Bình thường, tôi vốn là người không quen nói nhiều. Ba ngày ở Hội An cùng Hội nghị những người viết trẻ lần VII vừa qua, lại càng có dịp phát huy sở trường im lặng (trừ việc cười đùa). Xin nói thêm, im lặng là để lắng nghe các nhà văn trẻ nghĩ gì, đọc gì, nói gì, trong các chuyến xe, bên vỉa hè, trong hội trường hoặc giữa thiên nhiên.
Ngoài phần Nghị với các tiêu đề: Văn tôi và phê bình tôi nói gì (mỗi người 5 phút), Thơ tôi nói gì (5 phút), Hai phút cho một ý tưởng sáng tạo, phần Hội có vẻ rôm rả hơn với đêm Thơ trẻ trong lòng phố cổ và các cuộc tham quan Đêm rằm phố cổ, Thánh địa Mỹ Sơn, Khu Kinh tế mở Chu Lai, Tượng đài chiến thắng Núi Thành…
Người đầu tiên chúng tôi gặp khi mới đến là nhà văn Phan Thị Vàng Anh. Mười ba năm trước, trong Hội nghị công tác Nhà văn trẻ lần thứ IV tại Hà Nội cô mới 25 và tựa đề tập truyện ngắn “Khi người ta trẻ” được lan truyền qua những người trẻ tuổi như một điệp khúc. Bây giờ thì Vàng Anh là một trong những người cầm lái con thuyền tổ chức Hội, đang đóng vai trò quan trọng điều hành cuộc này. Hôm sắp về, tôi được nghe nhà văn Trần Kỳ Trung là người trong nhóm thực hiện, nói rằng: “Vàng Anh trong công tác tổ chức năng động lắm, đóng góp đến sáu bảy mươi phần trăm, còn hai ba chục phần trăm còn lại mới là của bọn mình”.
Mùa Phật đản này ở Hội An, phố cổ thật là viên mãn không khí bạn bè. Trong các mục tiêu mà Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh trả lời cho báo chí, có chuyện nhà văn cần có bạn. Bao nhiêu người rất thỏa mãn cuộc gặp bạn văn, trong khung cảnh thơ mộng, nghe hơi ấm bàn tay nhiều hơn là nghe tham luận.
Chuẩn bị vào khai mạc, trẻ kéo già già kéo trẻ, ríu rít trong các cuộc quay phim chụp ảnh kỷ niệm. Mấy khi gặp nhau đông vui thế này.
Tôi có cảm giác rằng các nhà văn già thì rất trẻ mà các nhà văn trẻ thì… không già chút nào! Bây giờ thì Hội nghị những người viết văn trẻ lần thứ VII đã khép lại, báo chí khắp nơi có bài, kẻ khen chỗ này người chê chỗ nọ. Ngoài báo chí là bài nhận định của chính các đại biểu, bởi đa số các nhà văn từ già đến trẻ đều kiêm thêm việc làm nhà báo. Chính ra, phần Nghị diễn ra có đúng một ngày, từ sáng đến tối.
Sau khi nhà thơ Hữu Thỉnh khai mạc, ông Vũ Ngọc Hoàng - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam tâm sự với các nhà văn về đất và người Quảng Nam, có các tham luận của Nguyễn Vĩnh Tiến, Nguyễn Hoài Nam, Phan Hồn Nhiên… Thế là hết phần “mũ cao áo dài”.
Buổi chiều, phần Văn tôi và phê bình tôi nói gì, trừ nhà văn Vũ Hồng đọc một bài viết sẵn mà theo anh có lẽ hơn 5 phút một tí, còn lại mỗi người được nói 5 phút.
Tối, có 2 phần đan xen nhau, phần Thơ tôi nói gì do nhà văn Hồ Anh Thái, nhà thơ Dạ Thảo Phương, nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tiến, nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam, phần Hai phút cho một ý tưởng sáng tạo do nhà văn Vũ Hồng và nhà thơ Phan Huyền Thư dẫn chương trình. Có các ý kiến tham gia: Từ Nữ Triệu Vương, Vi Thy Linh, Thục Linh, Dương Dương Hảo, Bình Nguyên Trang, Nguyễn Vĩnh Tiến, Lê Thiếu Nhơn, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Phan Huyền Thư... Chính quan điểm của Ban tổ chức và được các nhà văn trẻ hưởng ứng nhiệt thành (qua phát biểu trên báo in lẫn báo điện tử), là nên Hội nhiều hơn Nghị, gặp nhau vui vẻ, nói thật ngắn gọn súc tích hơn là comple veston, đọc những tham luận loằng ngoằng (ai đọc nấy đọc, ai nghe nấy nghe). Nhưng cũng chính chỗ này bị chính các nhà văn trẻ và báo chí phàn nàn nhiều nhất. Mặc dù, rất nhiều ý kiến đưa ra nhưng càng lúc, một số nhà văn trẻ càng… nói xa vấn đề.
