Để chuẩn bị xuất bản tập "Thơ Bình Định thế kỷ XX", nhà thơ Lê Văn Ngăn phải ra Hà Nội, ăn trực nằm chờ hàng tháng trời làm việc với nhà thơ Ngô Thế Oanh trong ban tuyển chọn, vì kế hoạch gấp mà chỉ còn mình ông Oanh cẩn thận, tuyển chọn quá lâu.
Nhà thơ Lê Văn Ngăn ở nhà khách của Hội Nhà Văn Việt Nam tại 65 Nguyễn Du, Hà Nội. Chiều tối, ông thường cuốc bộ ra phố ăn cơm rồi đi dạo một lát. Bữa ấy đi ngang hồ Thiền Quang, ông thấy trên ghế đá, bên các gốc cây to và các bụi cây sát mặt hồ có nhiều đôi trai gái ôm nhau tâm sự. Một cô gái từ trong bóng tối đi ra, nhiệt tình cầm tay nhà thơ, mời chào:
- Anh ơi, vào đây vui vẻ với em đi.
Nhà thơ lúng túng, hốt hoảng :
- Cô…cô bảo tôi cái chi ?
Cô gái lại kéo tay :
- Anh… vào đây tâm sự.
Nhà thơ chợt hiểu. Ông nhìn kỹ cô gái thì thấy cô còn khá trẻ, khoảng ngoài 20, mặt mũi cũng sáng sủa dễ coi. Ông rụt tay, giẫy nẩy :
- Thôi mà cháu. Tha cho chú đi. Chú… chú già rồi.
Cô gái vẫn cứ chèo kéo:
- Vui vẻ một tí thôi mà, anh !
Nhà thơ kiên quyết :
- Cháu không thả tay ra, chú kêu lên bây giờ. Cháu tha cho chú, hỉ.
Cái giọng Huế của ông buông nặng nề, khó nhọc. Cô gái nhìn ông như nhìn một "vật thể lạ". Thấy dáng người ốm nhách và điệu bộ thật thà của ông, cô gái cũng ngán. Cô buông nhà thơ :
- Thì thôi. Bố đi nhé.
Cô gái nói như giận dỗi rồi lủi nhanh vào bóng tối. Nhà thơ nhìn theo bóng cô, còn thấy cô quay lại vẫy vẫy :"Bố đi nhé !"
Những lần sau đi qua nơi này, Lê Văn Ngăn vẫn thấy cô gái trong bóng tối vẫy ông :"Chào bố !" Nhà thơ cũng giơ tay vẫy lại cô, nhưng trong lòng dâng đầy nỗi buồn.
|