Nhà xuất bản Văn học và Công ty Văn hóa Phương Nam vừa giới thiệu thêm một tác phẩm của Kim Dung là Liên thành quyết. Đây là bộ tiểu thuyết (còn gọi là Tố tâm kiếm) được Kim Dung viết trong năm 1963, năm ông bắt đầu viết bộ tiểu thuyết lừng danh Thiên Long bát bộ.
Giới mê truyện Kim Dung ở Việt Nam có lẽ không "hâm mộ" Liên thành quyết như Thiên Long bát bộ, Tiếu ngạo giang hồ, Anh hùng xạ điêu, Thần điêu hiệp lữ, Ỷ thiên đồ long ký hay Lộc đỉnh ký… - những tác phẩm được Kim Dung viết trong lúc đã đạt đến cảnh giới "đăng phong tháo cực" trong sáng tác. Phải chăng vì vậy, so với những bộ tiểu thuyết vừa nêu, Liên thành quyết được dịch và giới thiệu muộn hơn (trong quý 2 năm 2006).
Liên thành quyết là câu chuyện kể về chàng trai Địch Vân thật thà, chất phác, chưa từng trải việc đời, chỉ vì có cô sư muội Thích Phương xinh đẹp nên chàng đã trở thành nạn nhân của Vạn Khuê. Hắn đã lập mưu hãm hại chàng để chiếm đoạt Thích Phương. Địch Vân bị vu oan cho tội hãm hiếp và ăn trộm, bị chặt đứt 5 ngón tay, bị xuyên xương bả vai và bị tống vào lao tù.
Trong tù, Địch Vân làm quen được với Đinh Điển, một cao thủ đệ nhất võ công đương thời, người đang nắm giữ bí mật về Liên thành quyết (một bộ kiếm pháp vô địch và là bản đồ chỉ đến một kho báu). Đinh Điển đã truyền võ công và nói bí mật về kho báu cho Địch Vân biết. Sau đó cả hai cùng vượt ngục. Trên đường chạy trốn, Đinh Điển chết vì bị trúng độc, còn Địch Vân lại bị rơi vào một nỗi oan khác: Thiên hạ tưởng chàng là "dâm tăng" và đuổi giết cho kỳ được.
Địch Vân bị dồn vào đường cùng. Tình cờ do lở tuyết, chàng và cô nương xinh đẹp Thủy Sinh bị tuyết chôn vùi trong một tuyệt cốc ở gần Tây Tạng trong suốt một mùa đông. Mãi đến mùa xuân khi tuyết tan, Địch Vân và Thủy Sinh mới thoát ra khỏi cái nhà tù - tuyệt cốc ấy. Lúc đó, Địch Vân đã luyện được võ công vô địch và chàng bắt đầu hành trình trả thù. Còn Thủy Sinh thì bị người yêu là chàng Uông Khiếu Phong nghi ngờ, ruồng rẫy vì đã ở chung với "dâm tăng" mấy tháng trời trong tuyệt cốc (dù giữa Địch Vân và Thủy Sinh hoàn toàn trong sáng và cũng nhờ vậy, Thủy Sinh mới biết Địch Vân là một người trung hậu, thật thà, chịu nhiều oan khuất).
Về đến chốn cũ, Địch Vân tan nát cõi lòng khi thấy Thích Phương đã trở thành vợ của Vạn Khuê, nhưng vì hạnh phúc của sư muội, Địch Vân không nỡ giết kẻ đã hãm hại mình. Thích Phương khi đã biết rõ sự thật, dù còn yêu Địch Vân nhưng nàng vẫn không thể bỏ rơi chồng. Nàng đi cứu Vạn Khuê và bị chính hắn giết chết.
Địch Vân đi tìm kho báu để giúp thiên hạ theo lời trăng trối của Đinh Điển. Tại đó, Địch Vân đã suýt chết khi bị sư phụ thuở thiếu thời của chàng là Thích Trường Phát (cha của Thích Phương, một người mà Địch Vân luôn kính trọng) đâm lén một đao để hòng chiếm đoạt kho báu một mình.
Quá thất vọng trước nhân tình thế thái, người yêu thì đã chết, sư phụ thì trở mặt trước mãnh lực của bạc vàng, Địch Vân lang thang vô định và bước chân đã xui khiến chàng trở về tuyệt cốc, nơi không bị người đời quấy rối.
"Bỗng, xa xa chàng nhìn thấy có một người thiếu nữ đứng trước cửa hang núi.
Chính là Thủy Sinh.
Gương mặt cô rạng rỡ nét cười, lao như bay về phía chàng, reo lên:
- Muội đợi huynh đã lâu rồi! Muội biết huynh thế nào cũng trở về."
Liên thành quyết kết thúc ở đây. Một kết thúc có hậu đối với chàng Địch Vân khốn khổ và cũng là một kết thúc có hậu với nàng Thủy Sinh bị hàm oan, bị đày đọa qua nhiều biến cố. Qua bao kiếp nạn, hai kẻ cùng đường đã kết nối được mối dây duyên tình, thật mừng thay cho họ.
Đọc Liên thành quyết, ngoài sự hấp dẫn về Liên thành kiếm phổ và kho báu, Kim Dung còn khiến người đọc bị hút theo những câu chuyện tình yêu đậm màu bi kịch như Romeo và Juliet. Đó là mối tình trắc trở, thê lương giữa Đinh Điển - một đệ nhất cao thủ - và Lăng Sương Hoa - một đệ nhất mỹ nhân; là mối tình thanh mai trúc mã tuyệt đẹp giữa Địch Vân và Thích Phương nhưng đã bị Vạn Khuê làm cho tan vỡ; là mối tình tưởng như không thể chia lìa giữa "song hiệp" Uông Khiếu Phong và Thủy Sinh nhưng cuối cùng Thủy Sinh phải gạt nước mắt phân ly.
Bên cạnh những thói xảo trá và lừa lọc, âm mưu và thủ đoạn của giới giang hồ, xuyên suốt tác phẩm là những trang viết thấm đẫm về tình yêu đôi lứa, về sự bất lực của họ trước cái gọi là "số phận", về sự chung tình, nhân hậu của Đinh Điển, của Địch Vân và chính những trang văn này đã tạo nên một sức sống riêng cho Liên thành quyết.
Liên thành quyết còn khiến người đọc liên tưởng tới Bá tước Monte Cristo của Alexandre Dumas (chính Kim Dung tiên sinh cũng thừa nhận ông bị ảnh hưởng của Alexandre Dumas, nhất là 2 tác phẩm Ba người lính ngự lâm và Bá tước Monte Cristo). Cốt truyện na ná như nhau nhưng Liên thành quyết dưới ngòi bút tài tình của Kim Dung, đã có một sức hấp dẫn khác. Vì lẽ đó, dẫu không có những trường đoạn thắt nút thật chặt rồi bùng nổ như hỏa diệm sơn làm chấn động "lục phủ ngũ tạng" người đọc, dẫu không có những màn đấu võ long trời lở đất như trong Tiếu ngạo giang hồ, Thiên Long bát bộ, Ỷ thiên đồ long ký, Anh hùng xạ điêu… nhưng đọc xong Liên thành quyết, người ta vẫn nhớ và day dứt mãi về những mối tình thật đẹp nhưng dang dở và đẫm nước mắt.
Có thể gọi Liên thành quyết là một khúc bi ca về tình yêu.
* Đọc Liên thành quyết - Tác giả: Kim Dung, người dịch: Nguyễn Thị Bích Hải - Nhà xuất bản Văn học 2006.
|