Xin đừng phạm đến chốn "linh sơn"
10:17', 21/7/ 2006 (GMT+7)

Núi Mò O không chỉ là một danh sơn mà trong tâm thức người Bình Định, còn là ngọn "linh sơn". Vậy nhưng, mới đây, lại có tin một Công ty TNHH đang làm thủ tục để khảo sát ngọn núi này nhằm tiến tới lập dự án khai thác làm... đá xay xây dựng...

 

        Núi Mò O nhìn từ thôn Nhơn Thuận (xã Nhơn Thành).

 

* Bình phong của kinh đô xưa

Đi trên những con đường quanh vùng đất Kinh xưa, ta sẽ thấu nhập được vị trí quan trọng của núi Mò O. Đi dọc quốc lộ 1, từ Phù Cát xuống An Nhơn hay trên tuyến đường từ bến Xe ngựa (thị trấn Đập Đá) xuống Nhơn Hạnh... ta đều có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của núi từ xa. Còn khi đứng trên ngọn Mò O nhìn xuống, ta sẽ ghi trong tầm mắt, một dòng sông Kôn, một tháp Cánh Tiên với thành Đồ Bàn và cả quần thể tháp Bánh Ít. Theo GS Trần Quốc Vượng, tên Chàm của ngọn núi này là Maha, đây là ngọn núi chúa của Bình Định.

Bởi vậy, các nhà nghiên cứu Champa học gần như nhất trí cho rằng, núi Mò O là một trong những ngọn "núi thiêng" tượng trưng cho vị đại sơn thần Siva, giữ vai trò quan trọng trong việc chọn địa điểm để xây dựng kinh đô Vijaya cổ xưa. Núi Mò O ở Bình Định, cũng có vai trò như Hòn Đền Núi Chúa ở Mỹ Sơn, núi Đá Bia ở Phú Yên, núi Đại An của Khánh Hòa... là một trong 5 yếu tố để thiết lập nên một tiểu vương quốc. Và núi Mò O cũng đâu chỉ làm bình phong cho hai kinh đô cổ xưa, mà còn được chùa Thập Tháp lấy làm tiền án.

* Chuyện xưa không dứt

Tạm gác những câu chuyện trong sách vở, tôi đã đến để chiêm ngưỡng ngọn núi thiêng từ nhiều phía khác nhau. Giữa sông núi An Nhơn, Mò O hiện ra sừng sững, an nhiên. Đứng trên bờ ruộng thôn Lý Tây, xã Nhơn Thành, tôi được cụ Trần Sương Ba (65 tuổi), kể cho nghe về chiếc giếng tiên, về bàn cờ tiên mà ngày nhỏ, cụ Ba từng thấy khi trèo lên đỉnh núi. Gọi là giếng, thật ra là một lỗ tròn, rộng chừng hai thước, sâu trên một thước, đáy là cát. Lại có tảng đá phẳng như một bàn cờ. Dân gian vẫn kể những câu chuyện quanh ngọn núi này: trâu vàng, trâu đồng đen đi ăn đêm; chuyện hòn đá trên đỉnh núi hứng gió bấc nghìn năm để hóa kim cương... Vậy nhưng, thời chiến tranh, giặc đóng quân trên đỉnh núi, giếng bị lấp, bàn cờ san phẳng, nay tất thảy hãy chỉ còn là một bình địa.

 

                 Núi Mò O sẽ bị khai thác làm đá xây dựng.

 

* Xẻ "núi thiêng" làm... đá xay ?

