TS Đinh Bá Hòa - Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh:
"Nếu phát hiện thấy tàu đắm thì cũng là chuyện bình thường"
10:2', 18/7/ 2006 (GMT+7)

Vừa qua, tại cửa biển Hà Ra (thuộc xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ), đã phát hiện những cổ vật, cho phép đoán định rằng nơi đây tồn tại một tàu đắm có chứa cổ vật. Để thông tin thêm với bạn đọc về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS Đinh Bá Hòa - Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.

 

Chưa có một đội ngũ khảo cổ học dưới nước là một khó khăn trong việc khai quật tàu đắm hiện nay. Ảnh: T.T.online

 

* Thưa ông, tuy vẫn còn nằm trong sự đoán định, nhưng bản thân ông có ngạc nhiên không khi nghe thông tin về một tàu đắm có chứa cổ vật ở cửa Hà Ra?

- Sử Trung Hoa chép rằng, vùng Champa xưa có tới 5 cảng lớn. Riêng ở tỉnh Bình Định, sông Kôn đổ ra biển theo nhiều cửa, rất thuận tiện cho tàu vào neo đậu. Thị Nại cũng từng là một cảng lớn. Theo sử sách Trung Hoa viết về chuyến đi của Trịnh Hòa (1371-1433), thì trong cả 7 chuyến đi thì cả 7 đều cho hạm đội từ Nam Kinh đến Phúc Kiến rồi xuống thẳng Chiêm Thành, mà theo các nhà nghiên cứu thì có lẽ là vùng Thị Nại, rồi tiếp tục thực hiện các hải trình đến các quốc gia Đông Nam và Đông Bắc Á. Những sản phẩm Trịnh Hòa mang đi, có lẽ để làm quà biếu và giới thiệu sản phẩm, có đồ gốm thì toàn bộ là gốm men ngọc. Vào thời đó, tàu buồm dùng sức gió là chủ yếu, vùng miền Trung lại hay mưa bão, nên tàu dễ bị chìm. Vậy nhưng, thời gian qua, các tỉnh lân cận đều đã phát hiện thấy tàu đắm (Bình Thuận, Quảng Nam), hoặc có dấu hiệu nhưng chưa tìm ra tàu như ở vùng đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), còn ở tỉnh Bình Định, chưa phát hiện thấy tàu đắm nào. Bản thân chúng tôi cũng thấy đây là chuyện lạ, nên việc lần này tìm thấy dấu hiệu có tàu đắm, tuy chưa khẳng định chính xác, nhưng theo tôi, nếu có, thì cũng là chuyện bình thường.

* Vậy ông đánh giá như thế nào nếu việc đoán định rằng, đây là một tàu đắm có chứa cổ vật, là chính xác?

- Nếu những đoán định trên là chính xác thì đây là lần đầu tiên tỉnh Bình Định phát hiện thấy một tàu đắm có chứa cổ vật. Ngoài giá trị của các hiện vật, đây còn là một nguồn tư liệu quan trọng, mở ra nhiều vấn đề trong việc nghiên cứu thương mại vùng Bình Định và các nước trong khu vực thời bấy giờ.

* 20 hiện vật đã tìm được ở cửa Hà Ra thông qua đợt khảo sát của Bảo tàng Tổng hợp tỉnh vào ngày 3-7, hầu hết là gốm men ngọc, đoán định là gốm Tống (thế kỷ XIII-XIV). Nhưng Gò Sành - Bình Định cũng sản xuất gốm men ngọc. Vậy theo ông, có khả năng nào đây là tàu chứa sản phẩm gốm Bình Định xuất khẩu hay không?

- Theo tôi, đây không thể là gốm Bình Định. Bởi đúng là gốm Bình Định cũng có men ngọc, và bản thân các hiện vật tìm thấy như bát, dĩa sâu lòng... cũng khá giống về kiểu dáng với gốm Bình Định, nhưng kỹ thuật lại khác. Gốm Bình Định xương gốm làm từ đất sét vàng nhạt hay xanh trắng, độ dày mỏng, kiểu dáng cân đối; trong khi các hiện vật tìm thấy lại khá dày, hơi thô. Gốm Tống gần như không có chân đế hoặc chân đế thấp trong khi gốm Gò Sành chân đế tách rõ ràng so với phần thân. Ngoài ra, một điểm quan trọng khác là con tàu này có chở theo tiền mà những đồng tiền chúng tôi tìm thấy qua khảo sát có niên hiệu đời Tống là chủ yếu.

* Vậy theo ông, sắp tới chúng ta cần phải làm gì để "đánh thức" kho báu (nếu có) dưới đáy biển này?

