Ban nhạc Flamengo và một chuyến "về quê"
9:49', 27/7/ 2006 (GMT+7)

Tại Hội chợ Hàng Việt Nam Chất lượng cao tổ chức tại Bình Định vừa qua, có một điểm thu hút được sự chú ý của nhiều người, đó là sân khấu nghệ thuật Bình Định, nơi diễn ra các chương trình biểu diễn của Ban nhạc Flamengo đến từ TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, ít ai biết rằng người đưa ra ý tưởng thành lập ban nhạc này và hiện là trưởng ban nhạc chính là một người quê Bình Định.

 

Ban nhạc Flamengo đang biểu diễn tại Hội chợ HVNCLC Bình Định -2006. Ảnh: H.T

 

Xuất phát từ ý tưởng ban đầu của nhạc sĩ Trần Mùi (Công ty Hàng Việt) muốn có một ban nhạc biểu diễn trong các Hội chợ Hàng Việt Nam Chất lượng cao, từ năm 2004, nhạc sĩ Lê Sơn (một người gốc Bình Định) đã tập hợp những người cùng sở thích, lập nên ban nhạc Flamengo. 5 thành viên của ban nhạc đều được đào tạo nhạc công nhạc cổ điển (thời gian học kéo dài đến 15 năm) tại Nhạc viện TP Hồ Chí Minh. Điểm đặc trưng của ban nhạc là chơi theo phong cách mộc, tức biểu diễn các nhạc cụ không có sự hỗ trợ của điện tử. Do được đào tạo bài bản, nên mỗi thành viên trong ban nhạc có thể sử dụng thành thạo nhiều nhạc cụ khác nhau. Như Lê Sơn (trưởng ban nhạc) sở trường là biểu diễn piano và accordion; Huy Đạt biểu diễn kèn gỗ và saxophone; Xuân Hiếu biểu diễn guitar và trupet, Thái Minh biểu diễn acmonica và violon.

Nhạc sĩ Lê Sơn cho biết: "Chúng tôi thành lập ban nhạc trước hết là để tạo cho mình cơ hội biểu diễn nhạc cụ phục vụ công chúng. Ban nhạc thường chơi các bản nhạc nổi tiếng của Tây Ban Nha, Châu Mỹ La tinh, nhạc du mục… và được mời biểu diễn tại các Hội chợ Hàng Việt Nam Chất lượng cao ở nhiều tỉnh, thành trong nước. Mỗi lần đi diễn như thế, các thành viên đều cảm thấy rất phấn khởi vì đã góp phần đưa âm nhạc đến với công chúng…". Đặc biệt, ban nhạc thường biểu diễn phục vụ tại tiền sảnh Bưu điện thành phố Hồ Chí Minh. Đến thời điểm này, đây là ban nhạc duy nhất ở thành phố Hồ Chí Minh biểu diễn âm nhạc theo kiểu tự do và ngẫu hứng tại nơi công cộng - một kiểu chơi nhạc vốn rất phổ biến ở Châu Âu.

Một nhạc công ban nhạc Flamengo đang biểu diễn. Ảnh: Đăng Huy

Tại Hội chợ Hàng Việt Nam Chất lượng cao tại Bình Định (từ 21 đến 26-7), mặc dù giờ biểu diễn của Ban nhạc chưa hẳn là giờ "vàng" (ban nhạc biểu diễn từ 17 giờ 30 đến 19 giờ 30 mỗi ngày) nhưng vẫn "níu chân" được không ít khách. Ngoài ra, cũng trong thời gian này, Flamengo còn được Khách sạn Sài Gòn - Quy Nhơn mời về biểu diễn. Đây là lần đầu tiên người dân Quy Nhơn được trực tiếp xem phần biểu diễn độc đáo của Flamengo. Các nhạc công của ban nhạc trong trang phục rất nghệ sĩ và phong trần đã dẫn dắt người nghe đến nhiều cảm xúc khác nhau. Từ những âm thanh rộn rã, quyến rũ, tràn đầy rung cảm của các tác phẩm âm nhạc nổi tiếng của nước ngoài như Bambino, Ole’do Tore’do, Le’cho De Marid (Tây Ban Nha), Those were the day (Tình ca du mục), Pokka (dân ca Mĩ)… đến những giai điệu da diết trong nhạc Trịnh Công Sơn. Tất cả như hòa quyện với nhau đem đến cho ta một cảm giác vừa xa vừa gần, vừa háo hức mới lạ, vừa gần gũi thân thuộc…

"Tôi đã xa quê hai mươi mấy năm. Đây là lần đầu tiên tôi về quê và được biểu diễn phục vụ bà con, tôi rất xúc động. Do vậy, khi biểu diễn, tôi luôn cảm thấy hứng khởi và bay bổng… Thời gian tới, nếu có điều kiện thì ban nhạc Flamengo sẽ còn về Quy Nhơn biểu diễn phục vụ mọi người thường xuyên hơn" - nhạc sĩ Lê Sơn tâm sự.

  • Hoài Thu
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Mật mã Da Vinci - một câu chuyện hấp dẫn  (26/07/2006)
QCATV: Kênh điện ảnh HBO sẽ có phụ đề tiếng Việt  (26/07/2006)
Nghe cha anh chúng ta hát   (26/07/2006)
Vì sao Bình Định chưa có phê bình văn nghệ ?  (25/07/2006)
Giữ gìn một nét văn hóa truyền thống vùng biển  (25/07/2006)
Bình Định có 4 nghệ sĩ đủ điều kiện xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú  (25/07/2006)
Cây tre trăm đốt  (24/07/2006)
Thằng bù nhìn rơm  (23/07/2006)
Phát hiện một cụm tháp Chăm mang phong cách Bình Định  (21/07/2006)
Chút tình với Quy Nhơn  (21/07/2006)
Xin đừng phạm đến chốn "linh sơn"  (21/07/2006)
Thực hư việc Lê Duy Khanh "đạo tranh" ?  (20/07/2006)
Khai mạc Trại tập huấn sáng tác tranh cổ động tuyên truyền  (20/07/2006)
"Nếu phát hiện thấy tàu đắm thì cũng là chuyện bình thường"  (18/07/2006)
Hoàng Phủ Ngọc Tường và nghiệp dĩ không tuổi  (18/07/2006)