Sơn đông mãi võ
16:28', 6/6/ 2006 (GMT+7)

* Truyện ngắn của Bảo Huy

1.

Vừa tới lớp, nhỏ Hòa ú đã oang oang:

- Đây là thuốc Long hổ khạc ra đờm, chữa được bách bệnh. Mua vô. Mua vô.

Cả lớp nhốn nháo hẳn lên. Thằng Học cận nhảy phóc lên bàn, suýt nữa thì rơi cái kính. Nó the thé nhại theo: "Đây là thuốc Long hổ khạc ra đờm…".

Nhỏ Toan mập quay mặt đi, bĩu môi:

- Gớm, cái đồ mất vệ sinh!

Chẳng phải ngẫu nhiên mà nhỏ Hòa ú lại rao về loại thuốc "mất vệ sinh" ấy. Mấy hôm nay, có một nhóm Sơn đông mãi võ tụ tập cạnh trường để rao bán các loại thuốc có thể chữa được bách bệnh. Chiều chiều, đám học sinh tan học đều dừng lại trố mắt xem các trò biểu diễn rùng rợn của họ. Chả biết có thủ thuật gì mà một ông sồn sồn trong nhóm dùng tay chặt quả dừa nứt làm đôi khiến lũ con gái lè lưỡi thán phục. Bọn con trai cũng vậy. Thậm chí thằng Thân còn mon men đến gần ông sồn sồn ấy để xin theo "thọ giáo" nhưng ông ta không đồng ý. Có hôm cao hứng, ông ta nuốt sống một con rắn lục xanh lè làm bọn con gái lúc đầu phải thét lên kinh hãi, sau vài bữa thì bọn nó cũng quen dần.

Tôi cũng rất khoái các trò biểu diễn của nhóm Sơn đông mãi võ. Nhưng cái trò nuốt rắn thì tôi không khoái. Lỡ con rắn bực mình vì chuyện gì đó, đớp cho một phát vào lưỡi thì có mà ngủm củ tỏi. Trong một rừng các loại thuốc chữa bệnh có tên gọi như trong truyện kiếm hiệp mà nhóm Sơn đông mãi võ thường rao bán, tôi chỉ nhớ được món Long hổ trặc đả hoàn, mà nhỏ Hòa ú gọi trại đi thành Long hổ khạc ra đờm, vì món thuốc này tôi được ông sồn sồn tặng không lấy tiền để đem về biếu bà nội tôi chữa bệnh và cũng vì tôi có một mối thiện cảm sâu xa với những người bán thuốc dạo nên khi nghe nhỏ Hòa ú oang oang một cách mất vệ sinh như thế, tôi cự ngay:

- Bà này ẩu xị. Thuốc chữa bệnh của người ta mà gọi gì ghê quá! Ai dám mua nữa.

Nhỏ Hòa ú cười tít mắt:

- Có khi nhờ thế lại bán chạy hơn cũng nên.

Tôi chẳng thèm đôi co với ả, với lại trong cả lớp, trừ tôi và nhỏ Toan mập ra, đứa nào cũng khoái cái tên thuốc "mất vệ sinh" mà nhỏ Hòa ú đã sáng tác.

2.

Thằng Thân thì thầm vào tai tôi khi ra chơi:

- Tao với mày chiều nay theo ông sồn sồn học võ công nhé?

Tôi ngạc nhiên:

- Ổng đồng ý thâu nhận mày làm đệ tử à?

Nó nheo mắt ra vẻ kiêu hãnh, gật gật đầu. Tôi nhớ cách đây vài ngày, thằng Thân xin theo "thọ giáo" về môn chặt dừa, ông sồn sồn đã từ chối.

- Học võ công gì? - Tôi hỏi.

Thằng Thân đáp:

- Thì các trò đánh nhau như trong các phim võ thuật Hồng Kông đó.

