Lần đầu tiên tôi gặp ông là tháng 9.1999, khi ông đang ở Hà Nội điều trị di chứng tai biến mạch máu não. Khi Nguyễn Xuân Hoàng - một người bạn ở Huế, đưa tôi đến thăm, ông đã nằm đây hơn một tháng. Nằm một chỗ nhưng ông vẫn liên tục viết. Nét mặt ông ngơ ngác, diễn đạt bằng lời nói một cách khó khăn nhưng mạch văn trên trang viết hình như càng tuôn rào thêm sự minh triết.
|
Vợ chồng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Ảnh: Đ.Đ.T
|
Vài tuần sau, tôi đọc bút ký Miền gái đẹp của Hoàng Phủ Ngọc Tường trên Văn nghệ. Bài ký dìu dặt như một áng thơ; ông cảm nhận khói sương về vẻ đẹp kỳ lạ của những cô gái Tuyên Quang; ông nhắc lại lời của Đoàn Dự trong tiểu thuyết Kim Dung: “Tiểu tử vốn coi trọng sắc đẹp hơn tính mạng…”; ông chiêm nghiệm: “ở đâu có sông nước đẹp thì ở đó tất có nhiều mỹ nhân”; nhưng rồi ông áy náy vì một câu dân ca: “cái đẹp nào cũng có cái hư thân riêng của nó”... Làm sao có thể nghĩ rằng đó là những suy nghĩ của một người đang liệt giường liệt chiếu nhỉ.
Hôm ông được lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế tặng dàn máy vi tính có nối mạng internet, Nguyễn Xuân Hoàng thơ thới điện vào tôi: “Ông Tường có vi tính rồi, điệu này ông còn viết khỏe nhé!…”. Mà thật, chỉ sau đó ít tháng, ông cho in Trịnh Công Sơn và cây đàn lya của hoàng tử bé (NXB Trẻ 2005), cuốn sách mà theo ông là đã yên tâm về bạn Sơn của mình, trong đó có những câu đắt giá về Trịnh: “Trịnh Công Sơn đã cho rằng mọi cái ở đời đều là phù phiếm, như ta đã thấy... Rốt cuộc, như một vật thể không bị hòa tan trong lịch sử, chính là tên tuổi của anh. (…) Như thể có một dòng sông ngầm vẫn trôi đi trong khi những dòng sông trên mặt đất đã bị tắc nghẽn. Điều đó chứng tỏ nội lực âm nhạc của Sơn, từ đó phát ra sức mạnh thúc đẩy sự luân lưu giữa cuộc đời (…) Chúng ta hài lòng khi thấy Trịnh Công Sơn đã giành được trong tay định mệnh, cái mà nghệ sĩ nào cũng thèm muốn: sự bất tử”.
Trong ông lúc nào cũng liên tục, chất chứa những ý tưởng khôn nguôi chỉ chực trào ra đầu ngọn bút, kể cả khi nằm liệt một chỗ, không viết được bằng tay thì tác phẩm ông vẫn dày lên thông qua… miệng. Ấy là ông sáng tác bằng lời cho vợ con chép lại, nhưng theo lời chị Mỹ Dạ, thường trực chép bài vở ông nhiều nhất là một người cháu, tuổi mới đôi mươi, nét bút còn nghệch ngoạc nhưng rất ngưỡng vọng văn tài ông Tường. Tôi đã may mắn chụp được những trang bản thảo do người cháu này viết… Ở ông, hình ảnh trước tiên và sau cùng trong tôi vẫn là một người lao động cần mẫn trên cánh đồng nghĩa hiệp, viết khỏe ở nhiều thể loại và cũng là người cực kỳ ham chơi, ông chơi để hiểu sự đời và đã có một cuốn sách lấy hẳn nhan đề là Người ham chơi.
