Nguyễn Thi - ánh lửa từ trang viết
3:28', 18/5/ 2006 (GMT+7)

Nhà văn - chiến sĩ Nguyễn Thi có dịp đi nhiều nơi, có mặt ở nhiều trận tuyến, thâm nhập đời sống của nhiều lớp người khác nhau nên những trang viết của nhà văn phần lớn đều thấm đẫm chủ nghĩa anh hùng cách mạng, nói lên được cái vĩ đại của con người miền Nam qua những câu chuyện thường ngày của họ.

Thì đây, đọc tùy bút Dòng kinh quê hương - một tùy bút được nhiều người chú ý vì những suy nghĩ của tác giả xung quang sức mạnh của truyền thống dân tộc, truyền thống đạo đức của người Việt Nam. Trở lại với dòng kinh quê hương, nhìn nước kêng xanh, nghe tiếng giã bàng và tiếng ru lãnh lót, tác giả thấy như đó là tấm lòng của dân tộc mình đang nói với mình về chung thủy, về nhớ thương. Hai bên bờ kinh cây cối bị chất độc hóa học Mỹ làm rụi cành, rụi lá. Hơi bom na-pan thay mùi quả chín. “Nhưng sao tiếng chày giã bàng, giọng hát đưa em, tiếng sào hái quả, tiếng ai đang cục tác gọi gà cứ vang mãi bên tai. Càng đi sâu vào cảnh tàn phá, những âm thanh ấy càng dâng lên tha thiết, thấm trong từng hơi thở”.

Là vì cũng trên dòng kinh quê hương này người chiến sĩ sống lại hình ảnh người yêu tiễn đưa mình ra đi, hình ảnh những người mẹ góp con trai, con gái, góp gạo cho cách mạng. Như vậy, dù thằng Mỹ có tàn bạo đến đâu cũng phải thua ở Việt Nam. Đó là sức sống mãnh liệt của dân tộc in dấu trong nếp sống hàng ngày.

Lại nhớ, tại Đại hội anh hùng và chiến sĩ toàn miền Nam vào tháng 5-1965, Nguyễn Thi đã từng được gặp gỡ và ghi chép về một số tấm gương anh hùng được tuyên dương trong đại hội (Đại hội anh hùng -tùy bút). Đó là một người mẹ cầm súng, mẹ Nguyễn Thị Út, một người mẹ đã phải từng đi ở từ đời cha đến đời con, nên khi mẹ được cầm súng đánh giặc, mẹ đã tuyên bố đánh cho đến “còn cái lai quần cũng đánh”, mẹ Út đã cùng chồng “chia lửa cho nhau” đánh giặc, lấy bót giặc giữa ban ngày…Rồi đến Những câu nói ghi trong đại hội tại Đại hội anh hùng và dũng sĩ miền Nam năm 1967, một đại hội phản ánh sự trưởng thành của quân và dân miền Nam.

Tại đại hội này, nhà văn đã gặp gỡ chị Nguyễn Thị Hạnh, người con gái Long An có lòng căm thù giặc sâu sắc. Người con gái này đã từng vượt khó, đội mưa đi tìm cách mạng, đã trở thành người mang đuốc cách mạng nhen lên trong quần chúng, trở thành người chỉ huy đội quân cách mạng. Chị đã anh dũng bám dân, bám đất để đánh giặc với ý thức “giặc còn thì xã mình còn đánh giặc, và xã này giải phóng thì Sài Gòn cũng giải phóng”. Có thể nói, tính cách anh hùng của Nguyễn Thị Hạnh hoàn toàn gắn liền với tập thể bà con nơi chị sống và công tác. Chính tập thể ấy đã nuôi dưỡng Hạnh trở thành anh hùng và cũng chính Hạnh đã xây dựng cho tập thể ấy trở thành một tập thể anh hùng (Ước mơ của đất).

