Cần quan tâm nhiều hơn đến văn học thiếu nhi
10:26', 28/5/ 2006 (GMT+7)

Bất cứ  lĩnh vực nào, ngành khoa học nào cũng đều phải có sự đào tạo, bồi dưỡng mới có thể phát triển. Lĩnh vực văn chương là một đặc thù mà không có trường lớp nào đào tạo nên nhà văn được. Tuy nhiên, không thể phủ nhận những hoạt động nhằm bồi dưỡng kiến thức sáng tạo, trao đổi kinh nghiệm, để trên cơ sở năng khiếu hoặc tài năng mới nảy sinh có sự kích thích, có môi trường để nó ngày càng phát triển.

Trên văn đàn cả nước, số tác giả chuyên viết cho thiếu nhi ngày càng ít đi. Lý do chính là viết cho thiếu nhi thật khó, vì nó đòi hỏi nhiều tâm sức, tài năng. Người viết cho thiếu nhi trước hết phải có lòng say mê yêu trẻ và phải có tài hóa thân vào nhân vật của mình, suy nghĩ, nhìn nhận sự vật bằng  đôi mắt xanh non của trẻ thơ mới có thể có những dòng thơ, câu văn hồn nhiên, ngộ nghĩnh, phù hợp lứa tuổi để các em tiếp nhận.

 

Mẹ và Con. Tranh của Gustav Klim.

Thứ hai là việc phổ biến các tác phẩm viết cho các em bị rất nhiều hạn chế. Cả nước chỉ có một NXB Kim Đồng chuyên in sách thiếu nhi. Nhưng in được một cuốn sách ở NXB này là cực khó, phải xếp hàng 2-3 năm nếu tác phẩm ấy được chấp nhận. Các báo hầu như không in tác phẩm cho thiếu nhi. Có chăng chỉ một vài tờ báo giành một góc nho nhỏ in mấy bài thơ, mẩu chuyện nhân dịp Tết Nguyên đán, 1-6 hoặc Trung thu là cùng. Ngay tờ báo lớn nhất là Văn Nghệ cũng đâu có đất cho các cháu. Đã thế, nhuận bút tác phẩm viết cho thiếu nhi lại thường thấp hơn tác phẩm khác, mặc dù chế độ nhuận bút của Nhà nước đều có khuyến khích thêm 20-30% nhuận bút cơ bản. Hình như người ta nghĩ rằng trẻ con thì cho thế nào cũng được !

Ở tỉnh ta, từ khi thành lập Hội Văn học Nghệ thuật đến nay cũng đã hơn 20 năm, trải qua mấy kỳ đại hội. Diễn đàn của Hội khi là Văn Nghệ, khi là Phương Mai cũng chưa khi nào giành những số trang thích đáng cho văn học thiếu nhi. Hội cũng chưa bao giờ có chủ trương cho việc phát triển văn học thiếu nhi. Trong các hoạt động của Hội chưa khi nào đề cập đến mảng văn học cho các em, như xuất bản tác phẩm cho thiếu nhi, mở trại sáng tác về thiếu nhi hay một cuộc thi sáng tác văn học viết cho thiếu nhi hoặc của thiếu nhi. Các tác giả có sáng tác cho các em gửi đăng lẻ tẻ trên các báo được đâu thì được. Nhưng khi tập hợp thành sách như một tập thơ, tập truyện ngắn độ vài chục trang thì không biết in ở đâu. NXB Kim Đồng, NXB Trẻ đòi hỏi chất lượng rất cao. Các NXB khác thường không in tác phẩm cho thiếu nhi. (Có chăng chỉ NXB Giáo Dục nhưng cũng không phải thường xuyên, thuận lợi thì họ in, trục trặc gì họ không in nữa vì nhiệm vụ chính của họ là in sách giáo khoa). Cũng có thể một vài NXB in tác phẩm cho thiếu nhi nếu đó là tác phẩm tác giả tự đầu tư kinh phí, tự phát hành. Có tác giả nào dám bỏ tiền ra in sách cho thiếu nhi, tự đem bán cho các em được không ?