Thì ra, nghe họ nói chuyện bên bàn trà bàn rượu thì rất vui, rất lưu loát, nhưng vào nói trong hội nghị thì hơi bị… khớp. Chính nhà thơ trẻ Phan Huyền Thư, một MC đầy cá tính, liên tục “mớm cung” cho họ, đã than thở: “Tôi được Ban tổ chức giao nhiệm vụ dẫn dắt sân chơi “hai phút cho một ý tưởng”. Thú thật, tôi hơi thất vọng vì đã hào hứng nghĩ đến một diễn đàn đầy ngẫu hứng, có sự nhập cuộc thật sự, sáng tạo, thẳng thắn và thiên nhiều về bếp núc của nghệ thuật ngôn từ. Khi tôi khơi gợi: “Ngôn ngữ là nhà tù của nhà thơ và cách vượt ngục duy nhất là tạo ra ngôn ngữ mới…” tôi đã hy vọng rằng những vấn đề về thi pháp, về cảm nhận và hơi hướng thời đại sẽ được các bạn viết chia sẻ, đối thoại… Nhưng tôi thấy mình quá lạc lõng với cuộc tranh luận về báo Văn nghệ Trẻ và những bài thơ (được đọc lên một cách níu kéo). Tôi thấy hoang mang giữa việc “viết” và “sự cần được biết đến” của những người viết trẻ. Thật ra với họ, điều gì quan trọng hơn?”. Nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên nhận xét rằng đấu trường đã dọn ra, nhưng thiếu võ công: “Một hội nghị không có báo cáo thành công hay thất bại vì đó là một hội nghị mở. Cái vui, cái buồn, sự chán nản, thất vọng hay những hằn học rồi cũng mau qua. Khi lên máy bay trở về, một người bạn viết nói với tôi trong tiếng thở dài: “Hãy nghĩ xem, 5 năm sau, hai phần ba trong số chúng ta hoặc đã già, hoặc đã biến mất trên văn đàn. Thật kinh khủng...”. Ai đã trang bị cho chuyến lữ hành dài hơi và ngay cả cuộc biến mất lạnh lùng kia? Nói như Phan Thị Vàng Anh, người thấm thía mệt mỏi và ngậm ngùi nhiều nhất phía sau Hội nghị này khi đồng loạt nhiều tờ báo tấn công ban tổ chức: “Thành công thật của nó là nhìn ra được lực lượng chứ không phải thành công từ những bản tham luận. Câu hỏi của chúng tôi tiếp tục đặt ra là: đấu trường đã dọn ra, dân chủ, cởi mở; vậy, bí quyết võ công của anh ở đâu? Anh sẽ chiến đấu đến bao lâu với sự trang bị ý thức ấy?”
Mười ba năm rồi, tôi mới đi dự Hội nghị những người viết văn trẻ trở lại. Một số đại biểu của hồi ấy, bây giờ tôi gặp lại ở Hội nghị này đều là những người có trách nhiệm gánh vác các trọng trách khác nhau nhưng ít nhiều đều liên quan đến việc “phụng sự” các nhà văn trẻ thế hệ tiếp theo, có thể trên phạm vi toàn quốc, có thể ở khu vực hoặc địa phương mình. Có 50 cây bút trẻ đã được kết nạp vào Hội Nhà văn, đó là con số thông báo của Hội, giữa các kỳ hội nghị những người viết trẻ. Từ “nhà văn trẻ” của hội nghị lần IV, bây giờ chúng tôi đến với hội nghị lần VII với tư cách nhà văn… già, có trách nhiệm lắng nghe, tin cậy và hy vọng.
