|
Nhà văn Nguyễn Quang Hà |
"Cảm hứng Mexico 1986" - một bài thơ bóng đá từng "vang bóng một thời". Tác giả của bài thơ là nhà văn Nguyễn Quang Hà, nguyên Tổng biên tập tạp chí Sông Hương (Hội VH-NT Thừa Thiên - Huế). Bạn đọc biết ông là một cây bút đa tài thuộc nhiều lĩnh vực, thể loại: tiểu thuyết, bút ký, thơ, kịch bản phim, trong đó có các tác phẩm: Luận chứng một tâm hồn đa cảm, Góc núi mù sương, Sông dài như biển, Lửa kinh thành… Riêng đối với "Cảm hứng Mexico 1986", từ lâu, bài thơ đã trở thành "bài gối đầu" của nhiều fans hâm mộ thi ca - bóng đá Việt Nam. Nhân VCK World cup 2006 chuẩn bị khai mạc; cũng là thời diểm tròn 20 năm ra đời "Cảm hứng Mexico 1986", chúng tôi đã "nối mạng" và thực hiện một cuộc trò chuyện với nhà văn Nguyễn Quang Hà.
- Xin anh cho biết đôi nét xung quanh xuất xứ, thời điểm, hoàn cảnh ra đời của bài thơ "Cảm hứng Mexico 1986"?
+ Mình viết bài thơ này ngay sau một trận đấu ở Mexico. Trận đó, đội tuyển Pháp giành thắng lợi trước đội tuyển Brazil. Xem xong, tự nhiên cảm hứng, và mình viết ngay.
- Anh viết bài thơ trong thời gian bao lâu?
+ Chỉ trong một đêm.
- Bài thơ được viết từ những ý tưỏng và cảm hứng như thế nào?
Cảm hứng về bóng đá là chính, đồng thời cũng không tách rời cảm hứng về xã hội. Bởi bóng đá cũng có những phản ánh giống như trong xã hội. Ý nghĩa của bài thơ thì như tự thân nội dung của nó đã "nói". Nếu đã không còn tài năng nữa thì phải mời ra khỏi sân. Chứ đá kém mà tham gia trận đấu thì chỉ làm cho đội mình thua, cũng như góp phần làm cho xã hội mình yếu vậy.
- Hành trình đến với bạn đọc và các fans hâm mộ của bài thơ ra sao, thưa anh?
Ban đầu, bài thơ được in trên một tờ báo Đảng địa phương là báo Quảng Nam - Đà Nẵng và tiếp theo là báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam. Sau đó, một số báo đã đăng tải, giới thiệu về bài thơ.
Đôi nét vể nhà văn Nguyễn Quang Hà:
Sinh năm 1941 (tuổi Tân Tỵ). Quê quán: Bắc Giang. Hiện ở: tại số 6 kiệt 147 Phan Đình Phùng - TP. Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế). Năm 1967 đi bộ đội, vào Nam chiến đấu tại chiến trường Thừa Thiên. Hội viên Hội nhà văn Việt Nam từ năm 1977. Nguyên Tổng biên tập tạp chí Sông Hương.
Từng đoạt nhiều giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam; Hội nhà báo Việt Nam; tạp chí Văn Nghệ Quân đội; tạp chí Sông Hương; báo Văn Nghệ… |
"Cảm hứng Mexico 1986" ra đời được đông đảo bạn đọc trong nước đón nhận rất nồng nhiệt, và đọc ở đâu cũng được hoan nghênh. Năm 1995, bài thơ được Nhà xuất bản Thuận Hoá chọn in trong tập "Miền gió hoang vu". Điều đáng mừng là cho đến nay, bài thơ vẫn được đông đảo bạn đọc yêu thích vì tính xã hội của nó. Điều quan trọng là, với tư cách: cầu thủ thì phải sẵn sàng chết trước khung thành chứ không thể để mình thua.
- Đối với anh, "Cảm hứng Mexico 1986" hẳn có nhiều kỷ niệm?