Tôi xin có mấy ý kiến như sau:

1. Văn học cho thiếu nhi muốn có sự phát triển, trước hết phải được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, bởi phải có sự đầu tư kinh phí hàng năm. Trên cơ sở chương trình kế hoạch của Hội, UBND tỉnh giành thêm một khoản kinh phí cho Hội in ấn tác phẩm văn học thiếu nhi, mở trại sáng tác, phát động cuộc thi viết cho thiếu nhi (người lớn) và của thiếu nhi (các em). Giải thưởng Xuân Diệu - Đào Tấn cần có giải trao cho các tác phẩm viết cho thiếu nhi chứ không nên gộp chung làm một, kiểu “thơ nào cũng là thơ”, không có sự  khuyến khích người tâm huyết dành sáng tác cho các em.

2. Hội Văn Nghệ trong kế hoạch hoạt động hàng năm phải có chương trình cụ thể về mảng văn học thiếu nhi. Trước hết, trong tạp chí Văn Nghệ, văn học thiếu nhi phải được giành một số trang thích đáng. Phải có kế hoạch, kinh phí xuất bản tác phẩm thiếu nhi. Những tác phẩm này có thể do Hội đứng tên xuất bản, in bao cấp, trả nhuận bút cho tác giả theo chế độ hiện hành, còn phát hành thì liên hệ với Cty phát hành sách hoặc UBND tỉnh giao trách nhiệm cho 2 bên cùng phối hợp thực hiện việc in ấn, phát hành sách cho thiếu nhi.

Mỗi dịp các em nghỉ hè, Hội phải có kế hoạch, kinh phí tổ chức trại sáng tác cho các em. (Việc này nên học hỏi kinh nghiệm ở Hội Văn Nghệ Đăc Lắc. Hè nào họ cũng tổ chức 1 - 2 trại sáng tác cho thiếu nhi viết). Cũng phải có kinh phí in ấn tác phẩm cho các em sau khi dự trại.

Hàng năm hoặc 2 - 3 năm nên tổ chức cuộc thi sáng tác văn học thiếu nhi. Có thể thi người lớn viết cho thiếu nhi, về thiếu nhi. Có thể cuộc thi giành cho các em viết về gia đình, nhà trường, quê hương đất nước hoặc phối hợp với cơ quan, ban ngành  (như thủy sản, môi trường, bảo vệ trẻ em v.v…) phát động cuộc thi về đề tài đó. Hội Văn nghệ tỉnh đang mở cuộc vận động sáng tác cho các em, kéo dài đến 31-8-2006. Đó là một tín hiệu đáng mừng.

Từ những trại, những cuộc thi này, chúng ta phát hiện các em có năng khiếu sáng tác văn thơ, bồi dưỡng các em trở thành những cây bút thực thụ. Đó là một cách vun trồng chăm sóc các nhà sáng tác tương lai cho văn học tỉnh nhà chứ không nên cứ “ăn sẵn” mãi.

3. Sáng tác cho thiếu nhi là một việc khó khăn, các tác giả có khả năng viết cho các em nên đầu tư thời gian, công sức viết nhiều cho các em chứ không nên viết kiểu “amatơ” tùy hứng, thích thì viết, không thích thì thôi.

Với cách ứng xử như của một số tờ báo, nhà xuất bản, nếu không được sự quan tâm đúng mức của Nhà nước, của tỉnh, của Hội và của mỗi chúng ta, tôi e rằng văn học cho thiếu nhi trong cả nước nói chung và ở tỉnh ta nói riêng sẽ chẳng phát triển, đáp ứng được sự đọc của các em, giáo dục các em qua bài thơ, trang văn và sự phát triển tâm hồn trẻ em nói chung.

  • Nguyễn Văn Chương
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Khai quật khảo cổ học phải đi trước   (28/05/2006)
Nhà văn Việt Nam tỉnh Bình Định   (24/05/2006)
Kỳ II: Từ lời hô trở thành điệu hát   (23/05/2006)
Trao tặng thưởng văn học năm 2005 cho hội viên   (23/05/2006)
Chiếc quần lửng   (22/05/2006)
Đô thị cổ và nhà văn trẻ   (22/05/2006)
NSƯT Nguyễn Kiểm và kỷ niệm những lần gặp Bác   (19/05/2006)
Phát hiện mới ở tháp Con Gái   (18/05/2006)
Nguyễn Thi - ánh lửa từ trang viết   (18/05/2006)
Bác Hồ vẽ tranh   (17/05/2006)
Con gái của lão Tôn   (17/05/2006)
Kỳ I: Khởi nguồn từ những hội xuân   (16/05/2006)
Chúng ta có Bác Hồ   (15/05/2006)
Thu được 101 hiện vật các loại   (15/05/2006)
Nhà trẻ   (14/05/2006)