Khai quật khảo cổ học là công việc phải làm trước khi bắt tay vào trùng tu một di tích tháp Chăm. Bởi việc làm này sẽ góp phần giải mã những ẩn số nhằm phục vụ cho công tác trùng tu...
* Mỗi tháp một ẩn số
Trong 14 tháp Chăm hiện còn tại Bình Định, các tháp có niên đại sớm như Bình Lâm (đầu thế kỷ XI) cơ bản được xây dựng bằng gạch, đến giai đoạn sau có sự tham gia của vật liệu đá như tháp Bánh Ít (đầu thế kỷ XII). Sang giai đoạn ảnh hưởng của Khơme (cuối thế kỷ XII - XIII) như ở tháp Dương Long; tháp Đôi thì vật liệu đá đã giữ vai trò quan trọng, song cơ bản vật liệu xây dựng vẫn là gạch.
|
Khai quật khảo cổ học tháp Bánh Ít năm 2002. Ảnh: Hữu Thọ |
Đáng chú ý là ở các cụm tháp cùng xây trên một địa điểm nhưng niên đại xây dựng không đồng nhất. Tháp Dương Long là một ví dụ. Các nhà nghiên cứu xác định: có thể người Chăm đã xây tháp thờ phía nam trước, đến tháp thờ trung tâm, sau đó là tháp thờ phía Bắc. Ở cụm tháp như Bánh Ít thì niên đại trong từng phần mỗi tháp cũng có sự khác nhau. Khai quật tại khu tháp này năm 2002 cho thấy tháp cổng có hai phần kiến trúc riêng biệt, ngăn cách nhau bằng một lớp vật liệu đá ong. Phần chân đế là một kiến trúc cũ được sử dụng lại, phần trên lại là kiến trúc được xây dựng về sau. TS Lê Đình Phụng cho rằng: “Phần trên có niên đại muộn hơn phần dưới”, còn theo GS Nguyễn Duy Hinh thì: “Trong quá trình tồn tại, tự người Chăm cũng đã nhiều lần trùng tu tháp Chăm”.
Thêm vào đó, có khi, trong cùng một tổng thể kiến trúc nhưng phần điêu khắc và kiến trúc có thể khác về niên đại. Có lẽ, khi trùng tu tháp, người Chăm xưa có thể sử dụng lại những tác phẩm điêu khắc cũ của kiến trúc đã sụp đổ. Ví dụ tháp trung tâm của nhóm Bánh Ít, trên tháp, ngoài các yếu tố đặc trưng phong cách Bình Định như vòm cửa kiểu mũi lao nhiều lớp, bộ mái nhiều tầng thu nhỏ, tháp góc nhiều lớp nhô lên…, thì trên ô cửa giả ở thân tháp vẫn thể hiện hình ảnh tu sĩ đứng, kế thừa những yếu tố thuộc phong cách Mỹ Sơn A1 trước đó. Do vậy đặc điểm kiến trúc, họa tiết trang trí là những vấn đề quan trọng cần xác định rõ trước khi tiến hành tu bổ, tôn tạo.
* Phục nguyên toàn bộ: một ảo tưởng?
Điều 9, Hiến chương quốc tế về bảo tồn, trùng tu di tích và di chỉ, thông qua tại Venice năm 1964, thì “…mục đích của tu bổ là bảo tồn và làm lộ ra giá trị thẩm mỹ và lịch sử của di tích, và phải dựa trên cơ sở tôn trọng vật liệu gốc và các cứ liệu xác thực…”. Do vậy, trong tu bổ tháp Chăm, tùy theo hiện trạng cụ thể, có thể gia cố tạm thời hay gia cố bền vững, nhưng phải giữ được tính nguyên gốc. Không thể thay thế hoặc làm lại theo một phong cách thống nhất trên một kiến trúc. Việc đó có thể dẫn đến làm sai lệch, làm mất những giá trị cổ xưa, khiến di tích tuy có vẻ hoàn chỉnh, nhưng nội dung, giá trị đã bị đánh tráo.
Trong trùng tu di tích Chăm, việc khôi phục từng phần phải được đặt ra. Mục đích của việc làm này là để khôi phục khả năng chịu lực của cấu trúc di tích và khôi phục một phần hình dáng cơ bản của nó. Tuy nhiên việc khôi phục từng phần chỉ được thực thi hết sức hạn chế, trên cơ sở những dữ liệu tại chỗ. Điều cần thiết là từ hiện vật thu được qua khai quật, các nhà thiết kế phải đánh giá đúng vị trí hiện vật và tái định vị chúng theo đúng vị trí ban đầu trên công trình. Tuyệt đối không đặt ra giả thuyết hay chủ ý thi công khác với thành phần gốc. Do vậy, không nên đặt vấn đề phục nguyên toàn bộ các di tích văn hóa Chăm bởi lẽ nó sẽ dẫn đến sự đánh mất hẳn những di sản Chăm cổ xưa.
|
Phù điêu thần Visnu tìm thấy tại tháp Cánh Tiên. Ảnh: Hữu Thọ |
* Khai quật khảo cổ học: góp thêm tư liệu cho trùng tu
Với những đặc điểm phức tạp như vậy, khi tiến hành trùng tu tháp, ngoài việc vận dụng quy luật đối xứng, thì khai quật khảo cổ học nhằm góp thêm tư liệu cho việc tu bổ, phục hồi các thành phần, họa tiết đã bị mất trên các tháp là không thể thiếu. Điều đó càng cần hơn khi tiến hành trên một cụm với nhiều tháp. Từ đó, mới xác định niên đại các thành phần kiến trúc, “trả lại” các thành phần kiến trúc, trang trí về với thời kỳ tạo ra chúng. Chẳng hạn, một trong những số liệu do khảo cổ học đưa lại phục vụ trùng tu tháp Cánh Tiên là đã phát hiện được nhiều hiện vật giá trị. Trong đó, có một khối đá vuông cạnh dài 0,85m và 0,87m, dày 0,31m. Hai mặt khối đá có hoa văn hoa dây xoắn, giống hoa văn các cột ốp góc tường tháp, hai cạnh còn lại không có hoa văn. Như vậy, khối đá này là khối đá trụ góc của tháp.
Đồng thời, việc khảo sát cần tiến hành tỉ mỉ, căn cứ vào thực tế để đề ra phương án phù hợp, trả lại đúng dáng vẻ được tạo ra qua các thời điểm lịch sử của chúng.
|