Ở huyện Hoài Nhơn hiện có 5 đội bá trạo đang hoạt động rải rác ở các thôn: Tân Thành 2 và Thiện Chánh 1 (xã Tam Quan Bắc), Ca Công Nam (xã Hoài Hương), Kim Giao Nam (xã Hoài Hải) và Lộ Diêu (xã Hoài Mỹ). Không chỉ phục vụ cho lễ cầu ngư hàng năm, các đội bá trạo còn góp phần gìn giữ một nét đẹp văn hóa truyền thống vùng biển.
|
Đội bá trạo thôn Kim Giao Nam đang biểu diễn trong lễ cầu ngư. Ảnh: T.X
|
* Theo dòng thời gian
Đội bá trạo thôn Tân Thành 2 hiện là một trong những đội bá trạo phát triển mạnh và có chất lượng hàng đầu của huyện Hoài Nhơn. Ông Nguyễn Văn Hộ (năm nay 77 tuổi, thôn Tân Thành 2) cho biết: “Tui cũng không thể nhớ chính xác đội bá trạo đầu tiên của thôn ra đời tự hồi nào. Chỉ biết rằng năm 11 tuổi, lần đầu xin gia nhập đội, thì đội đã phát triển rất mạnh. Thậm chí, năm 1954, đội còn được mời đi hát cho các cán bộ cách mạng nghe tại Phù Cát...”. Sau một thời gian phát triển cực thịnh, đội bá trạo thôn Tân Thành 2 ngày càng suy yếu dần và đi đến mất hẳn. Nhưng rồi nhờ vào tâm huyết của một số người và sự giúp đỡ của ngư dân, đội được tái lập từ 3 năm trở lại đây. Hiện đội có 18 thành viên, ngoài 5 thành viên chủ chốt là những người đã cao niên, thường xuyên tham gia các hoạt động của đội, các thành viên còn lại trong đội được tuyển lựa luân phiên từ những học sinh cấp II và thanh niên trong thôn.
Còn đội bá trạo thôn Kim Giao Nam lại là đội có bề dày truyền thống nhất của Hoài Nhơn. Ra đời cách đây hơn trăm năm, đội bá trạo thôn Kim Giao Nam đã được duy trì liên tục qua 3 đến 4 thế hệ. Ngay như ông Nguyễn Văn Diệt (65 tuổi), Đội trưởng đội bá trạo thôn Kim Giao Nam hiện nay chính là cháu nội của ông Nguyễn Văn Thìn, đội trưởng đội bá trạo đầu tiên của thôn. Hiện tại, đội có 16 trạo phu và 3 chỉ huy (tổng mũi, tổng khoan, tổng lái). Trong số này, có những người cả 3 đời đều gắn bó với hát bá trạo như ông La Thành Long (tổng mũi). Còn La Ảnh, theo diễn bá trạo từ lớp 5, nay đã được làm chỉ huy bá trạo khi còn là học sinh (hiện Ảnh đang học lớp 12).
* Bá trạo “dân nuôi”
Được ngư dân yêu mến, các đội bá trạo ở Hoài Nhơn được người dân góp tiền lo kinh phí sắm sửa quần áo, dụng cụ biểu diễn, bồi dưỡng tập luyện... Không góp tiền thì bà con lại có giúp cách khác. Những anh em tham gia đội, vì tập luyện mà không đi bạn được thì nhiều khi vẫn được chia tiền. Nhờ vậy, mọi người đều cố gắng.
Chèo bá trạo là một nét sinh hoạt gắn với tục thờ cúng cá ông, được trình diễn trong các lễ hội của cư dân vùng biển. Theo các nhà nghiên cứu, bá là trăm, trạo là chèo, và từ “bá trạo” dùng để chỉ tất cả những người bạn chèo (cũng có người cho rằng phải viết là “bả trạo”, với nghĩa: bả là nắm chắc). |
Tập luyện vất vả, thù lao ít ỏi, chỉ những khi biểu diễn xa mới nhận được thù lao 100.000 đồng/người, nhưng hầu hết các bạn trẻ khi được gọi tham gia đội đều rất hăng hái. Có lẽ, bởi họ đã ý thức được rằng: đến với bá trạo là tìm về với một nét tâm linh của ngư dân miền biển. Khi tham gia đội, các trạo phu trẻ sẽ được các nghệ nhân lớn tuổi truyền dạy lại kỹ thuật hát và múa bá trạo. Chẳng hạn, ở thôn Tân Thành 2 là các nghệ nhân như ông Chuyển, ông Kháng, ông Thắng, ông Mây... Ông Nguyễn Huy Thọ, một thành viên của đội, tâm sự: “Nhờ vào sự chỉ bảo tận tình của các nghệ nhân, cộng với sự nhanh nhẹn trong tiếp thu của lớp trẻ, nên tuy các thành viên có thay đổi, nhưng đội vẫn giữ được chất lượng đồng đều. Do vậy, đội chúng tôi được nhân dân địa phương yêu thích...”. Mỗi năm, các đội ngoài vài lần biểu diễn tại địa phương trong các dịp lễ cầu ngư, còn thì thường xuyên được mời đi biểu diễn xa như ở Quy Nhơn, Khánh Hòa, Quảng Ngãi...
Ông Diệt tâm sự: “Chúng tôi cố gắng duy trì đội cũng vì nặng lòng với việc giữ gìn văn hóa truyền thống. Cái khó nhất với đội hiện nay là tìm kiếm trạo phu. Do ngư dân thường xuyên đi biển vắng nhà, nên chúng tôi chủ yếu phải chọn trạo phu từ học sinh các cấp trên địa bàn. Gặp lúc học sinh nghỉ hè thì còn dễ, chứ ở đang giữa năm học mà được mời đi diễn thì quá khó”.
* Hãy giữ gìn vốn cổ
Để tham gia biểu diễn trong đêm khai mạc Lễ hội Văn hóa - Thể thao Miền biển lần thứ VII, đội bá trạo thôn Tân Thành 2 đã đầu tư về trang phục, âm nhạc nên phần biểu diễn của đội nhận được nhiều khen ngợi từ người xem. Điều này cho thấy nếu được quan tâm hơn về trang phục, âm nhạc, các đội bá trạo sẽ được nâng cao chất lượng hơn. Nhưng với quy mô “dân nuôi” như hiện nay, các đội bá trạo khó lòng mà làm được điều này.
Một vấn đề nữa đặt ra đối với các đội bá trạo hiện nay chính là việc cách tân, đổi lời hát bá trạo để phù hợp hơn với cuộc sống hiện đại. Xét cho vùng, điều này là cần thiết, nhưng cần có chừng mực, tránh việc chạy theo cách tân mà đánh mất vốn cổ của bá trạo. Một số đội bá trạo hiện có xu hướng từ bỏ dần lời hát truyền thống, thay vào đó là những lời hát mang nội dung mới như tuyên truyền xóa đói giảm nghèo, xây dựng gia đình văn hóa... nếu vậy còn gì là giá trị “tâm linh” của bá trạo?. “Cần một cuộc nghiên cứu hay hội thảo về những nét đặc sắc văn hóa truyền thống của bá trạo. Từ đó, đưa ra giải pháp cụ thể để giữ gìn các làn điệu bá trạo cổ, vốn đang có nguy cơ biến mất trước xu hướng hát lời cách tân như hiện nay...” - ông Mai Ngọc Thanh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Hoài Nhơn, nói.
|