Ngày 1-7, Nghị định 56 chính thức có hiệu lực:
Xứ lý nghiêm những vi phạm trong hoạt động văn hóa
9:11', 29/6/ 2006 (GMT+7)

Ngày 1-7 tới, Nghị định số 56 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa - thông tin chính thức có hiệu lực. Nghị định này sẽ có xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh các dịch vụ văn hóa…

 

Cần quản lý chặt hoạt động kinh doanh Internet. Ảnh: Hoài Thu (ảnh chỉ có tính chất minh họa)

 

* Vi phạm: đã như "bệnh nhờn thuốc"

Những năm gần đây, các hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa ở tỉnh Bình Định ngày càng phát triển. Bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa tinh thần của người dân, sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình dịch vụ này như kinh doanh băng đĩa, internet, karaoke… cũng đã nảy sinh không ít tiêu cực, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường văn hóa lành mạnh. Điều đáng nói là những vi phạm này tuy là chuyện "biết rồi, khổ lắm...", nhưng vẫn cứ tái diễn như "căn bệnh" đã "nhờn thuốc".

Trong năm 2005, các lực lượng kiểm tra liên ngành 814 và kiểm tra chuyên ngành của Sở Văn hóa - Thông tin Bình Định đã tiến hành kiểm tra 223 lượt cơ sở hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa, thì đã phát hiện 116 trường hợp vi phạm, tịch thu 42.900 băng đĩa không dán nhãn, hàng trăm băng rôn, dây cờ, tờ rơi, áp phích và nhiều ấn phẩm photocopy vi phạm quy định, xử phạt hành chính trên 200 triệu đồng, cảnh cáo 2 trường hợp vi phạm trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật, không cấp lại giấy phép cho 4 cơ sở karaoke.

Riêng 6 tháng đầu năm 2006, các cơ quan chức năng đã kiểm tra và phát hiện 5 cơ sở quảng cáo không có giấy phép hoặc không ghi số giấy phép trên băng rôn, nhắc nhở 7 trường hợp vi phạm về treo đặt quảng cáo, 14 cơ sở mua bán và cho thuê băng đĩa vi phạm, tịch thu 8.156 băng đĩa các loại không có tem (trong đó có hàng chục đĩa có nội dung xấu bị cấm lưu hành). Đồng thời, đã phát hiện 88 cơ sở kinh doanh internet vi phạm, thu giữ 59 CPU, phạt tiền 63 trường hợp với tổng số tiền hơn 90 triệu đồng do vi phạm các quy định của nhà nước về quản lý kết nối internet, để khách truy cập vào nhiều trang web có nội dung xấu. Đặc biệt, đã bắt quả tang 2 cơ sở mua bán điện thoại di động ở Quy Nhơn có hành vi tàng trữ, sao chép, chuyển tải hình ảnh, đoạn phim có nội dung đồi trụy vào máy điện thoại của khách hàng. Đây là hình thức truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy tưởng chừng đơn giản nhưng mức độ phát tán độc hại là rất lớn. Do vậy, UBND tỉnh đã có quyết định xử phạt mỗi cơ sở nói trên 30 triệu đồng nhằm răn đe những trường hợp vi phạm khác.

* Nghị định 56: xử phạt nghiêm hơn

Nghị định số 56 của Chính phủ gồm có 5 chương và 77 điều, quy định các mức phạt hành chính đối với từng trường hợp vi phạm cụ thể trong lĩnh vực văn hóa - thông tin. Theo đó, những hành vi vi phạm quy tắc quản lý nhà nước trong các hoạt động: xuất bản, điện ảnh, quảng cáo, các loại hình nghệ thuật biểu diễn, các hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa… có thể sẽ bị phạt hành chính lên đến 30 triệu đồng.

