng có còn nhớ đến chúng tôi không? Không biết nàng có biết chúng tôi luôn coi nàng là mối tình đầu của mình không?

Quy Nhơn, 5-2006

  • H.T.G
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Kỳ I: Khởi nguồn từ những hội xuân   (16/05/2006)
Chúng ta có Bác Hồ   (15/05/2006)
Thu được 101 hiện vật các loại   (15/05/2006)
Nhà trẻ   (14/05/2006)
Đang dần trở thành thương hiệu mạnh   (12/05/2006)
Bình Định, Quy Nhơn sẽ là một điểm đến hấp dẫn   (13/05/2006)
Văn trẻ Bình Định: Đợi "gió của mùa sau" ?  (12/05/2006)
Phong Nhã - Người viết sử Đội bằng nhạc  (11/05/2006)
Lưu Hữu Phước và hai tác phẩm viết về Bác   (10/05/2006)
Kỳ cuối: Trịnh Công Sơn viết về Quy Nhơn   (09/05/2006)
“Sông Trà vẫn mãi chảy trong tôi”   (09/05/2006)
Vài ý kiến nhỏ về một giải thưởng lớn   (09/05/2006)
Câu chuyện 3 người   (07/05/2006)
Khuyên tai ba mấu bằng gốm: hiện vật quý về văn hóa Sa Huỳnh   (05/05/2006)
Kỳ V: Quy Nhơn - ngày trở lại  (02/05/2006)