"Nếu cho đi lại từ đầu, tôi vẫn chọn con đường vật lý, nhưng vẫn tiếp tục cuộc tìm lăng mộ vua Quang Trung. Đó là cả niềm tôn kính" - Trần Viết Điền, giảng viên khoa Vật lý Trường ĐH Sư phạm Huế, nói vậy sau hơn 20 năm lận đận tìm kiếm lăng mộ của vị anh hùng áo vải Tây Sơn trên đất cố đô Huế.
|
Trần Viết Điền và đống đổ nát trong khu lăng Ba Vành, nơi được anh xem là Đan Lăng của Quang Trung. Ảnh: TTO
|
"Thác là thể phách, còn là tinh anh".
Khi đoạt phần thưởng danh dự toàn Trường Quốc học Huế năm học 1972-1973, Trần Viết Điền đã không chọn con đường du học nước ngoài được dọn sẵn, mà chọn ngành lý hóa của ĐH Sư phạm Huế theo nỗi đam mê từ thuở nhỏ.
Tốt nghiệp vào năm 1977, anh đạt thủ khoa toàn viện ĐH, được giữ lại trường dạy môn toán giải tích, sau này chuyển sang dạy môn cơ học lượng tử kiêm luôn phong trào Đoàn của trường suốt 15 năm. Lúc còn là sinh viên, Trần Viết Điền đã chuẩn bị hành trang cho các công trình nghiên cứu sau này, trong đó nổi bật là hai công trình "Sự chuyển hóa giữa trường và chất" và "Về siêu nguyên tử electron - nơtrinô".
"Tổng năng lượng của con người thông qua ăn uống hằng ngày không đủ cấp cho các hoạt động của con người, vậy năng lượng bù đắp ấy từ đâu ra, phải chăng xuất phát từ siêu năng lượng do sự tương tác lượng tử trong não bộ thông qua hoạt động tư duy? Tôi thường nghĩ đến nguyên cớ câu Kiều "Thác là thể phách, còn là tinh anh" của cụ Nguyễn Du; nhiều công trình nghiên cứu về ngoại cảm cũng đã cho một số kết quả bước đầu, về những gì của con người mà chính con người chưa hiểu biết hết" - anh nhớ lại.
Kết quả 13 năm nghiên cứu, vào năm 1984 anh chứng minh trước hội nghị về vật lý do Trường ĐH Sư phạm 1 Hà Nội tổ chức rằng năng lượng từ hạt nơtrinô trên lớp vỏ electron lớn gấp triệu lần năng lượng hạt nhân trên nguyên tử. Đề tài này được đánh giá cao, nhất là về mặt ý tưởng. Tất nhiên mức độ chính xác còn cần được kiểm nghiệm, chứng minh qua thực tiễn.
Trong thời gian chờ đợi một cơ sở thực nghiệm chứng minh đề tài, Trần Viết Điền trở về Huế. Thế rồi, trong một lần gặp gỡ với trí thức Huế và tiếp xúc nhiều nguồn tư liệu, một vấn đề khoa học đã tác động đến anh: lăng Ba Vành - khu lăng lớn nằm ở đồi Thiên An - chưa có chủ nhân; chưa tìm được lăng mộ vua Quang Trung và hàng tá dữ liệu liên quan...
Nỗi u hoài về việc chưa tìm được nơi an nghỉ cuối cùng vị anh hùng dân tộc Quang Trung, cộng với lòng ngưỡng mộ, tôn kính chợt trào dâng trong Trần Viết Điền, đã khiến anh đi đến một quyết định: phải tìm cho được lăng mộ người anh hùng áo vải.
20 năm "phong trần"
Vị trí phần mộ Quang Trung (Đan Lăng) nằm ở đâu hầu như không có một tư liệu, chứng cớ xác thực nào, ngoài sự xuất hiện "thấp thoáng" trong các cổ văn còn ghi chép lại. Lúc Trần Viết Điền nhập cuộc, vị trí của Đan Lăng đã là đề tài tranh cãi của nhiều nhà sử học mà không ai chịu ai suốt hơn nửa thế kỷ trước đó.
