Tìm hướng xã hội hóa sân khấu
14:16', 2/6/ 2006 (GMT+7)

Trong Đề án xã hội hóa (XHH) các hoạt động văn hóa do Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh xây dựng, XHH sân khấu được quan tâm đến nhiều. Bởi XHH sân khấu chính là xác lập cơ chế, để vừa bảo tồn sân khấu truyền thống, vừa tạo điều kiện cho ngành nghệ thuật này phát triển.

 

Sự tồn tại của các đoàn tuồng không chuyên là một biểu hiện sống động của xã hội hóa sân khấu. Ảnh: V.T

 

* Những bước đi đầu tiên

Những năm qua, XHH sân khấu ở tỉnh Bình Định mới đi được những bước đầu tiên. Đáng kể nhất là hoạt động của 14 đơn vị nghệ thuật truyền thống không chuyên (tuồng, ca kịch bài chòi). Các đoàn này tự liên hệ để tổ chức biểu diễn, tự hạch toán về tài chính. Sự hỗ trợ của Nhà nước chỉ dừng lại ở một vài trang thiết bị âm thanh, ánh sáng. Tạo điều kiện cho các nghệ sĩ sống được bằng nghề; hơn thế, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng, nhất là vùng sâu, vùng xa; đồng thời, góp phần bảo lưu giá trị, giữ lửa cho nghệ thuật truyền thống - đó là điều rất đáng quý ở các đoàn hát này.

Riêng hai đoàn chuyên nghiệp, bước đầu cũng đã tìm được những nguồn tài trợ xây dựng các vở mới, lưu diễn trong và ngoài nước. Ngoài ra, còn phải kể đến hàng trăm đội cồng chiêng do dân làng tổ chức, phục vụ nhân dân trong các kỳ lễ, tết; rồi lực lượng văn nghệ không chuyên ở các địa phương, các ngành... Hàng năm, ngoài các hội diễn, hội thi do ngành VHTT tổ chức, còn có trên 50 hội thi, hội diễn, liên hoan do các ngành, các địa phương tổ chức, với nội dung và hình thức nghệ thuật đa dạng, phong phú, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và nét riêng của từng ngành, từng địa phương.

* Khuyến khích và tạo sân chơi bình đẳng

Theo ông Nguyễn An Pha - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin, đẩy mạnh XHH không đồng nghĩa với việc khoán trắng về đầu tư cho tư nhân và các tổ chức xã hội mà ngược lại, cần xác định XHH vừa là vận động và tổ chức sự tham gia rộng rãi của nhân dân, toàn XH; cũng là từng bước nâng cao mức hưởng thụ của nhân dân.

Nhưng để làm được điều đó, điều quan trọng nhất là tạo ra "sân chơi" bình đẳng giữa các đơn vị công lập và ngoài công lập. Theo đề án XHH hoạt động văn hóa, các đơn vị XHH sẽ được hưởng mức ưu đãi về thuế, lệ phí như thuê đất, sử dụng đất, lệ phí trước bạ, thuế doanh thu, thuế lợi tức... được hưởng chính sách tài trợ xây dựng chương trình nghệ thuật và đi phục vụ miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng kháng chiến, cách mạng. Cán bộ, diễn viên ở các đơn vị nghệ thuật biểu diễn ngoài công lập được hưởng các chế độ chính sách về bồi dưỡng đào tạo, đào tạo lại, khen thưởng, phong tặng các danh hiệu NSƯT, NSND và được Nhà nước cấp tiền thưởng như đối với cán bộ, diễn viên trong các đơn vị công lập. Cán bộ, diễn viên của các đơn vị nghệ thuật Nhà nước khi chuyển sang ngoài công lập được thực hiện chính sách đảm bảo chế độ về hưu, bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội, chế độ chuyển ngành và được tính thời gian công tác liên tục khi thực hiện chính sách lao động.

Theo đề án này, thời gian tới, tỉnh sẽ khuyến khích thành lập các đơn vị sân khấu truyền thống không chuyên, ca nhạc quần chúng; cho phép các tổ chức xã hội, tư nhân thành lập đoàn nghệ thuật, liên doanh, liên kết xây dựng các rạp hát, sân khấu, điểm biểu diễn, trung tâm nghệ thuật phục vụ nhu cầu tham gia sinh hoạt và thưởng thức nghệ thuật biểu diễn của nhân dân. Các cá nhân, đơn vị, tổ chức ngoài công lập được đầu tư, tham gia hoạt động trong lĩnh vực văn hóa thực hiện trên nguyên tắc tự tổ chức, quản lý và chịu sự quản lý về mặt nhà nước của cơ quan có thẩm quyền. Khuyến khích tổ chức các sân khấu nhỏ, CLB loại hình nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật truyền thống, các nhóm nghệ thuật gia đình hoạt động bán chuyên nghiệp; khuyến khích các diễn viên, nhạc công, nghệ sĩ biểu diễn nghệ thuật kèm cặp nghề, dạy nghề, hoặc mở lớp đào tạo nghề biểu diễn nghệ thuật cho những người có nhu cầu, đặc biệt là với nghệ thuật truyền thống.