Nghe thật là hấp dẫn. Tôi ừ ngay. Chiều tối, tôi và thằng Thân háo hức tìm tới chỗ nhóm Sơn đông mãi võ đang nghỉ trọ. Không có ông sồn sồn. Chỉ có thằng bé mọi hôm vẫn đóng giả chú khỉ con tung tăng múa kiếm, đang ngồi gãi ghẻ. Xung quanh nó lỉnh kỉnh các hòm xiểng đựng các loại "đạo cụ" để nhóm Sơn đông mãi võ biểu diễn, cạnh đó là một lồng sắt đựng mấy con rắn xanh đỏ đang ngo ngoe trông phát gớm.

Chúng tôi ngồi lân la hỏi chuyện để đợi ông sồn sồn về. Ngôi nhà trọ tồi tàn nồng nặc mùi ẩm mốc và hôi hám. Có lẽ đã lâu, không ai dọn dẹp vệ sinh ở đây.

3.

Căn phòng ẩm mốc và hôi hám này làm tôi tự nhiên nhớ đến một người. Ngày đó tôi đang học lớp 6. Vào lúc tôi vừa thi học kỳ một xong thì có một nhóm Sơn đông mãi võ về quảng cáo bán thuốc ở đầu làng. Được mấy ngày rảnh rỗi, ngày nào tôi cũng lẽo đẽo theo nhóm Sơn đông mãi võ để xem họ biểu diễn võ thuật và bán thuốc. Trong nhóm ấy có một cô bé trạc tuổi tôi, trông khá dễ thương. Cô ta chỉ có nhiệm vụ bán thuốc và thu tiền. Thỉnh thoảng cô bé cũng múa vài đường kiếm.

Từ hồi đến giờ, tôi chẳng biết đánh võ là gì, nên thấy cô bé trạc tuổi mình mà múa được kiếm, tôi thích lắm. Tôi cứ bám theo nhóm Sơn đông mãi võ, có khi lại giúp họ một vài việc lặt vặt nên mọi người trong nhóm dần mến tôi. Cô bé múa kiếm cũng vậy. Mấy ngày sau, bất ngờ, nhóm Sơn đông mãi võ chuyển đi không một lời từ biệt. Tôi buồn mất mấy tháng liền. Tôi cứ nghĩ, trước sau gì nhóm Sơn đông mãi võ cũng sẽ quay trở lại. Nhưng họ đã không quay trở lại. Dù vậy, cái ấn tượng đẹp ban đầu ấy đã làm cho tôi luôn có thiện cảm với các nhóm Sơn đông mãi võ.

Khi nhóm Sơn đông mãi võ của ông sồn sồn mới xuất hiện, tôi cũng đã có ý tìm xem đó có phải là nhóm của cô bé dễ thương ngày xưa không nhưng không thể xác định được vì chẳng thấy có bóng dáng "người xưa". Mà nếu có gặp lại, chắc gì tôi đã nhận ra vì đã gần mười năm trôi qua. Tôi đã lớn và cô bé, dĩ nhiên, cũng phải khác trước. Hồi đó tôi chẳng hỏi tên cô bé là gì, chỉ gọi bằng "bé bé"; còn cô ta gọi tôi bằng thằng Tèo đen, như bà nội tôi vẫn thường gọi.

4.

Mải suy nghĩ nên tôi không nghe thấy tiếng kêu của thằng Thân: "Ông sồn sồn đã về!". Đến khi nó đập mạnh vào vai tôi mới biết. Cùng về với ông sồn sồn là mấy người trong nhóm Sơn đông mãi võ. Mặt mũi người nào cũng rầu rĩ. Nhìn thấy chúng tôi, ông sồn sồn "a…a" ngạc nhiên khiến bộ râu cằm của ông rung rung (mà thằng Thân thường nói khi cười, bộ râu của ổng phát ra tia lửa điện cứ tanh tách, tanh tách). Ông nói với thằng Thân, giọng buồn buồn:

- Chắc là ta thất hứa với cháu. Ngày mai ta phải chuyển đi vì ở đây ế ẩm quá.

