Gặp NSƯT Nguyễn Kiểm, hỏi ông về kỷ niệm những lần được gặp Bác Hồ và biểu diễn cho Bác xem, người nghệ sĩ già lại chìm trong những kỷ niệm: “Tôi thật vinh dự, được Bác đặt cho biệt danh “Kiểm chòi”, lại được Bác góp ý về nghệ thuật biểu diễn”.
|
Một cảnh trong vở Anh hùng với giai nhân của Đoàn Dân ca kịch Bình Định. Ảnh: Đào Tiến Đạt |
* Được Bác góp ý về biểu diễn
“Lần đầu tiên tôi được gặp Bác và được biểu diễn cho Bác xem là năm 1956” - NSƯT Nguyễn Kiểm mở đầu câu chuyện. Chẳng là hôm đó, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, có tổ chức buổi biểu diễn văn công, chiêu đãi Bác Tôn trước khi lên đường đi dự Hội nghị Á Phi với nhiều đoàn tham gia bằng những tiết mục ngắn gọn. Vừa khai mạc, thì có tiếng vỗ tay vang dậy và tiếng nói xôn xao: “Bác Hồ! Bác Hồ!”. Rồi từ hậu trường, Bác ra giữa sân khấu. Diễn viên các đoàn ào lại quanh Bác, ai cũng xúc động. Trong buổi biểu diễn ấy, Nguyễn Kiểm độc tấu bài chòi bài Bế Văn Đàn lấy thân làm giá súng. Buổi biểu diễn kết thúc, Bác ngoắt các diễn viên xuống hàng ghế đầu. Sau khi chỉ bảo một số điều trong chương trình, Bác quay lại hỏi: “Chú Kiểm chòi khu V đâu?”. Nghệ sĩ Nguyễn Kiểm bước ra: “Thưa Bác, cháu đây ạ!”. Bác nói: “Điệu chòi hay đấy! Nhưng tại sao Bế Văn Đàn của chú lắc người nhiều thế?”. Nguyễn Kiểm tự tin trả lời với Bác: “Thưa Bác, cháu thể hiện anh Đàn tránh đạn”. Bác cười rất vui và nói: “Đã tránh sao anh Đàn hy sinh? Tránh như vậy là tránh dở”. Bác và mọi người cười to, rồi Bác khẳng định: “Lúc ấy Bế Văn Đàn quyết tử! Đúng không?’. - “Thưa Bác đúng ạ!”. Bác nói tiếp: “Vì Đàn nguyện lấy thân làm giá súng để thu hút hỏa lực địch, mở đường cho đồng đội tiến công. Trong tình thế ấy Đàn hy sinh là anh hùng. Không cần tránh nữa nhé!”. -”Thưa Bác, cháu hiểu ạ!”.
“Được Bác mở cho tầm nhìn trong nghệ thuật biểu diễn, quả là vinh dự quá lớn với tôi. Tôi dặn lòng: muốn diễn đúng, phải hiểu thấu đáo, phải suy nghĩ kỹ. Tôi xem lời Bác dạy như điểm khởi sáng cho quá trình học nghề của mình”- NSƯT Nguyễn Kiểm kết luận.
* Vẻ bình dị của một con người vĩ đại
Sau này, NSƯT Nguyễn Kiểm còn có nhiều dịp được gặp Bác, nhất là trong những dịp Tết, Bác đến thăm Đoàn Ca kịch Liên khu V đóng trên đất Bắc tại Cầu Giấy rồi Mai Dịch. Theo NSƯT Nguyễn Kiểm, hầu như Tết năm nào, Bác cũng đến thăm anh em nghệ sĩ, nhất là nghệ sĩ tuồng, bài chòi khu V và cải lương Nam bộ.