Vậy mà nay lại có tin, người ta đang chuẩn bị khảo sát đánh giá chất lượng và trữ lượng đá ở núi Mò O để làm hồ sơ xin khai thác. Ông Hà Thanh Tùng - Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Thành, cho biết: "Theo giấy mời của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, ngày 3-7, UBND xã đã cử người theo đoàn khảo sát địa hình của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại My Xuân khảo sát tại núi Mò O trên phạm vi 50ha tại thôn Nhơn Thuận. Qua thăm dò địa hình cho thấy, khu vực này cách khu dân cư 300m, không thuộc diện phòng hộ. Khu vực khảo sát chỉ có một số gò mả và cây bạc hà. Núi Mò O lại không phải là một di tích lịch sử hay văn hóa đã xếp hạng. Sau khi thăm dò, Công ty đề nghị cho tiến hành khoan thăm dò trữ lượng đá và đã được thống nhất địa điểm đặt khoan thăm dò". Còn theo ông Huỳnh Quang Vinh - Trưởng phòng Tài nguyên Nước và Khoáng sản (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh): "Công ty My Xuân mới tiến hành khảo sát địa hình. Qua khảo sát cho thấy đá ở núi Mò O tương đương với chất lượng đá mà Công ty Công trình Giao thông 504 đang khai thác để làm đá xay, có thể cung ứng tốt cho Khu Kinh tế Nhơn Hội. Tất nhiên, đây mới chỉ là bước khảo sát, còn nếu trữ lượng, chất lượng đá đạt yêu cầu và DN này có ý định khai thác thì chúng tôi sẽ làm việc với Sở Văn hóa - Thông tin. Núi Mò O hiện nay chưa được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa nhưng nếu ngọn núi này thật sự có giá trị lịch sử và văn hóa thì cũng nên được xem xét".

Tất nhiên, đây cũng mới chỉ là những bước khảo sát đầu tiên. Tuy nhiên, một khi trữ lượng và chất lượng đá ở núi Mò O đảm bảo, không lẽ chúng ta lại chấp nhận việc xẻ "núi thiêng" để làm vật liệu xây dựng?

  • Nam Sơn

Ông Văn Trọng Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh: Quan điểm của tôi là không đồng tình

Tôi có nghe Trung tâm Văn hóa - Thông tin huyện An Nhơn báo cáo về vấn đề này. Tuy nhiên, núi Mò O chưa được xếp hạng di tích, nên ngành văn hóa - thông tin khó can thiệp. Tuy nhiên, quan điểm của tôi là không đồng tình với việc khai thác ngọn núi này. Bởi núi Mò O đã đi vào tâm thức, đi vào những câu chuyện kể dân gian, tức là đi vào tâm hồn của người dân địa phương nên chúng ta phải làm hết sức để giữ gìn. Nếu sau này, ngành văn hóa - thông tin được mời tham gia ý kiến về dự án khai thác đá tại núi Mò O thì tôi cũng không đồng ý.

Ông Trần Đình Tâm, Chủ tịch UBND huyện An Nhơn: Dứt khoát không được khai thác đá tại núi Mò O

Quan điểm của tôi là DN nào muốn khảo sát vẫn cho đi khảo sát, nhưng dứt khoát không chấp nhận việc khai thác đá tại núi Mò O. Đây đơn thuần không chỉ là một ngọn núi, mà là vật chứng dấu nhiều sự kiện lịch sử, ẩn chứa nhiều trầm tích văn hóa.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thực hư việc Lê Duy Khanh "đạo tranh" ?  (20/07/2006)
Khai mạc Trại tập huấn sáng tác tranh cổ động tuyên truyền  (20/07/2006)
"Nếu phát hiện thấy tàu đắm thì cũng là chuyện bình thường"  (18/07/2006)
Hoàng Phủ Ngọc Tường và nghiệp dĩ không tuổi  (18/07/2006)
Lý lẽ của con tim  (17/07/2006)
Nghĩ từ Con cưng  (13/07/2006)
"Lãn Ông" và tấm lòng đối với Việt Nam của một nhà văn Pháp  (13/07/2006)
Có những chiều…  (13/07/2006)
Phù Mỹ: Phát hiện một số cổ vật thuộc vụng biển Mỹ Đức  (13/07/2006)
Thêm một công trình văn hóa hiện đại cho thành phố Quy Nhơn  (13/07/2006)
Liên thành quyết - khúc bi ca tình yêu  (12/07/2006)
Khởi công xây dựng Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh   (11/07/2006)
Nhà hát Tuồng Đào Tấn: Dựng 1 vở mới và phục hồi 2 vở   (11/07/2006)
Bảo tồn vở tuồng cổ Hộ Sanh Đàn  (09/07/2006)
Phô diễn những nét đặc sắc của văn hóa miền biển  (07/07/2006)