Những trang viết của nhà văn thời kì này cũng phản ánh được khí thế đấu tranh mới từ những chiến trường khác nhauVới những trang viết của mình, nhà văn không những nêu hành động của những con người anh hùng đó mà còn nêu cơ sở của hành động anh hùng, nêu lên mối quan hệ máu thịt giữa nhân dân và các chiến sĩ giải phóng, nêu tính nhân dân của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. “Trong cuộc đánh Mỹ này, chúng ta không mất gì hết, chúng ta chỉ mất đi những cái quần bố tời đầy rận …, mất đi cuộc đời ăn ngủ dưới chuồng heo …”. Lòng yêu nước và căm thù giặc là cơ sở cho hành động anh hùng của họ. Mà căm thù thì ở đâu còn sâu sắc hơn ở những người anh hùng của chúng ta ? Càng căm thù, họ càng biết ơn Đảng, “người đã biết cách làm cho tầm vông thành súng lớn, trẻ thơ ngày trước thành anh hùng, người đã biến cuộc đời cùng khổ của chúng ta thành sức mạnh và lòng căm thù thành trí tuệ”. Đấy là những người anh hùng xuất thân từ nhân dân và gắn bó máu thịt với nhân dân. Họ lấy sức mạnh của nhân dân làm sức mạnh của chính mình.

Đặc biệt, trong các truyện ngắn của Nguyễn Thi, thì những nhân vật ở đây hầu hết thuộc lớp thanh niên mới lớn lên ở nông thôn. Họ là những người rất căm thù giặc và sẵn sàng tham gia đánh giặc và tìm mọi cách để đánh giặc. Vẫn còn đó những Việt và Chiến (Những đứa con trong gia đình), giành nhau xin đi bộ đội, khi đã là đồng đội thì họ lại cùng nhau thi đua giết giặc. Một chú bé Đực trong Chuyện xóm tôi, mới 5 tuổi đầu đã đòi được đi tân binh; rồi mấy chị em con Bé, con nhà chị Út trong Mẹ vắng nhà, dù còn nhỏ nhưng đã biết chơi trò đi học, trò tập đánh vần “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt” rồi tất cả đều đòi đi đánh Mỹ, đứa nào cũng ước mơ mình sẽ được ôm súng theo mẹ ra mặt trận với ý nghĩ thật dễ thương : Theo mẹ ra mặt trận đánh giặc hay ở nhà chơi trò đánh vần “Tìm Mỹ mà đánh …” có khác nhau là bao nhiêu ! Quả thực, những đứa trẻ trong các truyện ngắn của nhà văn đã một phần nào lí giải điều : vì sao nhân dân miền Nam lại không sợ Mỹ, dám đánh Mỹ và quyết thắng Mỹ…

Với Nguyễn Thi, những trang viết của ông đều thấm đẫm chủ nghĩa anh hùng cách mạng, nhưng lớn hơn, và thật đáng trân trọng, tự hào hơn là chính ở trang đời của ông, một cuộc đời của một nhà văn miền Nam đầy nhiệt huyết và tinh thần xả thân vì cách mạng, vì nhân dân. Ngày nay, những trang viết, trang đời của ông đã và đang đáp ứng nhu cầu tình cảm của nhân dân về quá khứ hào hùng của lịch sử dân tộc, của non sông đất nước. Tháng 5 này ta lại nao lòng nhớ đến nhà văn với những tình cảm chân thành, trân trọng, biết ơn …

  • Nguyễn Thị Thọ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bác Hồ vẽ tranh   (17/05/2006)
Con gái của lão Tôn   (17/05/2006)
Kỳ I: Khởi nguồn từ những hội xuân   (16/05/2006)
Chúng ta có Bác Hồ   (15/05/2006)
Thu được 101 hiện vật các loại   (15/05/2006)
Nhà trẻ   (14/05/2006)
Đang dần trở thành thương hiệu mạnh   (12/05/2006)
Bình Định, Quy Nhơn sẽ là một điểm đến hấp dẫn   (13/05/2006)
Văn trẻ Bình Định: Đợi "gió của mùa sau" ?  (12/05/2006)
Phong Nhã - Người viết sử Đội bằng nhạc  (11/05/2006)
Lưu Hữu Phước và hai tác phẩm viết về Bác   (10/05/2006)
Kỳ cuối: Trịnh Công Sơn viết về Quy Nhơn   (09/05/2006)
“Sông Trà vẫn mãi chảy trong tôi”   (09/05/2006)
Vài ý kiến nhỏ về một giải thưởng lớn   (09/05/2006)
Câu chuyện 3 người   (07/05/2006)