Đầu những năm 30 thế kỷ XX, sau khi đã hội tụ đủ điều kiện để trở thành một loại hình sân khấu, bài chòi được các nghệ nhân đưa lên "tập sự" trên sân khấu. Những người mở lối thực nghiệm này chính là cụ Phạm Đình Lang (tức Bốn Trang) và cụ Ba Hượt.
Theo lời cụ Phạm Đình Lang tại Hội nghị khai thác bài chòi do Ty Văn hóa và Thông tin Nghĩa Bình tổ chức tại Quy Nhơn năm 1978, được nhạc sĩ Hoàng Lê ghi lại, thì lúc đầu, họ định lấy chợ An Lương (xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ) làm nơi thử nghiệm sân khấu bài chòi. Tuy nhiên, kế hoạch trên không thực hiện được do Hương kiểm Ngò lấy lý do là việc tụ tập dân chúng sẽ gây mất trật tự, trị an. Sau đó, họ dự định chuyển sang thôn An Quang (xã Mỹ Tài, huyện Phù Mỹ). Tại đây, bảy, tám đêm đầu, các cụ vẫn diễn trên sân khấu trải chiếu. Chỉ sau đó, được các chức sắc trong làng, các cụ mới biểu diễn trên "giàn". Và chính trai tráng trong làng đã giúp các cụ dựng giàn và mượn bàn ghế. Đêm diễn thành công, được công chúng hoan nghênh nhiệt liệt, các cụ lại tiếp tục lưu diễn tại chợ Phù Ly (xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ).
Tuy nhiên, "từ đất lên giàn" không đơn thuần là việc chuyển một địa điểm biểu diễn quan trọng hơn, "lên giàn" là nâng bài chòi lên khỏi mặt đất, vượt qua thời kỳ sân khấu trải chiếu, để đứng ngang hàng với cải lương, hát bội vốn đang thịnh hành lúc bấy giờ. Bài chòi "lên giàn", đòi hỏi có thay đổi, về hóa trang, phục trang cho phù hợp. Bởi vậy, những người mở lối này đã bỏ không ít tâm sức đầu tư thay đổi phục trang, hóa trang, xây dựng dàn diễn viên, nhạc công... và nhất là không ngừng hoàn thiện về vở diễn.
Tiếp bước những thử nghiệm thành công, đầu năm 1934, các cụ tập hợp thêm diễn viên, nhạc công, soạn các câu bài và vở diễn, bổ sung thêm phục trang so với trước, trở thành một gánh hát. Đêm biểu diễn chính thức trên sân khấu trường hát Gò Bồi (xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước) thu thắng lợi lớn. Tiếp đó, gánh hát Tân Xuân của cụ Bốn Trang đã đi biểu diễn khắp các địa phương trong tỉnh, rồi dọc suốt miền Trung từ Phú Yên, Khánh Hòa, tận Phan Thiết. Từ năm 1936 trở về sau, nhiều gánh bài chòi khác cũng được thành lập như Long Vân Ban của Tư Kiệt, Ý Chung của Phạm Đình Chi... Riêng Bốn Dần thì lập gánh hát bài chòi đồng ấu tại xã Nhơn Nghĩa, được công chúng rất yêu mến.
Cuối giai đoạn này, đến trước năm 1945, sân khấu bài chòi có một thời gian ngắn "mất phương hướng" do bị ảnh hưởng mạnh của tuồng và cải lương, có khi hát cả bài chòi và cải lương xen kẽ, hay đang hô bài chòi chuyển sang lối nói hát bội... Phải đến khi Cách mạng tháng Tám thành công, bẵng đi một thời gian bị gián đoạn, sau đó, bài chòi thịnh hành trở lại và phát triển nhanh chóng và phục vụ đắc lực cho cuộc kháng chiến chống Pháp ở Liên khu V. Tiếp đó, sau năm 1954, bài chòi theo các chiến sĩ tập kết ra Bắc, dần dần trở thành một bộ môn nghệ thuật ca kịch dân tộc hiện đại với sự ra đời của Đoàn Văn công Liên khu V.
|