Việc trùng tu các tháp Bánh Ít, Cánh Tiên và mới đây nhất là Dương Long đã có dự án, hoàn thành thiết kế xong, tiến hành khởi công từ cả tháng rồi mới tính chuyện... khai quật khảo cổ học. Trong khi đó, theo quy định của Luật Di sản Văn hóa, việc khai quật khảo cổ học phải tiến hành trước khi trùng tu. Trùng tu theo một quy trình “ngược” kiểu này đang dẫn tới những hệ quả không như mong muốn.
|
Trùng tu tháp Chăm không chỉ là giữ cho bản thân tháp nguyên vẹn mà còn hướng đến mục tiêu bảo tồn không gian quanh tháp (ảnh: B.P)
| Quy trình ngược
Trong 14 ngôi tháp hiện tồn ở Bình Định, có 4 cụm tháp đã và đang được trùng tu gồm: Tháp Đôi (Quy Nhơn), tháp Bánh Ít (Tuy Phước), tháp Cánh Tiên (An Nhơn), tháp Dương Long (Tây Sơn). Điều đáng nói là việc trùng tu được tiến hành với quy trình ngược.
Chẳng hạn, theo quy định của Luật Di sản Văn hóa, việc khai quật khảo cổ học phải đi trước một bước, trước khi trùng tu. Tuy nhiên, với tháp Cánh Tiên chẳng hạn, khai quật khảo cổ được tiến hành sau khi đã khởi công trùng tu di tích, thậm chí xây tường bao, đào giếng, làm cổng ngõ trước... rồi mới tiến hành khai quật khảo cổ học. Do khai quật khảo cổ tiến hành sau, nên trước đó, công nhân Công ty Xây dựng - Phát triển Đô thị Bình Định đã đào bới ở các góc tháp và mặt chính phía đông tháp. Sự đào bới này không những chỉ làm ảnh hưởng đến việc khai quật khảo cổ được tiến hành sau đó, mà nghiêm trọng hơn là gây nên sự xáo trộn trong tầng văn hóa.
Còn hiện tại, với tháp Dương Long, tuy Viện Khoa học và Công nghệ Xây Dựng (Bộ Xây dựng) đã khảo sát, lập dự án từ năm 2003 nhưng đến đầu tháng 7 này, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh mới tiến hành khai quật khảo cổ. Việc khai quật dự kiến sẽ tiến hành với diện tích 1.500m2, mở rộng về hướng Đông phía chính diện của ,ặt tháp chính và hai tháp bên.
Và những hệ lụy tất yếu
Qua trùng tu cụm tháp Bánh Ít đã cho thấy sự thiếu chặt chẽ trong khảo sát và thiết kế. Dự án trùng tu ngọn tháp này dựa trên cơ sở các bản vẽ của các nhà khoa học Pháp có từ những năm 50 thế kỷ XX, nên chưa sát với thực tế. Bởi vậy, phần đế móng và chân kiềng của các tháp chưa tính toán đủ độ sâu cần thiết, nên khi đào chân tháp, lộ phần thân tháp dưới bề mặt đất. Trùng tu đến đâu, khối lượng dự toán thiếu đến đấy, lại phải chờ bổ sung. Việc trùng tu do vậy không thể đạt hiệu quả cao bởi trong kiến trúc các tháp Chăm thì kiến trúc, kết cấu, nền móng, điêu khắc, kỹ thuật xây dựng và vật liệu xây dựng luôn có sự liên hệ mật thiết và hài hòa.
Với tháp Cánh Tiên, việc khai quật phần đã phát hiện thấy một số điểm bất hợp lí trong thiết kế. Chẳng hạn, theo thiết kế đã được duyệt, sẽ tạo lối đi vào ngay cửa chính. Nhưng như thế thì chúng ta phải lấp lại những nền móng đá ong và kiến trúc gạch trước cổng chính đã xuất lộ sau khi khai quật. Do vậy, hiển nhiên là sẽ lại phải điều chỉnh lại thiết kế.
Còn hai tháp Cánh Tiên và tháp Dương Long tuy việc khảo sát thiết kế để trùng tu hai cụm tháp này đã được tiến hành theo phương pháp hiện đại, nhưng vẫn có không ít thiếu sót. Thiết kế vẫn chưa sát với thực tế, rồi dự toán cũng không khớp với thiết kế nên khối lượng trùng tu theo dự toán vẫn thiếu so với thực tế.
Cần quy trình khoa học, thống nhất
Mỗi tháp Chăm là một viên ngọc quý. Do vậy, việc trùng tu cần tiến hành một cách khoa học, nghiêm túc ngay từ khâu khảo sát, thiết kế. Trong đó, khai quật khảo cổ học phải được tiến hành trước một bước, trước việc khảo sát, lập dự án thiết kế. Nếu không, sẽ dẫn đến những sai sót tất yếu trong thiết kế.
Bên cạnh đó, việc các đền tháp Chăm đang được trùng tu với những quan niệm và kỹ thuật không giống nhau. Tháp Đôi một kiểu, tháp Bánh Ít làm kiểu khác và hiện nay, tháp Cánh Tiên và cụm tháp Dương Long cũng sẽ lại được trùng tu với kỹ thuật khác... sẽ dẫn đến cảm giác chắp vá, tùy hứng trong việc trùng tu tháp Chăm.
Chẳng hạn, phương pháp xây tường mới có tính chất nâng đỡ được xây thụt vào 3 cm so với tường cũ ở Bánh Ít, dù tạo điều kiện để thế hệ sau có thể tiếp tục công việc khi tư liệu chắc chắn hơn, nhưng lại tạo cảm giác “tân cổ giao duyên”. Điều nguy hại nhất là khối bê tông dày tại các tháp gắn chết với tường vào lòng tháp, khiến sau này có muốn phục chế nguyên gốc sẽ khó khăn. Đó là chưa kể lớp bê tông này sẽ hạn chế sự bốc hơi nước, làm cho gạch bị ẩm và mủn dần. Còn việc trùng tu theo phương pháp truyền thống hiện nay vẫn đang gặp những ý kiến khác nhau.
Đã đến lúc, cần có một hội thảo để đưa ra cách làm thống nhất, phù hợp nhất với trình độ kỹ thuật hiện tại.
|