"Lãn Ông" và tấm lòng đối với Việt Nam của một nhà văn Pháp
14:15', 13/7/ 2006 (GMT+7)

Lãn Ông là tên của một tiểu thuyết vừa được Nhà xuất bản Văn Nghệ (TP. Hồ Chí Minh) cho ra mắt. Điều thú vị là tác giả của cuốn sách này là một nữ nhà văn Pháp, bà Yveline Féray. Đây là tác phẩm thứ hai của bà viết về danh nhân Việt Nam sau tiểu thuyết Vạn Xuân viết về Nguyễn Trãi.

Danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1720-1791) người làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương (nay là xã Hoàng Hữu Nam, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Biệt hiệu Hải Thượng Lãn Ông có nghĩa là ông già lười ở Hải Thượng. "Lười" ở đây là do ông tự trào, được hiểu là lười với vinh hoa phú quí, nhưng lại rất chăm chỉ đối với sự nghiệp chữa bệnh, cứu người.

Năm 1781, khi đã 61 tuổi, Lãn Ông được chúa Trịnh mời về kinh để chữa bệnh cho thế tử Trịnh Cán, buộc phải từ bỏ thú điền viên ở quê nhà Hương Sơn. Yveline Féray đã lấy cảm hứng từ chuyến đi này của danh y Lê Hữu Trác để hình thành nên tiểu thuyết lịch sử Lãn Ông (do Lê Trọng Sâm dịch).

Tại kinh đô, giữa những âm mưu và thủ đoạn của các phe nhóm tranh giành quyền lực, Lãn Ông đã bị buộc phải đem mạng sống của mình và gia đình ra để bảo đảm cho thành công của việc chữa bệnh cho ấu chúa - một đứa trẻ bảy tuổi, mà trước đó các ngự y tên tuổi đã bó tay. Thật bất ngờ, trong quá trình chữa bệnh, giữa vị y sư lừng lẫy và đứa trẻ bị bệnh nan y đã gặp nhau, chia sẻ với nhau và cùng đối mặt với cái chết theo những cách khác nhau. Rốt cục, ai sẽ cứu ai?

Để có Lãn Ông dày gần 350 trang, Yveline Féray đã nghiền ngẫm lại Thượng kinh ký sự của Lê Hữu Trác, đắm mình vào thời kỳ được ghi lại trong Hoàng Lê nhất thống chí để hình dung ra xã hội Việt Nam thời vua Lê chúa Trịnh rối ren như thế nào, nghiên cứu rất nhiều tài liệu lịch sử liên quan và trên hết, là một tấm lòng đối với Việt Nam.

Rõ ràng, phải yêu Việt Nam thật lòng thì Yveline Féray mới có được Lãn Ông, như trước đó đã tạo ấn tượng với người đọc qua tiểu thuyết Vạn Xuân, viết về người anh hùng Nguyễn Trãi. Với những đóng góp tích cực cho tình hữu nghị Việt - Pháp, năm 2003, Yveline Féray đã được Nhà nước CHXHCN Việt Nam tặng Huân chương Hữu nghị.

Trong Lời tựa của Lãn Ông, Yveline Féray bộc bạch: "Tôi xin thổ lộ tình cảm chân thành của một tác giả phương Tây qua tiểu thuyết Lãn Ông. Tôi cảm thấy mình đã hoàn thành xong chu kỳ hòa nhập cá nhân với hy vọng tái hiện được một Việt Nam thế kỷ 18 với một Việt Nam quen thuộc và bình dị giống sự thật hơn cả sự thật thông qua bóng dáng một nhân vật lớn lao, người đã tìm thấy trong việc hành nghề y "nghệ thuật của lòng nhân nghĩa" và là Đạo mà các bậc hiền triết dấn thân vào."

Còn trong Lời người dịch, dịch giả Lê Trọng Sâm đã giới thiệu một cách giản dị: "Lãn Ông - một tấm lòng, một đóng góp văn học quý báu mới của bà Yveline Féray cho tình hữu nghị Việt - Pháp, một tác phẩm chắc sẽ rất bổ ích cho người đọc."

  • Thúc Giáp
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Có những chiều…  (13/07/2006)
Phù Mỹ: Phát hiện một số cổ vật thuộc vụng biển Mỹ Đức  (13/07/2006)
Thêm một công trình văn hóa hiện đại cho thành phố Quy Nhơn  (13/07/2006)
Liên thành quyết - khúc bi ca tình yêu  (12/07/2006)
Khởi công xây dựng Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh   (11/07/2006)
Nhà hát Tuồng Đào Tấn: Dựng 1 vở mới và phục hồi 2 vở   (11/07/2006)
Bảo tồn vở tuồng cổ Hộ Sanh Đàn  (09/07/2006)
Phô diễn những nét đặc sắc của văn hóa miền biển  (07/07/2006)
Sự sống hát lời lửa nước (*)  (07/07/2006)
Những bữa cơm đồng  (07/07/2006)
Tháng không có ngày 31  (05/07/2006)
Sao băng và những chuyện tình tuổi học trò  (02/07/2006)
Con gái tiều phu và sư tử  (30/06/2006)
Sẽ được tổ chức từ ngày 9 đến 11-7   (30/06/2006)
Di sản kiến trúc Quy Nhơn: Còn có bao nhiêu mà hững hờ ?  (30/06/2006)