Vậy mà sau một khoảng thời gian nghiên cứu, Trần Viết Điền đã đưa ra một thuyết gây "choáng", thậm chí là điên rồ đối với nhiều người: lăng Ba Vành chính là lăng mộ vua Quang Trung. Việc xác định vị trí chính xác của Đan Lăng đến nay chưa có hồi kết, ngay cả Trần Viết Điền cũng chưa thể chính thức khẳng định, nhưng tấm lòng của một người dám đánh đổi cả cuộc đời, sự nghiệp của mình để vào lĩnh vực trái chuyên môn mà lại say mê như anh quả là hiếm.
Vào những năm khi đồng lương giáo viên hai vợ chồng còn không đủ nuôi con, vậy mà Trần Viết Điền đã dành phần lớn thời gian, lương bổng, tiền của vào việc sưu tầm thư tịch, tổ chức khảo sát thực địa, chụp ảnh, ghi chép...
|
Trần Viết Điền và viên gạch lăng Ba Vành trên tay: "Loại gạch này có cùng chất liệu, kích cỡ... giống với các công trình khác còn lại của triều Tây Sơn". Ảnh: TTO
|
Vợ anh, chị Nguyễn Thị Hiệp, nhớ lại: "Lúc ăn cũng nhắc đến Quang Trung, khi ngủ cũng huơ tay, huơ chân, có lúc diễn thuyết một tràng dài như đang trình bày trước cử tọa. Người như bị ma ám, nửa ngờ nửa tỉnh, nhà đã chật mà hồ sơ, tài liệu ngổn ngang như hàng xén, không ai chịu nổi. Khi anh lấy chỉ vàng còn lại là của hồi môn duy nhất để lo việc "trên trời dưới đất", tôi nghĩ đến chuyện gia đình đến lúc tan vỡ".
Tất cả sức ép ấy từng đẩy anh vào trạng thái suy sụp tột độ bằng quyết định rời bỏ giảng đường ĐH, lang thang, lây lất. Nhưng ý chí, nghị lực và nhất là con đường khoa học còn dài phía trước làm anh sực tỉnh, quyết định vực dậy chính mình, trước tiên bù lỗ hổng kinh tế gia đình sau mấy năm theo vụ Đan Lăng làm cho kiệt quệ. Anh liên hệ nhận dạy kèm ở khắp nơi, đủ các cấp, các môn từ toán, lý, hóa cho đến văn, sử.
Anh xin việc ở Sở Giáo dục, rồi quay sang Trường bán công Nguyễn Trường Tộ. Sau này, Trường ĐH Sư phạm Huế đã gọi anh trở lại làm việc với chân dạy hợp đồng môn toán học dùng cho vật lý. Cuộc sống cân bằng trở lại từ đó.
Trong thời gian này, cùng với việc tìm kiếm Đan Lăng, để chứng tỏ khả năng "không ngoại đạo" trong nghiên cứu văn hóa lịch sử của mình, Trần Viết Điền tiếp tục nghiên cứu sâu và công bố nhiều bài viết về những vấn đề hóc búa gây tranh cãi, như trận địa chiến cầu Lạc Nô xác định địa điểm chiến trường Quang Trung tiến đánh Phú Xuân (1786), trống đồng Đông Sơn là khí cụ thiêng liêng của lễ đảo vũ (cầu mưa), đài quan tượng triều Nguyễn, danh xưng sông Hương, cửa Ngọ Môn, điện Cần Chánh, giếng cổ Gio Linh (Quảng Trị)...
Đến nay đã trải qua 20 năm chịu "phong trần" cả trong khoa học và thế cuộc, Trần Viết Điền vẫn tiếp tục cuộc nghiên cứu Đan Lăng với tất cả lòng tôn kính và say mê như ngày nào...
. Theo TTO |