Nghệ thuật Bình Định 2001 - 2005: Trầm lắng và chưa xứng tầm
13:44', 23/6/ 2006 (GMT+7)

Mọi sự mổ xẻ trong bài viết này cũng chỉ với một mong muốn nghệ thuật tỉnh Bình Định sẽ có sự phát triển đồng đều hơn trong tương lai. Dĩ nhiên, vì mục đích này, tôi xin được nói thẳng.

 

Phòng tranh của ba họa sĩ Bình Định xa quê gây ấn tượng về sắc màu, đề tài và kỹ thuật.

 

Trước hết là sự thất vọng về kiến trúc. Bộ môn này lâu nay không làm được gì đáng kể. 5 năm qua, cũng chỉ có mấy công trình không xứng tầm một tỉnh Bình Định đang nỗ lực vươn lên. Diện mạo phố xá có đẹp dần lên nhưng chỉ là những nét chung chung, nhiều công trình xây dựng còn nằm trong “tầm nhìn gần”.

Sân khấu thì không đến nỗi. Với Nhà hát Tuồng Đào Tấn, tuy Mộng bá vương chỉ được Huy chương Bạc Liên hoan Sân khấu Khu vực miền Trung, nhưng đã có đến 4 Huy chương Vàng cá nhân: Minh Ngọc, Xuân Hợi, Văn Vĩ, Lệ Quyên. Đoàn Ca kịch Bài chòi có Huy chương Vàng đầu bảng cho NSƯT Hồ Thu trong vở Đứa con tôi (2003). Năm 2005 khẳng định thêm mấy Huy chương Vàng cá nhân nữa: NSƯT Hòa Bình, NSƯT Phương Thảo, NSƯT Minh Ngọc trong Cội nguồn; Huy chương Vàng cho NSƯT Hoài Huệ và NSƯT Hồ Thu trong vở Biển và tôi. Cũng trong năm này, Hoàng Ngọc Đình được giải đạo diễn xuất sắc.

Đúng là không đến nỗi vì 5 năm này Bình Định có thêm một đạo diễn mới, nhiều triển vọng là Hoài Huệ và thêm hai NSƯT: Xuân Hợi và Minh Ngọc. Điểm yếu đáng nói là cả chục năm qua, tuy vẫn thường xuyên báo động về lực lượng kế thừa, nhưng chỉ có Đoàn Ca kịch Bài chòi làm được đôi điều, còn Nhà hát Tuồng Đào Tấn thì vẫn cứ bế tắc. Và trên mảnh đất sân khấu truyền thống nổi tiếng Bình Định, mấy chục năm sau ngày giải phóng cũng chỉ có mỗi Văn Trọng Hùng là một tác giả kịch có tầm! Thêm một báo động nữa: kế hoạch 5 năm tới tỉnh chỉ đạo hai đơn vị sân khấu truyền thống trong tỉnh tự trang trải một nửa ngân sách. Liệu những nhà lãnh đạo văn hóa - nghệ thuật có kế sách gì để bươn chải tồn tại hay không?

Mảng âm nhạc, ngoài giải 3 của Hội Nhạc sĩ Việt Nam dành cho tác phẩm Bến nước sông Kôn của Nguyễn Gia Thiện và hai ca khúc đạt giải 3 của Dương Viết Hòa (Vòng quanh một mái hò khoan và Cầu bập bênh), còn lại chỉ có thể nhắc tới mấy chương trình phát trên sóng truyền hình. Vũ Trung vẫn giữ được phong độ với ca khúc phong trào và chương trình 60 năm Ngành Công an trên VTV3, Nguyễn Hữu Thuần với 2 ca khúc trên VTV1, chương trình dành cho thiếu nhi ở Đài PTTH Bình Định và Một trời dĩ vãng trên VTV3. Âm nhạc truyền thống cũng đáng được nhắc thêm với 2 chương trình nhạc dân tộc khai mạc giải bóng đá U21 và Liên hoan Văn nghệ - Thể dục Thể thao các trường sư phạm toàn quốc do Bình Định đăng cai, để lại ấn tượng tốt. Những cố gắng về phối khí của Phan Thanh Hùng, Đào Minh Tâm với hoạt động sáng tác và tổ chức biểu diễn của Đội Thông tin Lưu động tỉnh… đáng ghi nhận, nhưng chỉ vậy.

