Thực hiện các nghị quyết, chủ trương của tỉnh về tăng cường tuyên truyền nội dung dân tộc và miền núi, Đài PT-TH Bình Định đã sản xuất nhiều chương trình truyền hình và phát thanh bằng tiếng dân tộc, đặc biệt là đầu tư cho các chương trình truyền hình tiếng Chăm và tiếng Bana.
Chương trình truyền hình tiếng Chăm H’roi đầu tiên phát sóng vào ngày 19-5-2003. Từ đó đến nay, đã có 40 chương trình được phát sóng, đáp ứng nhu cầu của đồng bào Chăm H’roi cư trú ở thượng nguồn sông Hà Thanh (Vân Canh). Thường mỗi chương trình truyền hình tiếng Chăm H’roi có thời lượng 20 phút, có hình hiệu chương trình, phát thanh viên người Chăm giới thiệu. Nội dung của chương trình phong phú: phóng sự ngắn về tình hình KT-XH, đời sống của người Chăm; giới thiệu những tấm gương điển hình; phóng sự vấn đề, văn nghệ… (có phụ đề tiếng Kinh). Để mỗi tháng có được một chương trình truyền hình tiếng Chăm H’roi (phát sóng vào tối thứ Bảy của tuần thứ ba trong tháng và phát lại vào trưa thứ Hai của tuần sau), ngoài bộ phận thực hiện thuộc Phòng Chuyên đề Đài PT-TH Bình Định, còn có một tổ cộng tác viên người dân tộc Chăm (gồm tổ trưởng tổ chức sản xuất, người dịch văn bản, phát thanh viên) giúp sức.
Nhà báo Nguyễn Lộc - Phụ trách Phòng Chuyên đề Đài PT-TH Bình Định - nhớ lại: “Ngày chuẩn bị lên hình số đầu tiên rộn ràng lắm, và điều đó đã tạo cho chúng tôi niềm hứng khởi để làm việc. Khi số đầu tiên phát sóng, chúng tôi mời lãnh đạo tỉnh, Ban Dân tộc - Miền núi, Sở VHTT… đến xem. Mọi người đều khen chương trình hay”. Ngoài việc phát sóng trên Đài PT-TH Bình Định, đã có 8 chương trình truyền hình tiếng Chăm H’roi được Đài Truyền hình Việt Nam sử dụng phát trên kênh VTV5 cho đồng bào người dân tộc thiểu số trong cả nước cùng xem.
Mới đây, Phòng Chuyên đề Đài PT-TH Bình Định lại tiếp tục “trình làng” Chương trình truyền hình tiếng Bana và đã phát sóng được 2 số (vào tối thứ Bảy của tuần thứ nhất trong tháng, phát lại vào trưa thứ Hai của tuần sau). Nhà báo Nguyễn Lộc cho biết thêm: “Hướng sắp tới, chúng tôi dự kiến sẽ nâng cao chất lượng hai chương trình này bằng cách tăng cường thêm 2 nội dung là khoa giáo và biểu dương người tốt việc tốt, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu được tiếp cận KHKT và học hỏi lẫn nhau của bà con người dân tộc thiểu số”.
|