Quả đúng như vậy. Kỷ niệm thú vị nhất, đáng nhớ nhất là đúng vào dịp World Cup - Mexico 1986, tại Huế có cuộc họp gặp gỡ giữa Đại tướng Võ Nguyên Giáp với anh em văn nghệ sĩ. Nhân dịp này, mình đã đọc bài thơ "Cảm hứng Mexico 1986". Mình vừa đọc xong, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tới ôm lấy mình, khen bài thơ hay. Nhờ bài thơ mà mình có được một phút hạnh phúc bên Đại tướng.
- Theo anh, triết lý bóng đá là gì?
Triết lý bóng đá là thắng và thua. Nhưng làm thế nào để thắng, và phải thắng, đó là lý tưởng.
- Đối với bóng đá, anh thích đội bóng nào, cầu thủ nào nhất?
Những cầu thủ mình thích thì đã nói đến trong bài thơ rồi, như Maradona, Lev Yashin, Pele, Platini… Mình không bao giờ quên hình ảnh ở Mexico 1986, khi Platini quỳ xuống ôm chân Fernander nghẹn ngào, vì chính người đội trưởng đã đá quả penalti bất thành. Lúc đó, hàng triệu người rưng rưng nước mắt.
- Riêng đối với VCK World cup 2006?Liệu anh sẽ có thêm một bài thơ hay về bóng đá?
Chắc sẽ hứng thú như "Mexico 1986".
- Xin cảm ơn anh và chúc anh có được một mùa World cup ý nghĩa. Mong rằng, anh sẽ lại đem đến cho độc giả, những người yêu thơ và các fans hâm mộ bóng đá thêm một bài thơ World cup mới.
Nhân VCK World cup 2006, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài thơ Cảm hứng Mexico 1986 của nhà văn Nguyễn Quang Hà.
Cảm hứng Mexico 1986
Một quốc gia dẫu 2 triệu dân
80 triệu dân
hay trăm ngàn triệu dân chăng nữa
cũng chỉ được chọn 11 người
đưa vào sân cỏ
Người huấn luyện viên
nhân danh Tổ quốc
lấy danh dự quốc gia làm cán cân
đứa cơ hội - gạt ra
thằng ôm chân - gạt ra
kẻ bất tài - gạt ra
vì niềm kiêu hãnh của lá quốc kỳ
chọn danh thủ
Các cầu thủ không còn là Giôn, là Pi-te, là Cốp
Mỗi người đều trở thành biểu tượng nước non mình
không bè phái
không chủ quan
không ảo tưởng hão huyền
lấy cộng đồng làm sức mạnh
lấy tấn công làm phương châm
lấy chọc thủng lưới đối phương làm hạnh phúc
cần xoay thế thì lấy đầu mở đường
gặp hiểm nguy thì lấy ngực làm lá chắn
sẽ không băn khoăn khi cần chết trước khung thành
đã vào sân là làm bão làm giông
90 phút thành 90 trang huyền thoại
Nhân dân sẽ rủa nguyền như rủa nguyền
những tên phản bội
khi đã mặc áo tuyển thủ quốc gia còn tính toán
chuyện riêng mình
Dẫu là Rốt-xi, Ma-ra-đo-na, I-a-sin hay Pê-lê
đã một thời làm vua trên sân cỏ
nhưng đã đuối sức rồi
cũng quyết mời ra sân bãi
có lẽ đó chính là điều
tháng 6 cả thế giới như đang lên cơn sốt
hồi hộp lăn cùng trái bóng trên sân
khi Pla ti ni quỳ xuống ôm chân
Phét-nan-đét nghẹn ngào
Toàn nhân loại đều rưng rưng nước mắt
Nếu tôi là một đấng toàn năng
tôi sẽ lập tức biến ngọn Hy-ma-lay-a
thành tượng người huấn luyện viên
và 11 chàng cầu thủ
sùng sững giữa trời
làm tượng đài chiến thắng!
1986 - Mùa bóng Mexico
|
|