Đọc ông, người ta nhận thấy chuyện gì cũng thành được thơ, được triết, ví dụ trong Phở hoài cảm có đoạn “…nhìn vào bát nước bốc khói thơm tho, có lúc tôi sực nghĩ tới Bà Huyện Thanh Quan khi nhìn nước Hồ Tây; thấy trong đó bao nhiêu phế hưng, và nếm trong thìa nước trong trẻo ngọt ngào kia một chút vị dâu bể của những tháng năm…”. Hôm gặp tôi ở Đà Nẵng, nhà văn Thái Bá Lợi nói: “Bản chất Hoàng Phủ Ngọc Tường là một nhà văn hóa”. Còn tôi vẫn tự nhủ có lẽ ông đã tu luyện đắc đạo từ lâu nên văn chương mới réo rắt đến thế.
Với Huế, văn chương của ông đã làm người đọc cảm thấy thành phố này không còn là đất, là người, mà đã trở thành một kỳ quan của thiên nhiên, của huyền sử; đọc ông lúc chưa đến Huế, chưa biết sông Hương, tôi đã mường tượng và tôn vinh đất này trong tâm tưởng; bởi “con người đã đặt tên cho dòng sông như nhà thơ chọn bút hiệu của mình, gửi gắm vào đấy tất cả ước vọng muốn đem cái Đẹp và tiếng Thơm để xây đắp văn hóa và lịch sử” (Ai đã đặt tên cho dòng sông).
|
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và tác giả. Ảnh: Đ.Đ.T
|
Thơ của Hoàng Phủ Ngọc Tường không nổi tiếng như ký nhưng nhiều người sẽ còn mãi nhớ tập thơ “Người hái phù dung” (1995) với những câu thơ nổi tiếng như “Nhà tôi ở phố Đạm Tiên / Dưới dòng nước chảy bên trên có cầu/ Có mùi hương cỏ đêm sâu / Có loài hoa biết nuôi sầu tháng năm” (Địa chỉ buồn), “Có nhiều khi tôi quá buồn / Tôi ước mong chung quanh chỗ tôi ngồi / Mọc lên thật nhiều cây cỏ / Cây xấu hổ đau gì mà rũ lá / Tôi gập người trên bóng tôi” (Cỏ chim sẻ và châu chấu), “Buồn từ dạo ấy chưa nguôi / Ngoài kia sương khói đã trời sang thu / Ta còn một chút phù du / Hóa thành một kiếp đền bù cho em” (Xin người chút không),... So với tập “Những dấu chân qua thành phố” (1972) với dòng chủ là cảm hứng con người – đất nước, “Người hái phù dung” là một cảm hứng thân phận – vũ trụ chảy tràn bất tận. Thơ ông đầy vẻ buồn nhưng nhìn kỹ là tiếng reo đời, với một sự lăn xả hiếm thấy và một cái tĩnh tại như cuộc sống cần có. Cũng như Trịnh Công Sơn, sự nghiệp Hoàng Phủ Ngọc Tường là một cuộc đi hái phù dung, như trong nhàn đàm “Hoa bên trời” ông vừa in năm 2005: “Hoa phù dung biểu lộ với tôi lòng ham thích cuộc sống của nó, mặt khác nó phải sống hụt một đời hoa… Mỗi lần nghe nhắc đến hoa phù dung, tôi lại thấy cảm giác rờn rợn như đối với một số phận đầy bi thảm. Như thể nó không phải là một loài thực vật, mà là một thiếu nữ…”. Hoàng Phủ Ngọc Tường đã xây dựng được một tư tưởng hái phù dung cho sự sống mà ông muôn vàn kính trọng; đây cũng là quan điểm xuyên suốt đời văn ông.
Nhìn ông phóng bút như là cuộc đời này chẳng có điều gì quan trọng, lại đau đáu một nỗi nhân tình thế thái, từng câu từng chữ nhẹ tênh nhưng đậm đặc bao nhiêu hàm ân. Hoàng Phủ Ngọc Tường năm nay đã sắp thất thập rồi (ông sinh ngày 9.9.1937). Riêng nghiệp dĩ của ông hình như không tuổi…
|