* Chuyên nghiệp: nhập hay tồn tại độc lập

Theo đề án quy hoạch phát triển XHH các hoạt động văn hóa của Bộ VHTT, ngoài các đơn vị nghệ thuật thuộc Bộ, mỗi tỉnh chỉ giữ và đầu tư củng cố một đơn vị chuyên nghiệp. Ở tỉnh Bình Định, hiện có hai đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp là Nhà hát Tuồng Đào Tấn và Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định. Tuy vậy, phương án XHH do Sở VHTT tỉnh xây dựng, trước mắt, vẫn giữ nguyên hai đơn vị nghệ thuật truyền thống này để phát huy thế mạnh có tính đặc trưng của mỗi bộ môn. Khi cần thiết, mới thành lập một Nhà hát truyền thống công lập, vẫn mang tên Đào Tấn, nhưng trong đó, vẫn duy trì hai đoàn nghệ thuật tuồng và ca kịch bài chòi.

Ông Nguyễn An Pha lý giải: trên thực tế hiện nay, Nhà hát Tuồng Đào Tấn ngoài chức năng biểu diễn, còn có chức năng phục hồi, khai thác, nghiên cứu kế thừa và phát triển nghệ thuật tuồng Đào Tấn. Còn Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định là đơn vị kế thừa, phát triển nghệ thuật bài chòi. Cần nói thêm, hiện nay, cả nước chỉ còn 2 đoàn nghệ thuật độc lập về loại hình ca kịch bài chòi là Bình Định và Quảng Nam (trong đó, Quảng Nam lấy tên là Đoàn Ca kịch Quảng Nam). Riêng Khánh Hòa, đoàn dân ca đã nhập cùng với đoàn tuồng trong một nhà hát truyền thống. Theo ông Pha, Khánh Hòa không phải mảnh đất có bề dày truyền thống về tuồng, nên nhập chung với dân ca vào trong một nhà hát là chấp nhận được. Với Bình Định, cả hai môn nghệ thuật này đều đã gắn bó máu thịt với mảnh đất này. Trong đó, tuồng gắn với tên tuổi và phong cách nghệ thuật tuồng Đào Tấn nên cần phải có một nhà hát độc lập mang tên Đào Tấn và Bình Định lại được xem như một trong những cái nôi của ca kịch bài chòi. Ngoài ra, Bình Định có lượng khán giả có nhu cầu thưởng thức hai loại hình nghệ thuật này. Trên thực tế, hai đoàn nghệ thuật này vẫn phục vụ người dân một cách thường xuyên. Còn NSƯT Nguyễn Kiểm thì lo ngại rằng, nhập chung hai bộ môn vào một đoàn, e rồi anh này sẽ "ngó" anh kia, khó mà phát triển được...

XHH sân khấu là một chủ trương đúng. Song cần cân nhắc về bước đi và cách làm cho thích hợp, nếu không, sẽ "mất cả chì lẫn chài": sân khấu vừa không phát triển, lại mất tính đặc trưng của những bộ môn nghệ thuật truyền thống vốn đã trở thành niềm tự hào với người Bình Định.

  • Lê Viết Thọ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Sách thiếu nhi hè 2006: Phù thủy, thần tiên chiếm lĩnh  (02/06/2006)
"Ký ức ngày hè" của Ngọc Trì đạt giải nhất  (01/06/2006)
16 tiết mục phim dành cho khán giả nhí  (01/06/2006)
Phù Cát: Liên hoan Làng - Khu phố văn hóa lần thứ 1  (01/06/2006)
Tổ chức Lễ kỷ niệm 253 năm ngày sinh Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ (1753-2006)  (01/06/2006)
Đồng dao và trò chơi trẻ em dân gian đang bị lãng quên  (30/05/2006)
Kỳ III: Bài chòi trên sân khấu trải chiếu  (30/05/2006)
Bạch Tuyết và hai chú lùn  (29/05/2006)
World Cup nhìn từ tem  (29/05/2006)
Cần quan tâm nhiều hơn đến văn học thiếu nhi   (28/05/2006)
Khai quật khảo cổ học phải đi trước   (28/05/2006)
Nhà văn Việt Nam tỉnh Bình Định   (24/05/2006)
Kỳ II: Từ lời hô trở thành điệu hát   (23/05/2006)
Trao tặng thưởng văn học năm 2005 cho hội viên   (23/05/2006)
Chiếc quần lửng   (22/05/2006)