Mỹ thuật nghèo nàn với 3 triển lãm cá nhân của Nguyễn Anh Hộ, Nguyễn Chơn Hiền, Nguyễn Quốc Hùng và triển lãm Chi hội Mỹ thuật. Phòng tranh được chuẩn bị tươm tất và có không khí là Nguyễn Chơn Hiền. Triển lãm Mỹ thuật Khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2005 được công chúng chú ý tuy chất lượng chưa cao. Phòng tranh của 3 tác giả Bình Định xa quê: Đặng Mậu Tựu, Phạm Trinh, Lâm Triết ấn tượng về sắc màu, đề tài và kỹ thuật. Trừ Lan Hương và Nguyễn Chơn Hiền miệt mài, các họa sĩ khác chỉ vẽ theo mùa vụ. Nếu lấy sự khẳng định bằng giải thưởng thì cũng lèo tèo: Nguyễn Chơn Hiền 1 giải B, 1 tặng thưởng khu vực; Lan Hương 2 tặng thưởng và có tranh triển lãm 5 năm Mỹ thuật Việt Nam. Đáng chú ý thời gian này là sự trở lại hoặc bắt đầu của những cây cọ mới: Lê Duy Hồng, Phạm Đình Nam, Trần Tuấn, Nguyễn Văn Cần, Nguyễn Tiến Dũng… và nhất là Lê Duy Khanh với 3 giấy khen khu vực (2002, 2003, 2004), giải 3 toàn quốc tranh cổ động (2003) và có tranh treo ở Triển lãm 5 năm Mỹ thuật Việt Nam. Một sự kiện nổi bật là sau nhiều năm với nhiều cố gắng, Bình Định đã có tượng Quang Trung xứng tầm ở Bảo tàng Quang Trung, nhưng tác giả Lê Đình Bảo lại là người… Hà Nội! Cũng như âm nhạc, mỹ thuật Bình Định có cái khó của môi trường tỉnh lẻ, công chúng và thị trường.

Tưng bừng nhất là mảng nhiếp ảnh. Sau khi tách tỉnh, Bình Định là vùng trắng trên bản đồ nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam. Mười năm sau, Đào Tiến Đạt bắt đầu cầm máy. Sự thành công nhanh chóng của anh đã có tác động không nhỏ với phong trào. Năm 2001, Đào Tiến Đạt được kết nạp vào Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và bắt đầu vào 5 năm rộ giải thưởng với 51 giải quốc tế và gần 20 giải trong tỉnh, trong nước. Hai năm liền (2004, 2005), anh được xếp hạng 14 trên 25 tay máy xuất sắc nhất thế giới (ảnh trắng đen). Năm 2004, Bình Định lại có thêm 3 hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam: Phạm Văn Chai, Ngọc Lối, Ngọc Tuấn. 5 năm qua các nghệ sĩ nhiếp ảnh đã tổ chức được 3 triển lãm cá nhân: Nguyễn Vĩnh Hảo (2001), Ngọc Tuấn (2003, 2005). Hàng năm, Hội VHNT tỉnh và Chi hội Nhiếp ảnh đều tổ chức thi và triển lãm ảnh nghệ thuật, khiến phong trào sáng tác nhiếp ảnh trong tỉnh khá sôi nổi.

Trừ nhiếp ảnh nổi trội những nỗ lực cá nhân, bức tranh nghệ thuật Bình Định 2001- 2005 nhìn chung trầm lắng, chưa xứng tầm. Sẽ có một cách nào đó kích nó lên, chắc chắn thế, nhưng muốn vậy, trước hết cần một sự nhìn nhận sòng phẳng từ mỗi nghệ sĩ và những nhà hoạch định…

  • Lê Hoài Lương
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đào kép trẻ và ước vọng ngày xanh  (23/06/2006)
Chiều quê  (23/06/2006)
Nhà vật lý đi tìm mộ vua Quang Trung  (22/06/2006)
Mầm Xanh  (21/06/2006)
Chương trình truyền hình cho người Chăm và người Bana  (21/06/2006)
Trùng tu tháp Chăm: Nghe những tàn phai  (20/06/2006)
Cháu tha cho chú  (18/06/2006)
Chim xanh mùa "guốc cúp"   (16/06/2006)
Sách mới  (16/06/2006)
Nhận diện và suy nghĩ   (16/06/2006)
Thiếu vắng tác phẩm đỉnh cao   (16/06/2006)
Đậm sắc màu văn hóa dân gian   (15/06/2006)
80 góc nhìn sinh động về quê hương   (13/06/2006)
Lê Văn Ngăn và Không phải như thế   (12/06/2006)
Chuẩn bị tham gia Ngày hội văn hóa các dân tộc miền Trung và Đông Nam Bộ lần thứ I   (12/06/2006)