Thực hư việc Lê Duy Khanh "đạo tranh" ?
8:50', 20/7/ 2006 (GMT+7)

Gần đây, dư luận xầm xì về chuyện họa sĩ Lê Duy Khanh (công tác tại Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh) bị một họa sĩ ở TP Hồ Chí Minh tố cáo "đạo tranh". Vậy thực hư của sự việc thế nào ?

 

                     Tác phẩm "Cõi về" của Lê Duy Khanh.

 

* Lê Duy Khanh có "đạo tranh" ?

Trước đây, họa sĩ Lê Duy Khanh, có một bạn nghề là họa sĩ Nguyễn Thanh Sơn ở TP Hồ Chí Minh. Ở xa, họ vẫn thường xuyên tặng nhau các tác phẩm mới của mình ghi vào đĩa CD. Trong số những đĩa CD Nguyễn Thanh Sơn tặng cho Lê Duy Khanh có 2 đĩa CD, một được tặng vào năm 2004 và một được tặng vào năm 2005, có ghi hai bức tranh Đường lên trờiHồn gỗ có cùng chủ đề Tây Nguyên.

Sẽ chẳng có gì để nói nếu bức tranh Cõi về của Lê Duy Khanh không được dự treo trong Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc năm 2005 tại Hà Nội. Sau triển lãm, Nguyễn Thanh Sơn tung tin bức tranh Cõi về là "bản cóp" hai bức tranh Đường lên trờiHồn gỗ đã tặng Lê Duy Khanh. Ngày 27-12-2005, Nguyễn Thanh Sơn trực tiếp gọi điện báo với lãnh đạo Hội Văn học - Nghệ thuật (VHNT) tỉnh về hành vi "đạo tranh" này. Tiếp đến, Nguyễn Thanh Sơn gởi ra Hội VHNT tỉnh 2 bức tranh bị sao chép của mình.

Để làm sáng tỏ vấn đề, Lê Duy Khanh đề nghị Hội VHNT tỉnh tổ chức cuộc họp bất thường với sự tham dự của 11 họa sĩ hội viên Chi hội Mỹ thuật Bình Định. Sau khi phân tích kỹ từng họa tiết hai bức tranh của Nguyễn Thanh Sơn cùng bức Cõi về của Lê Duy Khanh, các họa sĩ đều thống nhất cho rằng: việc Nguyễn Thanh Sơn khẳng định Lê Duy Khanh đã "cóp" từ hai bức tranh Đường lên trời Hồn gỗ để làm bức Cõi về là vu cáo. Do sử dụng cùng một nguồn tư liệu (minh họa trang 15, sách Tượng gỗ Tây Nguyên, NXB Kim Đồng, 2001) nên các bức tranh này không tránh khỏi có những chi tiết giống nhau. Nhưng xét bố cục và chủ đề tư tưởng thì bức Cõi về là cảm xúc rất riêng của Lê Duy Khanh, chẳng dính dáng đến hai bức tranh kia của Nguyễn Thanh Sơn.

Trao đổi với chúng tôi, họa sĩ Phan Thị Lan Hương (Chi hội phó Chi hội Mỹ thuật, Hội VHNT tỉnh) khẳng định: "Hai họa sĩ cùng theo đuổi một đề tài, lại cùng sử dụng một nguồn tư liệu và thể hiện cùng một phong cách nên có những nét na ná nhau là chuyện bình thường. Vấn đề đặt ra ở đây là ý tưởng của các bức tranh khác nhau hoàn toàn, nên nói có việc sao chép là không đúng". Họa sĩ Lê Duy Khanh thì bức xúc: "Tôi vẽ bức tranh Cõi về vào giữa năm 2003, đến tháng 9-2003 tôi mang nó dự Triển lãm Mỹ thuật miền Trung - Tây Nguyên tại Khánh Hòa. Trong khi hai bức tranh của anh Sơn trong đĩa CD thì mãi đến năm 2004 và 2005 anh mới tặng tôi, thì làm sao tôi cóp tranh của anh được? Tôi vẽ Cõi về sau cái chết của cha tôi. Sự ra đi vĩnh viễn của người thân yêu nhất đã không ngừng ám ảnh tôi và cho tôi ý tưởng sáng tác bức tranh này".

