1. Hãy nhìn cái cách mà Mai Ngọc Nhân (học viên lớp Tuồng khóa IV, trường Trung học Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh) xuất hiện trong vai Chu Du, trích đoạn Nhị khí Chu Du (vở Giang tả cầu hôn) đêm tổng duyệt báo cáo trước ngày anh lên đường ra Đà Nẵng dự Liên hoan Âm nhạc - kịch hát truyền thống các trường Văn hóa - Nghệ thuật toàn quốc trung tuần tháng 6 vừa rồi. Không chỉ đơn giản là dáng vẻ. Cũng không chỉ vì khuôn mặt. Có người đã so sánh cách xuất hiện của Ngọc Nhân trong vai này như cách người ta xuất thần cho một bức tượng. Quả vậy, cái thần của một “tướng ngạo” đã được lột tả đủ đầy ở một diễn viên trẻ chưa có lấy một ngày tuổi nghề (tất nhiên, nếu không tính quãng thời gian 3 năm rưỡi theo học tại Trường Trung học Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh). Những động tác múa - vốn rất khó trong Tuồng, đặc biệt là với các diễn viên trẻ - như khán, khoát, chỉ, bê thấp, bê cao, vuốt, rồi té... đã được Nhân biểu diễn khá đạt.
|
Mai Ngọc Nhân (phải) vai Chu Du trong vở Giang Tả cầu hôn. Ảnh: T.X |
Xem Nhân biểu diễn trích đoạn chỉ chừng 20 phút ấy, những người nặng lòng với sân khấu truyền thống đã vui mừng trước sự xuất hiện một kép trẻ đầy triển vọng. Ấy là một tâm trạng có thật, bởi lâu nay, kiếm cho được một đào giỏi đã khó, nhưng kiếm cho ra một kép giỏi đã khó hơn. Tấm Huy chương Vàng mà Nhân gặt hái được tại Liên hoan lần ấy cũng là phần thưởng xứng đáng với người kép trẻ này.
2. Hóa ra, Mai Ngọc Nhân và cả Thu Thẳm (tức Trần Thị Gái, bạn đồng môn với Nhân, cũng là người đạt Huy chương Bạc tại Liên hoan nói trên với vai Nguyệt Cô, trích đoạn Nguyệt Cô mất ngọc) cũng chẳng phải là “con nhà nòi”. “Dân nhà quê gốc rạ”- họ nói về mình vậy. Ngọc Nhân quê Cát Thành, Phù Cát; còn Thu Thẳm quê xã Tây An, huyện Tây Sơn. Kể ra thì đó cũng là những vùng đất có truyền thống hát bội, nhưng hai đào kép trẻ này lại chẳng có cơ may tiếp cận với sân khấu truyền thống từ sớm. Đến ngay cả khi họ bước chân xuống Quy Nhơn thi vào lớp Tuồng khóa IV, hành trang của họ cũng chẳng có chút mảy may hiểu biết gì về Tuồng cả. Thậm chí, Ngọc Nhân tâm sự, rằng lúc ấy, Nhân cũng như đa phần các bạn trẻ thời nay, còn cảm thấy xa lạ với Tuồng. Vậy rồi, vào môi trường học tập, lại được kèm cặp bởi những thầy cô giáo - những nghệ sĩ có nghề, có tâm, họ đã nhanh chóng hiểu và yêu nghề. Nay thì với họ, hễ cứ nghe tiếng nhị kéo lên của câu hát khách, hát nam là đã thấy nao trong dạ. Rồi họ lao vào tập luyện. Vai mẫu là cơ hội để họ thấu nhập những tinh hoa nghề nghiệp. “Ngoài những giờ học chính quy, còn thì cả thầy và trò đều phải lăn lộn đến không tiếc gì giờ giấc”- Ngọc Nhân tâm sự. Với vai Chu Du, Ngọc Nhân được NSƯT Minh Ngọc truyền dạy, còn vai Nguyệt Cô thì Thu Thẳm được NSƯT Hòa Bình và NSƯT Tuyết Mai truyền dạy. “Trong sự thành nghề của tụi em, công ơn của các thầy cô lớn lắm”- Thu Thẳm nói. Nay thì Ngọc Nhân, Thu Thẳm cùng các bạn trong lớp đã tốt nghiệp và đang thử việc tại Nhà hát Tuồng Đào Tấn, trước khi chính thức trở thành những nghệ sĩ thực thụ. Họ trở thành thế hệ tiếp nối của sân khấu truyền thống hôm nay.
3. Hành trình đến với sân khấu truyền thống của Ngọc Nhân và Thu Thẳm, xét cho cùng, cũng là hành trình của những người trẻ đang làm công việc kế tục sân khấu truyền thống hiện nay: từ chỗ còn xa lạ, đến hiểu rồi yêu nghề và dần thành một thứ nghiệp. Trong cuộc hành trình ấy, họ cần rất nhiều: một sự hướng dẫn tận tình của những người đi trước, một sự quan tâm tạo điều kiện trong học tập, khi ra nghề. Và tất nhiên, như bao nghệ sĩ khác, tâm sự với chúng tôi, họ bày tỏ mong muốn sân khấu truyền thống tiếp tục có những bước phát triển, để họ có thêm những cơ hội để thể hiện mình, để sống được và cống hiến với nghề.
Còn riêng tôi, người viết bài này, chỉ ước mong ngày càng có thêm nhiều những gương mặt trẻ như vậy của sân khấu truyền thống. Để những câu hát, những vai diễn, những tinh hoa nghệ thuật truyền thống của cha ông còn kịp trao truyền lại cho các thế hệ sau.
|