Vượt ra phạm vi những hội chòi, các anh hiệu tụ tập nhau thành từng tốp đôi ba người, lập thành những gánh nhỏ, đi về các làng quê biểu diễn phục vụ và lấy đó làm kế sinh nhai. Cái trống, cặp sanh, vài cây đàn, đó là cả gánh bài chòi những ngày phôi thai. Họ đi khắp các vùng nông thôn, vào những khi mùa vụ rảnh rỗi. Và đêm đêm, với vài ba chiếc chiếu trải trên nền đất, dưới ánh sáng leo loét của vài ngọn đèn dầu, không phông màn trang trí, họ biểu diễn những tiết mục bài chòi. Người này đứng hô, người khác ngồi trên chiếu đánh trống, kéo đàn. Hết tiết mục này sang tiết mục khác. Phục trang thì chỉ đơn giản là chiếc khăn xéo, vào vai nữ thì khăn xéo vắt vai, vai già thì khăn xéo bịt đầu. Đây chính là thời kỳ mà nhạc sĩ Hoàng Lê gọi là bài chòi trên “sân khấu trải chiếu”.
|
Trích đoạn Ông Xã - Bà Đội do các nghệ nhân bài chòi biểu diễn tại Hội thảo khoa học về sân khấu bài chòi lần thứ hai (1983). Ảnh tư liệu của GS Trần Văn Khê
|
Rồi từ những bài lẻ, những anh hiệu này sáng tạo thêm nhiều thể loại: bài chòi kể chuyện, bài chòi đối đáp và đặc biệt nhất là ca kịch. Nhờ vậy, bài chòi đã phát triển dần về mặt nghệ thuật. Chẳng hạn, với loại kể chuyện có minh họa, một người kể, đến đoạn có lời của nhân vật thì diễn viên khác đứng lên. Sang đến thể loại ca kịch, các nghệ nhân chuyển soạn từ các truyện thơ dân gian Việt Nam như Ông Xã - Bà Đội, Thoại Khanh Châu Tuấn, Phạm Công Cúc Hoa, Lâm Sanh Xuân Nương, hay từ những truyện tích Tàu như Lưu Kim Đính, Tam Hạ Nam Đường... thành những vở bài chòi truyện khá hấp dẫn.
Để diễn tả một cách đủ đầy tâm trạng nhân vật, các nghệ nhân đã “vay mượn” nhiều giai điệu của hát bội và đưa vào bài “hô” của mình. Lại cùng “chung sống” với hát bội, cải lương trên cùng một vùng đất, bài chòi cũng đã có sự tiếp thụ về âm nhạc để hoàn thiện hơn các điệu hát. Lấy bài nam ai, rút gọn những luyến láy, nhấn nhá mà đưa làn điệu bài chòi vào, mà thành điệu xuân nữ. Một điệu khác là hò quảng thì lại ảnh hưởng những bài quảng của cải lương, nhưng đã được bài chòi hóa bằng lời ca trên thơ lục bát. Các anh hiệu lại sáng tạo ra tiết tấu đặc trưng của bài chòi là “tiết tấu nhịp 3”...
Cũng nhờ những quá trình như vậy mà bài chòi có thêm nhiều làn điệu mới, ngày càng phong phú như xuân nữ, xàng xê, cổ bản, hò quảng... đủ sức đảm đương diễn tả tâm trạng, tính cách nhân vật. Do vậy, bài chòi đủ sức thể hiện những câu chuyện giàu tình tiết, những tâm trạng vui - buồn, hờn - giận, những triết lý, đạo lý, có sức hấp dẫn người xem mạnh mẽ hơn. Cách diễn của những gánh bài chòi dạo ngày thêm sống động hơn, hấp dẫn hơn, bước đầu có phân vai, có hóa trang...
Sân khấu bài chòi như vậy, đã tụ đủ những điều kiện, để rồi vào những năm cuối của thập kỷ 30 thế kỷ XX, chính thức “từ đất lên giàn”.
Kỳ IV: Những người mở lối |