Không kể những tuyển tập có số đông tác giả, 5 năm qua, các tác giả Bình Định đã cho ra đời đến hơn 60 đầu sách nhiều thể loại - một con số thật ấn tượng. Tôi đã thử bày số sách này nhiều vòng quanh mình; dày cả ngàn trang có tập mỏng và nhỏ như bàn tay. Tựu trung là đẹp, phong phú và thật đáng chúc mừng cho nền văn học tỉnh nhà nếu... chỉ nhìn thoáng qua.
|
Một số tác phẩm mới xuất bản của các nhà văn Bình Định. Ảnh: V.T |
Nhiều nhất trong số này là thơ, gần 40 tập. Mây trắng của Lệ Thu nhiều chia sẻ và điềm đạm hơn, ít “quyết liệt chiến đấu” hơn những tập thơ trước của chị nên dễ đồng cảm hơn. Trường ca Khởi hành cùng ba chín mùa xuân của Nguyễn Thanh Mừng có ý thức tìm tòi từ tư duy về vua Quang Trung, đến thi pháp hiện đại, nhưng thế mạnh chữ nghĩa nhiều chỗ lấn lướt ý tưởng nên sức ngân vọng do vậy không cao. Tập lục bát Ngàn xưa cũng của nhà thơ này, kết hợp hai yếu tố này rất nhuần nhuyễn và là một đóng góp đáng ghi nhận cho thơ lục bát Việt Nam. Nguyễn Văn Chương với Lục bát yêu và trường ca Làng vẫn cái đằm đằm hồn hậu, sạch sẽ vốn có. Cũng có thể nhận xét như thế về Xuân Mai với Lời ru bếp lửa. Khổng Vĩnh Nguyên vẫn giữ được phong độ ở tập Thăm thẳm bụi đường nhưng Trong những mạch ngầm nhiều bài “lép”. Điều đáng nói là nhà thơ này lâu nay chưa được đánh giá đúng tầm ở tỉnh.
Có mấy bứt phá: Trần Thị Huyền Trang, Văn Trọng Hùng và Mai Thìn. Trong tĩnh lặng của Trần Thị Huyền Trang nhiều chiêm nghiệm, kiệm lời, hiện đại, nhiều liên tưởng hơn Muối ngày qua của chính chị. Đây là một bước chuyển quan trọng để có thể hy vọng rằng nữ thi sĩ này còn đi xa hơn về tư duy nghệ thuật và thi pháp. Với Văn Trọng Hùng, Bóng trúc cũng là nối tiếp chất thơ Dạo khúc nhân tình nhưng thơ hơn, chắc hơn trong xử lý kỹ thuật. Thế mạnh của Văn Trọng Hùng là ở tứ thơ, sự chín lên trong kỹ thuật của anh cũng hứa hẹn nhiều thành công sắp tới. Vẫn một Mai Thìn với không gian thơ quen thuộc là đồng quê, nhưng so với 3 tập thơ trước, Khúc sơn ca vượt trội bởi hòa trộn tinh tế giữa những hình ảnh thơ cụ thể và chất huyền sử một vùng đất, giữa chất phác và bay bổng.
Từ Krông Bung (3 tác giả Hà Giao, Xuân Mai, Nguyễn Anh Hộ) đậm chất miền núi. Đào Quý Thạnh vẫn nhẹ nhàng với Ngọn rau đắng. Thầm thì lá của Nguyên Hiền chưa có dấu hiệu lên tay. Hai tác giả Vân Bích và Ninh Giang Thu Cúc giữ được phong độ về số đầu sách, mỗi người có đến 3, 4 tác phẩm. Có hơn chục cây bút, già trẻ khác nhau, tuy viết đã lâu, nhưng lần đầu in sách là Phạm Văn Phương, Phạm Ánh, Phạm Thành Trai, Phạm Ngọc Anh, Đỗ Tấn, Nguyễn Quang Cương, Ngô Văn Cư, Nguyễn Đình Sinh, Võ Ngọc Thọ, Lê Bá Duy… Riêng Hồ Thế Phất với Mưa xuân thì tươi tắn, lại là sự trở lại lần đầu sau năm 1975 (trước năm 1975, anh từng in 4 tập). Hai gương mặt mới là Võ Ngọc Thọ và Lê Bá Duy mỗi người có 2 tập. Nếu lấy cái tình làm tiêu chí thì Hái bên đường của Phạm Văn Phương là đặc sắc, nếu chọn những đúc kết có vẻ triết lý thì Võ Ngọc Thọ nhiều ưu thế. Phạm Ánh lành, lắng; Lê Bá Duy hăm hở, những người khác về căn bản còn đang tìm nét riêng cho mình.
