Mới đây, huyện Hoài Ân đã tổ chức Liên hoan (LH) làng văn hóa, đơn vị văn hóa lần thứ 2 (năm 2006). LH quy tụ trên 1.000 diễn viên, vận động viên tham gia, đến từ 20/21 làng văn hóa và 31/35 cơ quan, trường học văn hóa trong toàn huyện.
|
T2 (Bok Tới) - một trong những tiết mục đặc sắc tại liên hoan.
|
LH lần này, được tổ chức quy mô hơn về hình thức, thời gian phát động lại sớm. Bởi vậy, so với LH lần thứ I (tổ chức năm 2004), LH năm nay thu hút số làng, đơn vị tham gia đông hơn. Các làng, đơn vị tham gia có sự chuẩn bị chu đáo về lực lượng, xây dựng nội dung, tập luyện chương trình chu đáo và tham gia các môn thi khá sôi nổi. Có 6 môn thi về văn hóa - văn nghệ là giới thiệu về làng, đơn vị mình; kiến thức xã hội; ứng xử cộng đồng; văn nghệ quần chúng; văn hóa làng nghề - khéo tay công sở; văn hóa ẩm thực và 3 môn thi thể thao là kéo co, nhảy bao, mang vật nặng vượt chướng ngại vật.
Điều thú vị là nhiều làng, đơn vị đã khai thác vốn văn hóa, văn nghệ dân gian ở từng làng xã, dân tộc mình, đem đến cho LH nhiều nét đặc sắc. Trong các chương trình tham gia LH, số tiết mục khai thác vốn văn hóa dân gian chiếm đa số. Những vấn đề nảy sinh trong quan hệ cộng đồng làng xã, cơ quan, trường học; những bất cập trong môi trường văn hóa, môi trường sinh thái gắn với cuộc sống của từng gia đình, họ tộc, trong quan hệ xóm giềng... được các làng, đơn vị đặt ra và giải đáp dưới hình thức tiểu phẩm sân khấu, vừa gây hứng thú cho người xem, vừa dễ nhận được sự tán đồng của khán giả. Nhiều nghệ nhân đã thể hiện sự khéo léo, tinh xảo trong đan đát, sự tinh tế, cẩn trọng trong từng công đoạn để làm ra chiếc bánh ít lá gai... Chính những yếu tố này tạo nên sức thu hút của LH với người xem.
Sau khi xem các môn thi tại LH, em Nguyễn Ánh Linh, học sinh Trường THCS Tăng Bạt Hổ, nhận xét: "Nhiều môn thi tại LH rất hấp dẫn. Trong đó, phần thi tìm hiểu lịch sử địa phương là phần em thích nhất. Qua đó, em hiểu thêm nhiều điều về văn hóa, lịch sử, cách sống, nếp nghĩ của từng tộc người trên quê hương Hoài Ân".
Kết thúc LH, các giải toàn đoàn đã thuộc về: làng An Hòa (xã Ân Phong) và Chi cục thuế huyện đạt giải nhất; làng Gia Chiểu 2 (thị trấn Tăng Bạt Hổ) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện đạt giải nhì; làng Bình Hòa Nam (Ân Hảo), làng Hội Nhơn (Ân Hữu) và Khối Dân vận Mặt trận, Kho bạc Nhà nước huyện đạt giải ba.
|