Tháng 4 vừa qua, Bảo tàng Tổng hợp Bình Định đã tiến hành khai quật khảo cổ học tại khu vực tháp Cánh Tiên, dân gian gọi là tháp Con Gái, tại xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn. Kết quả của đợt khai quật đã cung cấp thêm những hiểu biết về ngôi tháp này…
* Phát hiện dấu vết một kiến trúc lạ
Đợt khai quật tại khu vực tháp Cánh Tiên lần này, số hiện vật thu được khá khiêm tốn. Trong 4 hố khai quật mở tại 4 cạnh quanh chân tháp, hiện vật chỉ được tìm thấy tại hố số 4 nằm ở phía đông mặt chính của tháp. Tổng số hiện vật thu được là 101 tiêu bản, gồm các loại: đá, đất nung trang trí, gốm Chăm, gốm Trung Quốc và thậm chí cả gốm Thái Lan. Trong đó, hiện vật bằng đá chiếm số lượng nhiều với 75 hiện vật, chủ yếu là những mảnh vỡ từ những phù điêu trang trí, đai trang trí và cả những mảnh bia khắc văn tự Chăm cổ.
|
Một hiện vật đá có kích thước lớn thu được sau đợt khai quật. Ảnh: H.T |
Đáng chú ý nhất trong đợt khai quật này là đã tìm thấy dấu vết một kiến trúc cổ. Cách chân cổng tháp hiện tại, khi khai quật đã xuất lộ hai khối tường móng, được xác định là phần cuối móng chân cổng chính phía đông của tháp. Móng cách cổng 4 mét, hai móng cách nhau 2 mét. Móng phía Nam rộng 2 mét, dài 2,5 mét; móng phía Bắc mỗi chiều hiện còn 1,5 mét. Cả hai móng đều được tạo thành bởi các viên đá ong ghép sít vào nhau.
Ngoài ra, cách chân móng cửa chính 6 mét, ở độ sâu 0,3 mét, các nhà khảo cổ đã bắt gặp hai bờ tường bằng gạch xây song song chính diện với cổng chính. Bờ tường được xây dật cấp từ ngoài vào trong, các viên gạch được xây ghép khít vào nhau theo kỹ thuật xây tháp, càng lên cao càng thu vào bên trong, trong lòng tạo vòm cuốn. TS. Đinh Bá Hòa - Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, cho biết: “Thường ở các tháp Chăm, trước cổng chính bao giờ cũng có một nhà chờ gọi là manđapa, làm bằng gỗ, lợp ngói. Nhưng ở tháp Cánh Tiên không thấy dấu tích kiến trúc gỗ mà thay vào đó là một kiến trúc gạch. Do đây là một kiến trúc lạ nên cần có thời gian nghiên cứu thêm mới có thể khẳng định đây là kiến trúc gì…”.
* Trùng tu tháp: cần khoa học hơn
Theo quy định của Luật Di sản Văn hóa, khai quật khảo cổ học phải đi trước một bước, trước khi trùng tu, nhằm tránh tình trạng vừa thi công vừa khai quật gặp rất nhiều trở ngại. Tuy nhiên, với tháp Cánh Tiên, sau khi có kế hoạch trùng tu, để kịp tiến độ thi công, Công ty Xây dựng - Phát triển Đô thị Bình Định đã cho công nhân đào bới ở 4 góc tháp và mặt chính phía đông của tháp. Sự đào bới này không những làm ảnh hưởng đến việc khai quật khảo cổ được tiến hành sau đó, mà nghiêm trọng hơn là gây nên sự xáo trộn trong tầng văn hóa.
Theo thiết kế đã được phê duyệt, sẽ tạo lối đi vào ngay cửa chính. Nhưng kết quả khai quật lại cho thấy điều này là bất hợp lý. Bởi như thế thì chúng ta phải lấp lại những nền móng đá ong và kiến trúc gạch trước cổng chính đã xuất lộ. Vì vậy, cần thiết phải điều chỉnh lại thiết kế để bảo vệ những gì đã khai quật, phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học và nhu cầu tham quan của du khách.
|