Nếu lấy dấu mốc từ giữa thế kỷ XIX, khi quá trình tụ cư diễn ra mạnh mẽ ở Quy Nhơn thì đến nay, sau hơn một trăm năm mươi năm lịch sử, Quy Nhơn vẫn lưu giữ trong hành trang của mình những di sản kiến trúc gắn với những thời đoạn khác nhau của lịch sử. Trong đó, nổi bật và có giá trị nhất là những di sản gắn với thời kỳ đầu của Quy Nhơn.
|
Mỗi ngôi nhà ở Quy Hòa có một kiến trúc riêng biệt và độc đáo. Ảnh: Đ.P
|
Thế kỷ XIX là giai đoạn Quy Nhơn có sự phát triển tương đối mạnh mẽ, đánh dấu bước phát triển về chất trên con đường tạo lập đô thị Quy Nhơn. Đây là thời điểm diễn ra quá trình tụ cư mạnh mẽ của thương nhân người Hoa đến Quy Nhơn. Quá trình buôn bán của họ trở nên phát triển mạnh vào những năm bốn mươi của thế kỷ XIX kéo theo quá trình đô thị hóa của Quy Nhơn với các hiệu buôn, hội quán, phố xá… Lấy hai đường Trần Hưng Đạo và Bạch Đằng hôm nay như một ước lệ, cắt ngang thành các ô bàn cờ là các đường Nguyễn Văn Bé, Ngô Thời Nhiệm, Đào Duy Từ, Phan Đình Phùng, Mai Xuân Thưởng… ngày nay, đó chính là khu vực phố thị trung tâm của Quy Nhơn thời ấy. Đáng chú ý trong di sản kiến trúc của Quy Nhơn thời kỳ này là nhà ở của người Hoa và các hội quán, chùa của các bang hội Hoa Kiều: miếu ông Nhiêu, hội quán Triều Châu, đình Cẩm Thượng... Không ít những công trình kiến trúc khá độc đáo và quan trọng hơn, nó gắn với một phần lịch sử của Quy Nhơn thuở ban đầu.
Bên cạnh đó, một quỹ công trình kiến trúc khác không những độc đáo mà còn rất đặc thù là khu nhà ở của bệnh nhân phong tại khu điều trị cho bệnh nhân phong Quy Hòa. Khởi thủy, đây chỉ là những ngôi nhà tranh vách đất, dùng làm nơi ở cho các soeur và bệnh nhân. Năm 1932, sau khi toàn bộ nhà cửa của bệnh nhân bị cuốn phăng sau một trận bão, việc xây dựng lại nhà ở để bệnh nhân có nơi cư trú kiên cố được đặt ra. Soeur Ozithe khi ấy đã bỏ công quy hoạch lại toàn bộ khu Quy Hòa và vẽ thiết kế nhiều kiểu nhà ở cho các bệnh nhân. Mỗi căn nhà có một thiết kế độc đáo và hài hòa với cảnh quan của Quy Hòa, rồi lại được chính chủ nhân của chúng chỉnh sửa, thay đổi cho phù hợp với điều kiện sống của họ. Đây là một quỹ kiến trúc khá độc đáo của Quy Nhơn thời kỳ đầu hiện còn và cần được bảo tồn bởi tính độc đáo và giá trị nhân văn của nó.
Sau khi vua Thành Thái ban hành chỉ dụ thành lập thị xã Quy Nhơn vào tháng 12-1899, Quy Nhơn được chọn làm tỉnh lỵ của Bình Định. Thị xã nhanh chóng trở thành một trong những đô thị lớn của miền Trung thời bấy giờ. Năm 1930, toàn quyền Đông Dương Pasquier ký nghị định nâng cấp thị xã lên thành phố. Từ đó cho đến những năm 1955, đô thị Quy Nhơn được định hình rõ nét. Việc quy hoạch xây dựng tương đối hợp lý, phân khu chức năng rõ ràng. Nhận thức được nguồn lợi từ biển, nhà cầm quyền đã bố trí các trụ sở dọc theo con đường đẹp nhất ven biển và dành ưu tiên đất phát triển cảng biển Quy Nhơn thành cửa ngõ cho cả Tây Nguyên và Trung Trung bộ hướng ra biển đông. Những công trình kiến trúc gắn với Quy Nhơn thời kỳ này không nhiều, mang phong cách Đông Dương của kiến trúc Pháp: nhà ga Quy Nhơn, biệt thự Bảo Đại. Những năm kháng chiến chống Pháp, các công trình này bị phá hủy theo chủ trương tiêu thổ kháng chiến.
