Được sự tài trợ của Nhà nước, Hội VHNT Bình Định phối hợp với NXB Thông Tấn tại Hà Nội vừa cho ra mắt tập “Nhà văn Việt Nam tỉnh Bình Định”, tuyển chọn tác phẩm của 5 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam hiện đang sống và làm việc ở tỉnh Bình Định.
“Nhà văn Việt Nam tỉnh Bình Định” (Nhà văn đương đại) giới thiệu tương đối đủ về 5 gương mặt hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Bình Định. Đó là Lệ Thu, Lê Văn Ngăn, Nguyễn Văn Chương, Nguyễn Thanh Mừng, Trần Thị Huyền Trang.
Mỗi nhà văn đều có “sa-pô” ảnh chân dung, tiểu sử văn học, thống kê tác phẩm và giải thưởng. Phần chính giới thiệu những tác phẩm chọn lọc của mỗi nhà văn và ý kiến của các nhà phê bình, của đồng nghiệp và bạn đọc với tác phẩm của họ qua tiểu mục “Tác phẩm và dư luận”. Mỗi người được dành 100 trang in, tuy không nhiều nhưng phần nào đã giới thiệu được những tác phẩm có thể coi là tiêu biểu của mỗi nhà văn.
Nhà thơ Lệ Thu, trong phần tác phẩm đã chọn 44 bài thơ của mình qua các tập đã xuất bản. Phần văn xuôi chị chỉ trích 3 trang bài viết có tính lý luận mang tiêu đề :”Nghĩ về đổi mới và nhân cách nhà văn” đã đăng trên báo Văn Nghệ năm 1990. Phần Tác phẩm & Dư luận được in trên 39 trang, trích một phần dư luận nói về những tác phẩm của chị.
Nhà thơ Lê Văn Ngăn - nhà thơ không bao giờ lớn tiếng chọn 39 bài thơ mà mình thích nhất đưa vào tập sách. Đây có thể coi là tập thơ mới của anh, vì từ sau giải phóng đến nay anh chưa hề in tập thơ nào. Lê Văn Ngăn không viết văn xuôi, anh chỉ chọn in 13 trang Tác phẩm & Dư luận đánh giá thơ anh.
Sáng tác nhà văn Nguyễn Văn Chương thì đa dạng, phong phú, bởi anh vừa làm thơ, vừa viết văn, dành nhiều tâm sức viết cho thiếu nhi. Nhà văn đưa vào tập sách này chùm thơ thiếu nhi 11 bài và 37 bài thơ “người lớn”. Phần văn xuôi, anh giới thiệu 7 truyện ngắn, trong đó 3 truyện viết cho thiếu nhi. Phần Tác phẩm & Dư luận, nhà văn trích in ý kiến của 24 tác giả nhận định, đánh giá tác phẩm của mình qua các đầu sách đã xuất bản.
Nhà văn Nguyễn Thanh Mừng chọn 33 bài thơ, có lẽ chủ yếu chọn ở tập thơ “Ngàn xưa” của anh đưa vào. Đó tất cả là thơ lục bát 3 khổ 12 câu. Gần đây Nguyễn Thanh Mừng viết truyện ngắn và hầu hết đã in các báo. Nhưng anh lại đưa vào tập sách 3 bài văn xuôi, chủ yếu là tùy bút, tạp văn, như “Folklorists liệt truyện”. Trong Tác phẩm & Dư luận, Nguyễn Thanh Mừng dành 41 trang để đưa ý kiến của các nhà phê bình, những bạn viết từ khắp nơi trong nước nói về tác phẩm của anh, chủ yếu cũng là tập thơ “Ngàn xưa”.
Nhà văn Trần Thị Huyền Trang chỉ đưa có 18 bài thơ và 7 truyện ngắn vào tập sách. Nhưng phần của chị cũng chiếm tới 169 trang in, vì riêng 7 truyện ngắn của chị đủ thành “tập” với 120 trang rồi. Phần Tác phẩm & Dư luận, Huyền Trang dành 27 trang cho những ý kiến bình xét, khen chê (tất nhiên chủ yếu là khen) của dư luận bạn đọc trong cả nước với tác phẩm của chị.
Gấp sách lại, ta thấy hiện lên chân dung cơ bản của mỗi nhà văn. Mỗi người có một gương mặt không thể lẫn, góp vào diện mạo chung của văn học Bình Định. 3 nhà văn thuộc thế hệ 4X và 2 nhà văn thế hệ 6X. Sức sáng tạo của họ vẫn còn dồi dào lắm.
Ước mong một dịp nào, Nhà nước dành tài trợ nhiều hơn để có thêm nhà văn Bình Định được giới thiệu khi ấy không chỉ chân dung văn học của mỗi người được khắc họa rõ hơn mà nền văn học Bình Định cũng đầy đủ, chính xác hơn.
|