Chút tình với Quy Nhơn
10:50', 21/7/ 2006 (GMT+7)

 

17 truyện ngắn nhưng chỉ gói bằng 274 trang in chữ lớn khổ 13x19 khiến người ta nghĩ đến chữ “khiêm” của tác giả - Phạm Hổ, một cây cao bóng cả trong làng văn Việt Nam. Có những chuyện khá dài, đầy đủ dẫn – thắt – kết. Nhưng cũng có những chuyện như một cảm nghĩ thoảng qua trong độ 6 – 7 trăm chữ. Dù là ngắn hay dài thì khi gấp tập sách mỏng lại, bỗng dưng người đọc (nhất là những con dân Quy Nhơn) sẽ bâng khuâng - Phải là một người yêu Quy Nhơn mãnh liệt mới có thể nhớ đến từng ấy người, nghĩ đến từng ấy chuyện. Đằm thắm lắm mà vẫn cứ như không. Yêu lắm đấy nhưng vẫn cứ bàng bạc.

Thay cho lời tựa, tác giả viết: “…có lẽ không một ai trong chúng ta dám nói là đã hiểu hết con người. Riêng tôi đã bao lần sửng sốt đến bàng hoàng  trước những con người sao mà tốt, đẹp và cao quý, cũng như trước nhiều kẻ sao mà ác độc và xấu xa… Tìm hiểu và phát hiện về con người cuối cùng không có cái đích nào khác là để yêu thêm con người, tin thêm vào con người…”. Chỉ thế thôi, nhưng suốt trong tập truyện ngắn con người Quy Nhơn - Bình Định của những năm trước cách mạng tháng Tám 1945 và nhất là trong 9 năm kháng chiến chống Pháp bỗng lung linh lạ lùng. Những người tốt đáng yêu và hồn hậu. Nhưng kẻ xấu dù chỉ vạch vài nét vẫn hiển lộ đầy đủ với tất cả sự hiểm ác của chúng. Những số phận đáng thương khiến người ta phải lặng lòng. Mà đó là, theo tôi, tác giả chỉ mới phác họa, ký họa thật nhanh, nhặt nhạnh từ ký ức của mình.

Khi nhìn thấy tập sách ở cửa hiệu, tôi thuận tay cầm lên và đem đến quầy thanh toán với cảm xúc gặp lại người quen cũ. Tôi vẫn chưa quên niềm hạnh phúc ngày xửa ngày xưa, thời của chuyện hoa chuyện quả, thời của mười quả trứng tròn mẹ gà ấp ủ. Tôi lấy tập sách để làm phương tiện trở về thời thơ ấu hoa mộng của mình. Ban đầu chỉ là thế thôi. Nhưng khi lần giở từng trang một, tôi đã đọc một mạch đến hết không hay. Gần như chỉ dừng lại đôi chút ở quãng nghỉ giữa hai chuyện để lắng lòng mình lại. Ôi, Quy Nhơn mà chúng tôi rất ít được nghe kể là đây chứ đâu.

Một anh học trò ở huyện về phố ngơ ngác đến tội. Một cô đào yêu nghiệp cầm ca đến mức chịu yêu và làm lẽ một người có vợ vì người ta yêu và hiểu được tiếng hát của mình. Nhưng cũng dám gạt lòng gởi con lại nhà chồng để quay lại với nghiệp. Một anh nông dân thiệt thà chất phác chỉ dám mơ một hạnh phúc đơn sơ dưới mái tranh lam lũ khi biết người mình thương bội bạc, nỗi đau đớn đến tột cùng khiến anh ta chọn một cái chết bạo liệt – từ trên cầu đâm đầu thẳng xuống sông sâu… Cái chất đắm đuối yêu thương, cái nết đằm thắm mặn mà, cái khí chất trượng phu dữ dội của người Quy Nhơn - Bình Định vốn bình thường như hơi thở từng giây, như thoáng qua nhưng trong những quãng nghỉ lại khiến người đọc bàng hoàng như một phát hiện mới bởi những nhát khắc họa chính xác.

Người viết không có ý tôn những truyện ngắn trong Người vợ lẽ là những thiên truyện xuất sắc, là kiệt tác. Mà tác giả cũng không có ý định làm một điều gì đó ghê gớm bằng những truyện ngắn của mình. Toàn bộ 17 truyện ngắn đều được dẫn bằng ngôi thứ nhất – tôi, cái tôi trọn vẹn, dung dị và rất riêng tư của người viết. Nhưng bất giác càng đọc ta lại càng thấy ra, càng tin rằng - đó là Quy Nhơn, là Bình Định.

Bạn sẽ thất vọng nếu định tìm ở Người vợ lẽ nghệ thuật kể chuyện nào đó khác lạ, mới mẻ. Không có nó ở đây. Trong sách gần như chỉ là những dòng tự sự đơn giản, giọng kể chuyện thủ thỉ hết sức quen thuộc. Cũng không có những cấu tứ, hình ảnh nào đó có giá trị như một phát kiến. Đó có lẽ đơn giản chỉ là một chút tình với quê hương. Nhưng xin tâm sự với bạn là những tác phẩm đem đến cho người xứ nẫu cái cảm giác đang đọc về mình như Người vợ lẽ không nhiều (cũng có khi ấy là do sự cực đoan của người yêu quê xứ mình nhiều quá cũng nên).

Vì thế, khi giới thiệu tập sách này tôi không làm cái việc trích văn dẫn truyện ra ở đây. Cũng không bóc tách mảng miếng. Tôi ngại cái lẽ thường ấy sẽ khiến bạn mất đi cái hứng khởi cảm nhận khi đọc sách. Đã đến lúc tôi phải nhường cho bạn làm cái việc tự mình đối chứng những gì vừa đọc rồi đấy.

  • Kiều Phong

* Đọc tập truyện ngắn Người vợ lẽ của Phạm Hổ, Nhà xuất bản Hội Nhà văn - xuất bản 2006.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Xin đừng phạm đến chốn "linh sơn"  (21/07/2006)
Thực hư việc Lê Duy Khanh "đạo tranh" ?  (20/07/2006)
Khai mạc Trại tập huấn sáng tác tranh cổ động tuyên truyền  (20/07/2006)
"Nếu phát hiện thấy tàu đắm thì cũng là chuyện bình thường"  (18/07/2006)
Hoàng Phủ Ngọc Tường và nghiệp dĩ không tuổi  (18/07/2006)
Lý lẽ của con tim  (17/07/2006)
Nghĩ từ Con cưng  (13/07/2006)
"Lãn Ông" và tấm lòng đối với Việt Nam của một nhà văn Pháp  (13/07/2006)
Có những chiều…  (13/07/2006)
Phù Mỹ: Phát hiện một số cổ vật thuộc vụng biển Mỹ Đức  (13/07/2006)
Thêm một công trình văn hóa hiện đại cho thành phố Quy Nhơn  (13/07/2006)
Liên thành quyết - khúc bi ca tình yêu  (12/07/2006)
Khởi công xây dựng Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh   (11/07/2006)
Nhà hát Tuồng Đào Tấn: Dựng 1 vở mới và phục hồi 2 vở   (11/07/2006)
Bảo tồn vở tuồng cổ Hộ Sanh Đàn  (09/07/2006)