Bài chòi: từ đất lên giàn
Kỳ II: Từ lời hô trở thành điệu hát
10:18', 23/5/ 2006 (GMT+7)

Thuở ban đầu, bốc lên một thẻ bài, anh hiệu chỉ việc hô tên con bài để các chòi nghe và theo dõi cuộc chơi. Về sau, để người xem khỏi chán, anh hiệu tìm cách ngân nga những còn bài đó lên theo giai điệu: “Hô... là con ông ầm nè!”. Nhưng hô vậy mãi rồi cũng phải thay đổi để thu hút người chơi, vậy là anh hiệu lại tìm trong những câu hò, câu hát, câu ca dao, hay thậm chí sáng tác ra những câu thơ gắn với tên của các con bài. Ví dụ như con tứ móc: “Cười mà nực cười a!… Nực cười chị bán thịt heo… Hai vai gánh nặng lại còn đèo câu móc câu… Hô… là con tứ móc này!”. Hay một ví dụ khác: “Đi đâu mang sách đi hoài/ Cử nhân không đậu tú tài cũng không”, đấy chính là câu hát liên quan đến con nhứt trò.

 

Anh hiệu được công chúng yêu mến như những nghệ sĩ thực thụ. Ảnh: S.T

Những câu hát lục bát như vậy, đã đánh dấu sự bắt đầu sáng tạo của anh hiệu và tạo sự hồi hộp của những người chơi. Rồi bên cạnh những anh hiệu tài hoa và giỏi ứng tác như vậy, đã có thêm những người chuyên viết bài chòi câu. Theo nhạc sĩ Trương Đình Quang, ở Bình Định, chỉ riêng huyện Tuy Phước đã có ông Tú Diêu, Bảy Nghi, xã Thạc, Phó Sáu, Kiểm Em. Và cũng nhờ sự sáng tạo như vậy, những anh hiệu, dần dần được công chúng yêu mến như những nghệ sĩ thực thụ. Chẳng hạn: ông Nhan, ông Ngân, anh Sông, Núi, Sáu Giác, chị Chín...

Những câu lục bát, có tên trùng tên con bài, được anh hiệu hát lên theo những điệu hát khác nhau. Trải qua thời gian, những làn điệu được chọn lọc theo quy luật tự nhiên, cô đúc lại mà thành làn điệu chung và truyền lại theo thời gian. Rồi trên cơ sở các điệu hát ấy, sau này, anh hiệu lại tiếp tục sáng tác thêm những bài dài có từ 4, 5, đến 10, 15 câu lục bát. Những câu hát này có nội dung tương đối hoàn chỉnh, hoặc giáo dục những điều tốt, điều hay, khi là châm biếm, đả kích những thói hư tật xấu, hay phản ánh chuyện đời thường. Đây chính là thời kỳ bài chòi câu.

Giai điệu lúc này cũng đã phát triển hơn. Anh hiệu, nay mang dáng dấp một nghệ sĩ, cũng phải sáng tạo, pha trộn các chất liệu âm nhạc dân gian cho phong phú, rồi đưa thêm yếu tố diễn cho phù hợp với tình cảm, sắc thái nội dung. Tiết tấu câu hát cũng biến hóa sinh động hơn. Chẳng hạn con bài nhì nghèo sẽ được hô thế này: “Đêm nằm tôi nghĩ tôi rầu/ Làm dâu đã khổ tận đầu tới đuôi/ Ra thân làm, đầu cổ đã vùi/ Các chị sung sướng, còn tui mẹ hành...”.  

Với những câu hô bài chòi đã có ý nghĩa trọn vẹn như vậy, hẳn nhiên, tầm ảnh hưởng của chúng đã vượt ra khỏi khuôn khổ của mấy chòi hát vào ngày hội xuân, đến được với đông đảo người bình dân. Nó thu hút người nghe vì nội dung gần gũi, nó hấp dẫn họ bởi có làn điệu. Đã xuất hiện kiểu hô diễn lẻ, với những nghệ nhân đứng giữa công chúng mà hô. Điều này báo hiệu bài chòi đang dần vượt thoát khỏi tầm mức của một thú chơi và vươn dần ra, đang trở thành một bộ môn nghệ thuật.

  • T.T (tổng hợp)

Kỳ III: Bài chòi trên sân khấu trải chiếu

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Trao tặng thưởng văn học năm 2005 cho hội viên   (23/05/2006)
Chiếc quần lửng   (22/05/2006)
Đô thị cổ và nhà văn trẻ   (22/05/2006)
NSƯT Nguyễn Kiểm và kỷ niệm những lần gặp Bác   (19/05/2006)
Phát hiện mới ở tháp Con Gái   (18/05/2006)
Nguyễn Thi - ánh lửa từ trang viết   (18/05/2006)
Bác Hồ vẽ tranh   (17/05/2006)
Con gái của lão Tôn   (17/05/2006)
Kỳ I: Khởi nguồn từ những hội xuân   (16/05/2006)
Chúng ta có Bác Hồ   (15/05/2006)
Thu được 101 hiện vật các loại   (15/05/2006)
Nhà trẻ   (14/05/2006)
Đang dần trở thành thương hiệu mạnh   (12/05/2006)
Bình Định, Quy Nhơn sẽ là một điểm đến hấp dẫn   (13/05/2006)
Văn trẻ Bình Định: Đợi "gió của mùa sau" ?  (12/05/2006)