Người ta thường nhắc bài thơ của Tào Thực đời Tam quốc, khi bị anh là Tào Phi bức bách:
Đậu căn chử đậu cơ
Đậu tại hũ trung khấp
Bản thị đồng căn sinh
Tương tiễn hà thái cấp !
Đã có người dịch như sau:
Cẳng đậu đun hạt đậu
Hạt đậu khóc hu hu
Cùng sinh từ một góc
Nỡ hun nhau thế ru !
Ít ai nhớ một bài thơ của Trần Văn Kỉ, danh sĩ thời Quang Trung, cũng ứng khẩu trong một hoàn cảnh tương tự. Bài thơ của Trần Văn Kỉ có lẽ còn gây xúc động hơn nhiều.
Người ta kể rằng khi xảy ra sự bất hòa giữa anh em Tây Sơn, Nguyễn Huệ đưa quân từ Phú Xuân vào vây thành Quy Nhơn, Nguyễn Nhạc đứng trước thế nguy ngặt đã phải thân lên mặt thành khóc, nhưng Nguyễn Huệ vẫn không chịu rút quân. Bữa đó, trong trại quân, Nguyễn Huệ đang ăn cơm, vô ý để răng cắn phải lưỡi, Trần Văn Kỉ ngồi tiếp bên cạnh. Nguyễn Huệ bảo vịnh một bài thơ chơi về sự việc đó. Trần Văn Kỉ bèn ứng khẩu đọc luôn bốn câu:
Ngũ kí sinh tiền, nhĩ hậu sinh
Nhĩ ưng vi đệ, ngũ vi huynh,
Lí ưng cộng hưởng trần cam vị
Hà nhẫn tương vong cốt nhục tình.
Tạm dịch:
Anh đẻ trước em, em đẻ sau.
Anh em lẽ thế, phải thương nhau
Ngọt bùi, cay đắng, cùng chung cảnh.
Cốt nhục tương vong nỡ thế sao ?
Nguyễn Huệ nghe xong bài thơ, rất xúc động, liền ra lệnh rút quân về Phú Xuân.
Trần Văn Kỉ người làng Vân Trinh, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên, có tiếng hay chữ, đỗ giải nguyên khoa thi hương năm Đinh dậu (1777). Vua Quang Trung hồi còn là Long nhượng vương Nguyễn Huệ, nghe tiếng Trần Văn Kỉ, liền mời ông đến hỏi về các lẽ trị loạn. Nguyễn Huệ mến phục tài đức của ông, hết sức tin dùng, phong chức Trung thu lệnh, việc gì cũng bàn với, và chẳng mấy khi rời xa.
Người ta nói rằng chính Trần Văn Kỉ là người đã tiến cử Ngô Thì Nhậm cho vua Quang Trung, rồi lại bày cho vua Quang Trung mời La sơn phu tử Nguyễn Thiếp ra giúp nước. Khi vua Quang Trung mất, Trần Văn Kỉ cũng túc trực ở bên cạnh.
Bùi Đắc Tuyên, cậu của vua Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toản, lợi dụng vua còn nhỏ, chuyên quyền làm bậy, Trần Văn Kỉ đã can ngăn, nên bị Tuyên đày ra trạm Hoàng Giang.
Khi Nguyễn Phúc Ánh diệt được nhà Tây Sơn, Trần Văn Kỉ lánh về ở ẩn tại quê nhà. Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi, cho triệu ông đến kinh đô Thuận hóa. Đi giữa đường, Trần Văn Kỉ đã trầm mình để giữ trọn tiết nghĩa.
|