Sự sống hát lời lửa nước (*)
11:12', 7/7/ 2006 (GMT+7)

Tôi còn nhớ, lần đầu tiên tôi gặp Nguyễn Lương Ngọc là vào năm 1992, tại Quy Nhơn. Tất nhiên, người làm thơ “áo vải chân không” đến với nhau buổi sơ giao thường khi không chút khó khăn nào, nhưng ở đây có thêm sự chu đáo cẩn thận của bậc lão thành Trinh Đường, bằng một lá thư tay. Nguyễn Lương Ngọc chơi một thời gian, thăm nhà thơ Yến Lan, thăm mộ Hàn Mặc Tử, rồi lên Gia Lai. Sau đó, năm 1993, Nguyễn Lương Ngọc trở lại Quy Nhơn trong chuyến xuyên Việt tưng bừng. Lần này thì thời gian lưu trú đất võ lâu hơn nhiều, anh còn lên Vân Canh dự Lễ hội Văn hóa- Thể thao miền núi.

Nguyễn Lương Ngọc có thật nhiều kỷ niệm với bạn bè văn nghệ Bình Định, những chuyến xe gió bụi, các danh lam thắng tích, quán cóc ven đường và nhiều nhất là những đêm rượu trắng ổi xanh, đầm đìa thơ phú... Thoáng chốc, đã mười lăm năm rồi. Cái thời phương tiện chủ yếu là xe đạp cà tàng, nhưng vận tốc của nó lại tỷ lệ nghịch với những cuộc dã ngoại miên man. Không ai nghĩ nhiều về chuyện đó mà chỉ nghĩ thật hoành tráng, thật tinh tế, thật linh diệu đến Thơ. Với một người có tài năng, kiến văn, lại rất tâm thành và nhiệt huyết với công cuộc cách tân nghệ thuật đến mức cực đoan như Nguyễn Lương Ngọc thì nhiều khi mọi vướng bận trần thế khác nào có sá chi. Đó là chỗ anh khác người.

Thời gian tôi gặp gỡ Nguyễn Lương Ngọc không thể nói là nhiều nhưng ấn tượng thì mạnh. Đó là một con người dị tướng và dị biệt ngay trong cách hành xử. Đang bước chậm rãi nói chuyện bình thường với tôi, anh có thể chuyển trạng thái, quỳ xuống trước mộ Hàn Mặc Tử khóc một cách đột ngột và bộc bạch với linh hồn Hàn những câu thân tình như một đứa em trước người anh trai lâu ngày gặp lại. Bây giờ khi đọc một cách hệ thống những bài thơ của anh viết cho những linh hồn mà anh yêu mến và kính trọng như Maiakopski (Nhà thơ), Nguyễn Sáng (Bao giờ), Hoàng Trung Thông (Gió khô), Trần Vũ Mai (Với một nhà thơ vừa tắt)... tôi vẫn cứ tưởng tượng cái thái độ bộc phát, quyết liệt của Nguyễn Lương Ngọc trước khi giãi bày một tình cảm với cõi vô biên trong đời sống sáng tạo. Tôi hiểu, với anh là sự chân thật đến tận đáy, một đòi hỏi không khoan nhượng khi mình muốn tuyệt đối thành kính với những tín niệm nghệ thuật và đời sống của chính mình.

Tôi đọc Nguyễn Lương Ngọc - Thơ và Người trong tâm thế của người quen biết cũ, song hành với thơ là những kỷ niệm dưới những tàn trứng cá, những ngả đường phong rêu từ độ Bình Định còn những ngôi nhà bạn thơ trầm mặc đêm đêm bên ngọn đèn dầu và những bài thơ chép tay trên chiếu rượu với nét chữ ngoằn ngoèo. Ai còn giữ những “tang chứng” ấy của những câu, những bài thơ một thời trẻ trung và tâm huyết, đam mê đến tận cùng. Một chiếc vỏ bao thuốc lá, một mảnh bìa hẩm, hoặc một mảng tường vôi cũ ố vàng... trong cơn say, rút bút ra, khi không bút thì một mẩu than đen. Tất cả đều làm chiếc nôi đón đỡ những cơn thần hứng của Nguyễn Lương Ngọc cùng những thi sĩ vui và ngông. Họ có thể đồng cảm hay thiếu đồng cảm với Nguyễn Lương Ngọc ở mặt này mặt khác, nhưng riêng lòng yêu thơ thì họ có thừa.

Tôi đọc suốt các tập thơ và những bài bình luận nghệ thuật, thấy nhiều điều mới lạ quẫy cựa, nói theo ngôn ngữ Nguyễn Lương Ngọc là “sự sống hát lời lửa nước”. Đi vào thế giới thơ anh là đi vào những hiểu biết khám phá và sáng tạo không mệt mỏi của một người con của nước và của lửa. Anh: một thi sĩ dũng mãnh và kiêu bạc, ròng ròng mồ hôi nước mắt dồn cả tinh lực thần khí vào cuộc cách tân thơ ca. Tôi tin sẽ có nhiều công trình giải mã và đánh giá đúng mức những đóng góp của anh vào thơ Việt hiện đại.

  • Nguyễn Thanh Mừng

(*) Nhân đọc Nguyễn Lương Ngọc - Thơ và Người (Nxb. Hội Nhà văn, 2006).

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Những bữa cơm đồng  (07/07/2006)
Tháng không có ngày 31  (05/07/2006)
Sao băng và những chuyện tình tuổi học trò  (02/07/2006)
Con gái tiều phu và sư tử  (30/06/2006)
Sẽ được tổ chức từ ngày 9 đến 11-7   (30/06/2006)
Di sản kiến trúc Quy Nhơn: Còn có bao nhiêu mà hững hờ ?  (30/06/2006)
Lại một mùa mít chín  (30/06/2006)
Trôi qua tay như cát   (29/06/2006)
Xứ lý nghiêm những vi phạm trong hoạt động văn hóa  (29/06/2006)
New-age sự lựa chọn của chiều sâu  (28/06/2006)
Kết "duyên" rượu Bàu Đá, hũ Gò Sành  (27/06/2006)
Nghệ thuật Bình Định 2001 - 2005: Trầm lắng và chưa xứng tầm  (23/06/2006)
Đào kép trẻ và ước vọng ngày xanh  (23/06/2006)
Chiều quê  (23/06/2006)
Nhà vật lý đi tìm mộ vua Quang Trung  (22/06/2006)