Vì sao Bình Định chưa có phê bình văn nghệ ?
13:56', 25/7/ 2006 (GMT+7)

Nếu các nghệ sĩ là những nhà sáng tạo thì người làm phê bình là nhận thức hành động sáng tạo. Quá trình nhận thức này bao hàm nghĩa đồng cảm và phát hiện, bằng lý trí, tình cảm, trực giác, tưởng tượng... của một "mỹ học đang vận động". Và do vậy, nhà phê bình còn mở rộng biên độ thẩm mỹ một tác phẩm. Họ đồng thời vừa có sự chuẩn xác tư duy một nhà khoa học, lại đầy nhạy cảm để có thể đồng sáng tạo trên cùng một văn bản. Điều quan trọng hơn, nhà phê bình phải biết nhận ra tính đặc thù của đối tượng và nâng lên tầm lý tính: nhận thức các hiện tượng bằng quy luật, khái niệm.

Mối quan hệ tương liên giữa sáng tạo và nhận thức hành động sáng tạo nêu trên đã bật ra câu trả lời thứ nhất: không thể có phê bình lớn nếu không có tác phẩm lớn. Những tác giả đang sống và sáng tác ở Bình Định hiện nay nhìn chung chưa có tác phẩm thật xứng tầm với một nền văn nghệ lớn.

Nhưng câu hỏi đặt ra là phê bình văn nghệ nói chung. Vậy xin chỉ ra lý do thứ hai: nhận thức và bản lĩnh của người viết phê bình. Đội ngũ những người từng mon men tới lĩnh vực này không ít: Trương Tham, Nguyễn Văn Chương, Trần Xuân Toàn, Lê Nhật Ký, Lê Hoài Lương, Trần Hà Nam... nhưng căn bản vẫn chưa làm nên diện mạo phê bình. Phần đông những người này đều dựa vào lối phê bình ấn tượng từng nổi danh với Hoài Thanh. Cứ tìm vài chữ hay, câu hay rồi tán. Lối tán đường mòn này rất dễ dẫn tới hai khả năng: hoặc tô hồng hoặc phỉ báng. Sau một hồi khen, thể nào cũng có một chút "tuy nhiên" cho khách quan. Mòn cũ và sáo rỗng. Và chỉ dừng lại ở mức này chứ chưa bao giờ vươn tới tầm định danh của một phong cách có tính đặc thù và cũng đừng mơ tới những đúc kết có tính quy luật về bản chất của quá trình sáng tạo. Lối phê bình rất cũ này không thể theo kịp tốc độ phát triển của văn nghệ đầy tính hiện đại hiện nay.

Cũng phải thông cảm cho những người này khi thực chất trên phạm vi quốc gia, hệ thống lý luận về sáng tác và phê bình còn lấn cấn chưa thông. Chuyện bản lĩnh cũng rất đáng bàn. Bản chất của phê bình, như đã nói ở trên, không chỉ mang nghĩa khen, chê; nhưng phần đông lại quy về hai hành động này nên họ có chút rụt rè: chê thì sợ mất lòng. Thực tế, cũng đã có vài phản ứng quyết liệt kiểu: "Sách tôi in mà bán không chạy, tôi ném vào nhà ông đấy!", hoặc đi nói chuyện tác phong, đời tư của người viết. Bản lĩnh người viết phê bình nếu có, trước hết phải dựa vào kiến văn của chính họ, nên cũng dễ giải thích sự rụt rè, sợ mất lòng này. Thêm vào đó, lối phê bình "làm quà", nghĩa là thực lòng anh thấy tập sách ấy dở, nhưng cả nể, cứ tán phứa đôi điều. Buồn thay !

Lý do thứ ba: diễn đàn phê bình văn nghệ. Xin được nói thẳng, diễn đàn chính là tạp chí Văn nghệ Bình Định cơ bản chưa có phê bình. Tôi tôn trọng chủ trương của Ban Biên tập tạp chí này vì hẳn họ có chủ kiến, nhưng họ cũng không thể chối bỏ trách nhiệm về nền phê bình văn nghệ yếu kém hiện nay của tỉnh Bình Định. Hãy nhìn ra chung quanh, tạp chí Đất Quảng (Quảng Nam), Sông Hương (Thừa Thiên Huế), thậm chí các tạp chí văn nghệ Phú Yên, Khánh Hòa... mới thấy họ vươn lên thế nào.

Sẽ còn nhiều lý do nữa dành cho bạn, những người thực sự quan tâm tới lĩnh vực này. Thật đấy.

  • Lê Hoài Lương
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Giữ gìn một nét văn hóa truyền thống vùng biển  (25/07/2006)
Bình Định có 4 nghệ sĩ đủ điều kiện xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú  (25/07/2006)
Cây tre trăm đốt  (24/07/2006)
Thằng bù nhìn rơm  (23/07/2006)
Phát hiện một cụm tháp Chăm mang phong cách Bình Định  (21/07/2006)
Chút tình với Quy Nhơn  (21/07/2006)
Xin đừng phạm đến chốn "linh sơn"  (21/07/2006)
Thực hư việc Lê Duy Khanh "đạo tranh" ?  (20/07/2006)
Khai mạc Trại tập huấn sáng tác tranh cổ động tuyên truyền  (20/07/2006)
"Nếu phát hiện thấy tàu đắm thì cũng là chuyện bình thường"  (18/07/2006)
Hoàng Phủ Ngọc Tường và nghiệp dĩ không tuổi  (18/07/2006)
Lý lẽ của con tim  (17/07/2006)
Nghĩ từ Con cưng  (13/07/2006)
"Lãn Ông" và tấm lòng đối với Việt Nam của một nhà văn Pháp  (13/07/2006)
Có những chiều…  (13/07/2006)