- Trước hết, phải có khảo sát rộng để có thể xác định chính xác có tàu đắm hay không, ở vị trí nào. Bởi một số hiện vật tuy có thể tìm thấy tại vị trí đó, nhưng do hải lưu, có thể xác tàu đã dạt đi nơi khác. Từ đó, mới lập dự án trục vớt tàu (nếu có), gửi hồ sơ ra Bộ Văn hóa - Thông tin thẩm định, phê duyệt. Trình tự tiến hành các thủ tục này tuân thủ đúng các quy định của Luật Di sản Văn hóa và Nghị định 86 năm 2005 của Chính phủ Về quản lý và bảo vệ di sản văn hóa dưới nước. Điều quan trọng và cấp thiết nhất hiện nay là phải có kế hoạch bảo vệ con tàu và các hiện vật bên trong.

* Xin cảm ơn ông!

  • Lê Viết Thọ (thực hiện)

5 cuộc khai quật tàu cổ ở nước ta thời gian qua

1. Tàu cổ Hòn Cau (Vũng Tàu): 1662-1722

Tàu rộng 9m, dài 32,71m. Khai quật 1990-1991, thu được hơn 60.000 hiện vật, đa phần là gốm sứ có nguồn gốc chủ yếu từ các lò Cảnh Đức (tỉnh Giang Tây), Đức Hóa (tỉnh Phúc Kiến - Trung Quốc). Có nhiều khả năng con tàu mang hàng hóa sang châu Âu, nhưng không may bị đắm ở vùng biển Việt Nam.

2. Tàu cổ Hòn Dầm (Kiên Giang): thế kỷ XV

Khai quật cùng thời gian với tàu cổ Hòn Cau, tìm thấy 10.000 hiện vật, chủ yếu là đồ gốm, sứ của Thái Lan có niên đại thế kỷ XV.

3. Tàu cổ Cà Mau: 1723-1735

Dài 24m, rộng 8m, khai quật năm 1998-1999, thu được hơn 60.000 hiện vật là đồ gốm sứ Trung Quốc thế kỷ thứ XVIII; trong đó, có nhiều loại bình đựng sữa, cốc uống bia có quai... với phong cảnh nhà cửa châu Âu, chứng tỏ hàng hóa trong tàu được sản xuất theo đơn đặt hàng của châu Âu.

4. Tàu cổ Bình Thuận: 1573-1626

Khai quật vào năm 2001-2002. Tàu dài 23,4m, rộng 7,2m. Hiện vật thu được là đồ gốm, sứ nhiều chủng loại gồm đồ sứ men trắng, men trắng vẽ nhiều màu, hoa lam, hoa lam kết hợp với nhiều màu và đồ gốm men nâu đen, xanh lục. Đa phần được sản xuất ở vùng Dương Châu, tỉnh Phúc Kiến và Sơn Đầu, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc).

5. Tàu cổ Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam): thế kỷ XV

Khai quật từ năm 1997-2000, với sự tham gia của nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước theo phương thức đầu tư 100% vốn nước ngoài (khoảng 6 triệu USD). Quyền lợi Việt Nam được hưởng là tất cả hiện vật độc bản và 30% tổng số hiện vật còn lại. Thu được 240.000 hiện vật, không kể số đồ gốm sứ đã bị vỡ. Hàng hóa chủ yếu là gốm Chu Đậu, Hải Dương vào khoảng thế kỷ thứ XV.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hoàng Phủ Ngọc Tường và nghiệp dĩ không tuổi  (18/07/2006)
Lý lẽ của con tim  (17/07/2006)
Nghĩ từ Con cưng  (13/07/2006)
"Lãn Ông" và tấm lòng đối với Việt Nam của một nhà văn Pháp  (13/07/2006)
Có những chiều…  (13/07/2006)
Phù Mỹ: Phát hiện một số cổ vật thuộc vụng biển Mỹ Đức  (13/07/2006)
Thêm một công trình văn hóa hiện đại cho thành phố Quy Nhơn  (13/07/2006)
Liên thành quyết - khúc bi ca tình yêu  (12/07/2006)
Khởi công xây dựng Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh   (11/07/2006)
Nhà hát Tuồng Đào Tấn: Dựng 1 vở mới và phục hồi 2 vở   (11/07/2006)
Bảo tồn vở tuồng cổ Hộ Sanh Đàn  (09/07/2006)
Phô diễn những nét đặc sắc của văn hóa miền biển  (07/07/2006)
Sự sống hát lời lửa nước (*)  (07/07/2006)
Những bữa cơm đồng  (07/07/2006)
Tháng không có ngày 31  (05/07/2006)