Sau năm 1955, đô thị mới dần được xây dựng trở lại theo bộ khung giao thông trước năm 1945, nhưng phân khu chức năng đã có thay đổi. Đặc biệt, những năm 1960, khi chiến tranh lan rộng, gần 40% diện tích nội thị đã dành cho những khu quân sự. Dân số tăng nhanh, Quy Nhơn trở thành thành phố có dân số đứng thứ 3 ở miền Nam sau Sài Gòn và Đà Nẵng nhưng hạ tầng đô thị lại chưa được quan tâm đầu tư. Những khu nhà ổ chuột hình thành, các khu tạm cư dần trở thành những làng chài nằm trong lòng thành phố. Đây là thời kỳ thành phố phát triển không kiểm soát và để lại nhiều vấn đề nan giải đến mãi sau này. Tuy nhiên, ngay trong giai đoạn này, cũng có một số trụ sở, công trình phúc lợi công cộng đã được thiết kế bởi các kiến trúc sư Việt Nam, theo khung bê tông cốt thép chịu lực và có hình thức kiến trúc hiện đại. Đáng chú ý nhất là Ngân hàng Sài Gòn Thương tín trên đường Lê Thánh Tông (1970), nhà thờ Lớn (1963), Trường Kỹ thuật Quy Nhơn (1963). Các công trình này hiện vẫn còn và thật sự có giá trị về kiến trúc và lịch sử.
Điểm qua như vậy để thấy rằng, di sản kiến trúc của thành phố Quy Nhơn tuy không nhiều, nhưng đều gắn với những thời đoạn khác nhau trong lịch sử thành phố. Trong đó, có không ít công trình có giá trị nổi bật, cần được trân trọng và gìn giữ. Đáng tiếc là thời gian qua, không ít công trình đã biến dạng hoặc thay đổi, nhất là về tổng thể không gian. Những công trình kiến trúc gắn với Quy Nhơn buổi đầu, hiện đang nằm trong tình trạng báo động do sự xuống cấp, hoặc bị lấn chiếm. Nếu không có những biện pháp bảo tồn khẩn cấp, chỉ sau chục năm nữa, những công trình kiến trúc gắn với lịch sử Quy Nhơn ở thế kỷ XIX e rằng sẽ không còn tồn tại. Khu điều trị cho bệnh nhân phong Quy Hòa, nay là Bệnh viện Phong và Da liễu Quy Hòa hiện nay xây dựng công trình mới nhiều, làm nát hết cảnh quan chung, nên tính độc đáo và vẻ đẹp riêng có của khu Quy Hòa đã không còn được như xưa. Một số công trình thực sự có giá trị về kiến trúc thuộc giai đoạn sau năm 1960 cũng đang trong tình trạng bị bỏ quên. Ngân hàng Sài Gòn Thương tín trên đường Lê Thánh Tông, một công trình của KTS Ngô Viết Thụ, khá đẹp, đường nét và hình khối gọn ghẽ, hiện đại, hài hòa trong tổng thể chung. Chỉ tiếc là do những người sử dụng sau này không ít lần cơi nới, xây dựng thêm công trình mới bên cạnh và phía sau, nên phá vỡ tổng thể không gian của công trình này.
Mỗi công trình là một phần hồn của Quy Nhơn. Do vậy, việc bảo tồn chúng cần được đặt ra, để bên cạnh một Quy Nhơn đang dần trở thành thành phố biển hiện đại trong tương lai, còn có một Quy Nhơn mang chiều sâu lịch sử.
|