Tôi và thằng Thân ngồi im. Thằng Thân có vẻ buồn. Ông sồn sồn tiếp:

- Với lại ta cũng vừa nhận được tin nhà. Con gái ta ốm nặng, phải đi bệnh viện.

Nghe vậy, đột nhiên tôi thấy tim mình thắt lại. Hình như đây đúng là nhóm Sơn đông mãi võ ngày xưa.

- Con gái chú chắc trạc tuổi tụi cháu phải không? - Tôi hỏi và thầm đoán mươi phần là đúng.

- Sao cháu biết? - Ông sồn sồn ngạc nhiên. Thằng Thân cũng ngạc nhiên.

Tôi nhắc lại chuyện xưa. Nghe đến đâu, ông sồn sồn lắc đầu đến đấy. Cuối cùng, ông bảo:

- Thật tiếc cho cháu, bọn ta không phải là người quen cũ. Nhưng ta biết tung tích cái nhóm mà cháu vừa kể.

Tôi lặng người đi một chặp, nói:

- Cháu rất muốn gặp lại họ nhưng không biết ở đâu?

- Khó đấy - ông sồn sồn gãi cằm có vẻ đắn đo - họ không có nơi ở nhất định thì biết đâu mà lần, với lại, có thể bây giờ họ đang lang thang ở một vùng xa lắc xa lơ nào đó cũng nên.

5.

Tôi quá đỗi thất vọng. Thật ra, dù có biết được địa chỉ của nhóm Sơn đông mãi võ ngày xưa thì tôi cũng chẳng có điều kiện mà đi tìm họ, cùng lắm là viết thư thăm hỏi. Đành chờ một ngày nào đó vậy, biết đâu, trời xui đất khiến cho tôi gặp lại được cố nhân.

Hôm sau đến lớp, nghe giọng nói oang oang của nhỏ Hòa ú về món thuốc Long hổ khạc ra đờm, lòng tôi thắt lại vì nhớ những kỷ niệm xưa. Thấy tôi buồn, tưởng là do không thọ giáo được võ công, thằng Thân vỗ vai an ủi:

- Không học ông này thì có ông khác, mày buồn làm chi? - Nói vậy, nhưng bộ dạng của thằng Thân rất rầu rĩ. Nó rầu rĩ vì không học được công phu chặt dừa, còn tôi rầu rĩ vì cái gì thì có lẽ, chính tôi cũng chẳng hiểu được.

  • B.H
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nét đặc sắc từ văn hóa, văn nghệ dân gian  (06/06/2006)
Kỳ cuối: Những người mở lối "lên giàn"  (06/06/2006)
TP Quy Nhơn: Chuẩn bị tổ chức ngày hội văn hóa - thể thao miền biển năm 2006  (05/06/2006)
Tìm hướng xã hội hóa sân khấu  (02/06/2006)
Sách thiếu nhi hè 2006: Phù thủy, thần tiên chiếm lĩnh  (02/06/2006)
"Ký ức ngày hè" của Ngọc Trì đạt giải nhất  (01/06/2006)
16 tiết mục phim dành cho khán giả nhí  (01/06/2006)
Phù Cát: Liên hoan Làng - Khu phố văn hóa lần thứ 1  (01/06/2006)
Tổ chức Lễ kỷ niệm 253 năm ngày sinh Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ (1753-2006)  (01/06/2006)
Đồng dao và trò chơi trẻ em dân gian đang bị lãng quên  (30/05/2006)
Kỳ III: Bài chòi trên sân khấu trải chiếu  (30/05/2006)
Bạch Tuyết và hai chú lùn  (29/05/2006)
World Cup nhìn từ tem  (29/05/2006)
Cần quan tâm nhiều hơn đến văn học thiếu nhi   (28/05/2006)
Khai quật khảo cổ học phải đi trước   (28/05/2006)