Ở mảng văn xuôi, Lê Hoài Lương có tập truyện ngắn thứ 2: Những thời gian hoang phế. Võ Đức Thọ in tập Thế kiếm cuối cùng đã chắc tay hơn cuốn tiểu thuyết Có những tháng ngày của anh trước đây. Mảng văn xuôi có sự góp mặt ấn tượng của thể loại ghi chép, truyện ký, hồi ký: Ngôi sao rừng dừa của Hà Giao, Núi Bà Khu Đông ngày ấy của Đinh Bá Lộc, Ở lại với dòng sông - hồi ký của Nguyễn Trung Tín, Xuân Mai ghi, Bình Định những năm tháng chiến tranh của Thu Hoài. Đây đều là những mẩu chuyện kháng chiến anh hùng, cảm động, nhưng hai cuốn sau có văn hơn, quy mô, tầm vóc và bề thế hơn.
Cảm nhận dọc hành trình của Nguyễn Văn Chương là tập hợp những bài viết mini có tính “đọc sách” trên các báo. Cảm nhận và bình thơ, đúng với tên gọi cuốn sách được bán rất chạy của Nhà giáo ưu tú Trương Tham, chủ yếu viết về văn học nhà trường và cũng mẫu mực kiểu nhà trường. Từ hai cuốn sách này chưa thể nói văn học Bình Định đã có phê bình thực sự.
Mảng văn học thiếu nhi, ngoài tác giả quen thuộc và khá thành công Nguyễn Văn Chương với Quà của bà (thơ), Hoa mai đỏ (văn), có hai tác giả mới: Nguyễn Thị Lệ Thu với 3 tập truyện trong trẻo, nhân hậu: Thương quá đôi tay, Bạn đường rừng, Đôi bạn và Nguyễn Mỹ Nữ có nghề với Mắt núi.
Mảng văn học dân gian, Hà Giao bền bỉ với các sử thi Bahnar Kriem 2 và Bahnar Konkđeh 1. Nguyễn Phúc Liêm với Văn hóa ẩm thực Bình Định, nhiều công phu nhưng cuốn sách này chưa thật hấp dẫn vì phần diễn tả hương vị các món ăn còn trùng lặp, chưa tinh. Văn hóa dân gian xã Nhơn Thành của Mai Thìn có nhiều tư liệu về nếp sống, sinh hoạt dân gian Bình Định, về những tầng vỉa văn hóa mang huyền sử địa phương này. Huyền tích kinh xưa của Nguyễn Thanh Mừng và Trần Thị Huyền Trang khá đầy đặn về lựa chọn và thể hiện - một cuốn sách công phu, bổ ích.
Với Góp nhặt dọc đường, Thơ và từ Đào Tấn, Đào Tấn tuồng hát bội, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn đã làm một cú “hattrick” sáng giá. Tầm vóc ông trong nghiên cứu sân khấu truyền thống đã được khẳng định ở cấp quốc gia. Liên quan tới sân khấu không thể không nhắc tới tập kịch bản văn học Đi tìm chân chúa của Văn Trọng Hùng. Tập kịch bản này có đến 2 vở được tuyển vào bộ tuyển 4 loại hình sân khấu truyền thống Việt Nam thế kỷ XX.
Những người chưa in thành tập vẫn có một Lê Văn Ngăn lặng lẽ với từng chùm thơ trên báo đáng trân trọng. Hai gương mặt mới Đào Duy Anh và Lê Ân nhiều hứa hẹn. Văn học Bình Định tuy được mùa về số lượng nhưng chưa thể vui vội vì chưa thực sự có đột biến, chung quy vẫn là các gương mặt cũ. Không có tuổi hai mươi trong cuộc thống kê vừa rồi và cũng chưa có tín hiệu tốt cho nhiều năm tới. Chưa có phê bình thực sự. Và điều đáng nói, nền văn học không có tiểu thuyết là đáng báo động!
|