* Sự việc đã được khẳng định

Sự thể là vậy, nhưng xảy ra đúng vào thời điểm "lùm xùm" nhất của giới mỹ thuật Việt Nam với hàng loạt vụ sao chép tranh nên Lê Duy Khanh không muốn làm lớn chuyện. Sau một cuộc trao đổi thẳng thắn giữa hai họa sĩ bằng điện thoại vào ngày 8-1-2006, cứ ngỡ sự việc sẽ dừng lại ở đó. Không ngờ đến ngày 18-1, trong bài viết Lan tràn nạn đạo tranh đăng trên báo Thanh Niên, Nguyễn Thanh Sơn lại khẳng định với tác giả bài báo này, rằng bức Đường lên trời Hồn gỗ của anh đã bị một đồng nghiệp miền Trung "mượn tạm" ý tưởng để vẽ thành tranh tham dự triển lãm toàn quốc. Nguyễn Thanh Sơn không nói "danh tánh" của "vị đồng nghiệp ở miền Trung", nhưng bài báo có in bức tranh Cõi về và hai bức tranh Đường lên trờiHồn gỗ để minh họa, nên ai cũng hiểu "vị đồng nghiệp" kia chính là Lê Duy Khanh.

Trước sự lăng nhục công khai kia, Lê Duy Khanh đã làm đơn kiến nghị Vụ Mỹ thuật và Nhiếp ảnh Việt Nam (Bộ Văn hóa - Thông tin) can thiệp làm rõ. Đây cũng là nguyện vọng của Nguyễn Thanh Sơn. Ngày 23-3-2006, Bộ Văn hóa - Thông tin đã có văn bản trả lời, trong đó khẳng định: "Đây là 2 tác phẩm hội họa của 2 họa sĩ có khai thác chung một đề tài và dựa trên những mô tip trang trí tượng gỗ của nhà mồ Tây Nguyên. Thông qua những tư liệu thực tế và những hình ảnh mang nội dung đó, Vụ Mỹ thuật và Nhiếp ảnh Việt Nam đồng ý với ý kiến ghi trong Biên bản họp Chi hội Mỹ thuật - Hội Văn học - Nghệ thuật Bình Định. Vụ Mỹ thuật và Nhiếp ảnh Việt Nam khẳng định: Tác phẩm Cõi về của tác giả Lê Duy Khanh không sao chép tác phẩm Đường lên trời của tác giả Nguyễn Thanh Sơn".

Chuyện đã "hai năm rõ mười", cơ quan quản lý nhà nước về mỹ thuật cấp Trung ương đã "làm rõ sự việc". Vậy nhưng, thông tin vu cáo kia thì đến tay hàng vạn bạn đọc, còn văn bản kết luận thì chỉ đến tay hai tác giả và một số các cơ quan chức năng, nên nỗi oan ức vẫn còn lẩn quất trong lòng một họa sĩ.

  • Vũ Đình Thung
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Khai mạc Trại tập huấn sáng tác tranh cổ động tuyên truyền  (20/07/2006)
"Nếu phát hiện thấy tàu đắm thì cũng là chuyện bình thường"  (18/07/2006)
Hoàng Phủ Ngọc Tường và nghiệp dĩ không tuổi  (18/07/2006)
Lý lẽ của con tim  (17/07/2006)
Nghĩ từ Con cưng  (13/07/2006)
"Lãn Ông" và tấm lòng đối với Việt Nam của một nhà văn Pháp  (13/07/2006)
Có những chiều…  (13/07/2006)
Phù Mỹ: Phát hiện một số cổ vật thuộc vụng biển Mỹ Đức  (13/07/2006)
Thêm một công trình văn hóa hiện đại cho thành phố Quy Nhơn  (13/07/2006)
Liên thành quyết - khúc bi ca tình yêu  (12/07/2006)
Khởi công xây dựng Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh   (11/07/2006)
Nhà hát Tuồng Đào Tấn: Dựng 1 vở mới và phục hồi 2 vở   (11/07/2006)
Bảo tồn vở tuồng cổ Hộ Sanh Đàn  (09/07/2006)
Phô diễn những nét đặc sắc của văn hóa miền biển  (07/07/2006)
Sự sống hát lời lửa nước (*)  (07/07/2006)