 

Đĩa lậu được bày bán tại các chợ ở nông thôn. Ảnh: X.T

 

Đối với các hành vi vi phạm các quy định về truy nhập, quản lý và cung cấp thông tin trên mạng internet, sẽ bị phạt tiền từ 1 đến 3 triệu đồng đối với hành vi để cho khách hàng truy cập thông tin có nội dung độc hại trên mạng máy tính. Phạt từ 3 đến 10 triệu đồng đối với hành vi lưu giữ thông tin, hình ảnh có nội dung độc hại trong máy tính tại các đại lý Internet; phát tán thông tin, hình ảnh có nội dung độc hại từ mạng thông tin máy tính ra ngoài. Phạt từ 10 đến 25 triệu đồng đối với hành vi đưa vào mạng thông tin máy tính những thông tin, hình ảnh có nội dung độc hại gây hậu quả nghiêm trọng.

Trong lĩnh vực hoạt động xuất bản, tịch thu tang vật vi phạm và phạt tiền từ 2 đến 15 triệu đồng với các vi phạm về tàng trữ, phát hành xuất bản phẩm. Phạt từ 5 đến 30 triệu đồng với trường hợp vi phạm nội dung xuất bản phẩm, từ 15 đến 30 triệu đồng đối với các vi phạm: cơ sở hoạt động in xuất bản không có giấy phép, in xuất bản phẩm vượt quá số lượng ghi trong hợp đồng từ 1.000 bản trở lên, nhập khẩu máy photocopy màu không có giấy phép nhập khẩu.

Đối với các hành vi tàng trữ phim nhựa, băng đĩa phim thuộc loại in, nhân bản lậu; nhân bản và tàng trữ nhằm lưu hành phim có nội dung đồi trụy, khiêu dâm, kích động bạo lực, phim có quyết định thu hồi và cấm lưu hành sẽ bị phạt tiền từ 0,5 triệu đến 30 triệu đồng. Phạt từ 0,2 triệu đến 30 triệu đồng đối với các hành vi mua, bán, cho thuê các loại băng đĩa phim, ca nhạc, sân khấu không có dán nhãn (băng đĩa lậu); băng đĩa ca nhạc có nội dung độc hại cấm lưu hành. Tịch thu tang vật và phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng đối với hành vi chiếu phim đồi trụy, phim có quyết định thu hồi và cấm lưu hành tại nơi công cộng. Đối với việc vi phạm các quy định cấm đối với hoạt động văn hóa và kinh doanh văn hóa nơi công cộng cũng sẽ bị phạt tiền từ 0,5 đến 30 triệu đồng.

Nghị định 56 có hiệu lực, hy vọng sẽ góp phần đưa các dịch vụ văn hóa chặt chẽ hơn, đưa hoạt động văn hóa vào nề nếp. Tuy nhiên, bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần thường xuyên kiểm tra và nghiêm khắc xử lý vi phạm.

  • Hoài Thu
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
New-age sự lựa chọn của chiều sâu  (28/06/2006)
Kết "duyên" rượu Bàu Đá, hũ Gò Sành  (27/06/2006)
Nghệ thuật Bình Định 2001 - 2005: Trầm lắng và chưa xứng tầm  (23/06/2006)
Đào kép trẻ và ước vọng ngày xanh  (23/06/2006)
Chiều quê  (23/06/2006)
Nhà vật lý đi tìm mộ vua Quang Trung  (22/06/2006)
Mầm Xanh  (21/06/2006)
Chương trình truyền hình cho người Chăm và người Bana  (21/06/2006)
Trùng tu tháp Chăm: Nghe những tàn phai  (20/06/2006)
Cháu tha cho chú  (18/06/2006)
Chim xanh mùa "guốc cúp"   (16/06/2006)
Sách mới  (16/06/2006)
Nhận diện và suy nghĩ   (16/06/2006)
Thiếu vắng tác phẩm đỉnh cao   (16/06/2006)
Đậm sắc màu văn hóa dân gian   (15/06/2006)