|
NSƯT Nguyễn Kiểm |
NSƯT Nguyễn Kiểm kể: “Tối 30 Tết năm 1958, anh em trong Đoàn đi dạo ra Bờ Hồ, chỉ mình tôi được phân công ở lại coi nhà. Tôi tranh thủ giở cây đàn nguyệt, luyện lại mấy bản nhạc Huế mà anh Cung Nghinh mới dạy. Cả căn phòng chỉ có một ngọn đèn tròn ở giữa phòng, nên tôi quay lưng ra cửa, mắt chúi vào bản nhạc. Lúc đó quãng 8 giờ tối, tự dưng, tôi nghe có tiếng cười nói lao xao phía sau, nhưng tôi cũng không quan tâm lắm, vì chỉ nghĩ là một số anh chị em đi chơi về sớm. Bỗng có bàn tay đặt lên vai. Tôi quay lại, ném cây đàn sang phía giường đối diện, rồi hét lên sung sướng: “Bác Hồ!”. Bác ân cần nhắc: “Ấy! Chú coi chừng không hỏng đàn đấy!”. Rồi Bác hỏi: “Các cô chú trong đoàn đi đâu hết rồi?”. - “Thưa Bác! Anh chị em đi hái lộc cả rồi ạ!”, tôi trả lời. Sau khi thăm hỏi một số tình hình, Bác nói: “Thôi! Bây giờ chú treo màn lên, để các cô các chú về muộn không mất thời gian treo màn nữa, rồi đưa Bác sang Đoàn Cải lương Nam Bộ”.
Sang đến nơi, thấy anh em cải lương đang tụ họp lại đánh tú-lơ-khơ, ăn - thua bằng cách đánh dấu nhọ nồi trên mặt, mặt ai cũng lem nhem, Bác nói vui: “Anh em tối nay hóa trang để diễn đấy à!”. Anh em ngồi quây lại bên Bác. Sau khi thăm hỏi tình hình anh em ăn Tết, Bác dặn: “Bây giờ ăn Tết như vậy là được rồi. Ở miền Nam, còn có những chiến sĩ ăn Tết ngoài chiến trường. Sau này, thống nhất rồi, Tết thống nhất sẽ là Tết to”.
Lại một năm khác, năm 1960, cũng vào chiều 30 Tết, Bác đến và đi thẳng ra khu nhà ăn tập thể, khu vệ sinh phía sau rồi mới ngồi xuống trên bãi cỏ. Anh em nghệ sĩ và các cháu thiếu nhi các đoàn quây quần xung quanh. Bác nói: “Cháu nào hát cho Bác nghe nào?”. Các cháu thiếu nhi hát xong, Bác thưởng cho một chiếc kẹo. Riêng Thiều Hạnh Nguyên, ngày ấy hãy còn bé, hát đi hát lại hai lần bài “Một con vịt”. Bác nói vui: “Con vịt này cứ bơi đi bơi lại để kiếm kẹo”. Chị Lệ Thi ngâm thơ, bài Đăng cao rút từ tập thơ Nhật ký trong tù của Bác, Bác rút ra hai cái kẹo, nhưng chỉ đưa cho chị một cái, rồi nói: “Một cây là của người ngâm thơ. Còn cây này là nhuận bút bài này của Bác”. Nói rồi Bác cười: “Bác nói thế cho rõ công lao thôi, chứ Bác cho luôn cô. Nhưng các cô các chú sau này có nhuận bút nhớ cho diễn viên với nhé!”. Rồi sau khi thăm hỏi tình hình nghệ sĩ đón Tết, tự nhiên Bác lại hỏi: “Các cô, các chú có ai buổi sáng thức dậy không đánh răng rửa mặt không?”. Chẳng ai nhận là có, Bác tiếp: “Vậy mà sao “khuôn mặt” của đoàn lại không ai dọn cả. Mà khu văn công sao không trồng cây lấy bóng mát?”. Nhớ lời Bác dạy, sau đó, các đoàn trồng cây và dọn vệ sinh thường xuyên trong khuôn viên. Và hàng cây to ở Khu Văn công Mai Dịch hiện nay là kỷ niệm lần Bác về thăm năm đó.
“Những lần gặp Bác, ấn tượng trong tôi là một con người thật vĩ đại mà lại rất mực gần gũi, thân thiết và bình dị...”- NSƯT Nguyễn Kiểm tâm sự.
|