Thật ra tôi đến với tâm trạng vui và không hề nghĩ một hội nghị nào có thể giải quyết rốt ráo tất cả vấn đề đã và đang đặt ra trong đời sống văn chương, kể cả ở khu vực những người trẻ tuổi như hội nghị này. Tài năng, tâm huyết, khát vọng lớn là nằm trên trang viết, nơi tác giả hằng ngày đối diện, vượt qua mọi thử thách trong đó khốc liệt nhất là cuộc vượt lên chính mình. Còn ở hội nghị, tính chất giao lưu, gặp gỡ, hòa vào số đông để nhận thức rõ hơn về mình, và phía tổ chức nhìn nhận một đội ngũ, là quan trọng hơn cả.
Tôi, cũng như nhiều đồng nghiệp rất khao khát bạn văn, có dịp đắm mình trong không khí trẻ trung của đội ngũ kế tục, lại càng hân hạnh. Một số nhà văn, trẻ hơn một tí, năm ngoái đã từng đồng hành với nhau trong Đại hội Nhà văn Việt Nam, bây giờ họ đến đây với tư cách “hội viên dưới 40 tuổi”, mừng lắm chứ: Nguyễn Ngọc Tư, Vũ Hồng, Nguyễn Thị Diệp Mai, Nguyễn Đình Tú, Đỗ Bích Thúy… Hàng loạt hững cây bút trẻ dưới 35 đã hình thành đội ngũ, mừng lắm chứ. Các vấn đề liên quan đến Hội, nhà thơ Hữu Thỉnh đã đề cập, cuối buổi chiều và cuối buổi tối, rất cụ thể. Còn khái quát một nhìn nhận, là như thế này: “Đội ngũ lần này đa dạng, sự hình thành đội ngũ rất rộng lớn và trong đó có những dấu hiệu của tài năng, điều này cho phép chúng ta hy vọng. Và đây chính là hình ảnh thu nhỏ của văn học nước nhà trong vài năm tới. Tôi cực kỳ hy vọng vào thế hệ viết văn trẻ, họ thực sự sẽ làm nên diện mạo văn chương chứ không phải ai khác. Họ sẽ là đội quân chủ lực làm nên những phẩm chất văn học trong những năm tới”, nhà thơ Hữu Thỉnh, đại diện cho Hội Nhà văn Việt Nam nói vậy. Thế hệ nhà văn mà báo chí gọi là Thế hệ @, Thế hệ 8x, nhà văn computer… đã hình thành ngày càng rõ nét và làm xôn xao văn đàn trong “nhịp sống số”, trong bối cảnh toàn cầu hóa. Phần đông họ thông minh, quyết liệt, có trình độ học vấn cao, được cập nhật thông tin và công bố tác phẩm bằng những phương tiện tối ưu. Đó là những điều kiện cần. Còn những điều kiện đủ là hồn vía, bản sắc, sự tôi luyện của mỗi cá thể sáng tạo, nói như các nhà lý luận là “sự điên rồ của những người dũng cảm” để hình thành kiệt tác, đi đến tận cùng dân tộc để bắt gặp thế giới. Trong đời sống văn chương, luôn có sự tương hỗ giữa các thế hệ, nhưng khi đối diện với trang viết là nỗi cô đơn và khát vọng chiếm lĩnh. Con đường sáng tạo vốn đầy hiểm họa nhưng cũng thật sòng phẳng với các tài năng. Tôi yêu quý các tài năng, yêu quý không khí bạn bè vô ngần, và hết lòng yêu quý chặng đường hóa thân, cuộc luân hoán kỳ diệu của những mạch sống sáng tạo từ cuối rễ lên đầu cành, bày tỏ trước cao xanh những hoa thơm quả ngọt…
Nhà thơ Hữu Thỉnh trước khi lên xe, ký tặng vợ chồng tôi tập thơ với bút pháp tài hoa và hết sức đôn hậu Thương lượng với thời gian. Cái tựa đề ấy, trong không khí này, càng khiến chúng tôi bần thần và cảm động. Sau ba ngày chia sẻ với các nhà văn trẻ, dưới mây trời đô thị cổ, sự lưu luyến trào dâng khi sắp nói lời tiễn biệt. Dưới mây trời đô thị cổ, ai cũng biết rằng, Hội An đã bắt gặp thế giới bằng sự điềm tĩnh mấy trăm năm cổ.
|