Hệ di tích Chăm Bình Định có thể trở thành di sản thế giới? Ý tưởng này không xuất phát từ một ý muốn chủ quan, mà hoàn toàn có cơ sở khoa học. Tuy nhiên, để ý tưởng đó thành hiện thực, thì chúng ta phải quyết tâm và có những bước đi tích cực, ngay từ bây giờ...
|
Tháp Dương Long (Tây Sơn) - ngọn tháp gạch cao nhất Đông Nam Á. Ảnh: Văn Tây
|
* Một di sản hiếm có
Theo thống kê, trên dải đất miền Trung từ Quảng Nam đến Bình Thuận, hiện còn 19 khu đền tháp và 40 khu kiến trúc của người Chăm. Trong đó, chỉ tính riêng tháp thì Bình Định đã có 8 khu tháp trên tổng số 14 tháp. Ngoài ra, còn có 2 tòa thành, 1 thương cảng cổ. Đó là một gia tài văn hóa của quá khứ giao lại cho Bình Định mà hiếm có địa phương nào trên đất nước ta có được.
Trước hết xin đề cập đến kiến trúc. Từ năm 1942, Ph.Stern chia điêu khắc Chăm thành 7 phong cách. Trong đó, ông xếp phong cách kiến trúc Bình Định nằm vào hàng thứ 6, một trong những phong cách lớn kéo dài trên 3 thế kỷ từ thế kỷ 12 đến thế kỷ 14. Hai chục năm sau (1961), bằng chính phương pháp mà Ph.Stern đã áp dụng, trong cuốn Nghệ thuật Champa Bosselier đã chia kiến trúc Chăm thành 9 phong cách, và phong cách Bình Định hay còn gọi là Tháp Mẫm được xếp vào hàng thứ 7. Cách chia ra các phong cách kiến trúc khác nhau là tùy theo cách nhìn của mỗi tác giả, nhưng nói chung, Bình Định đều được đánh giá là một trong những phong cách kiến trúc lớn, không lẫn với bất kỳ loại hình kiến trúc nào trong tổng thể của kiến trúc Chăm.
Các di tích tháp Chăm ở Bình Định gần như còn khá nguyên vẹn. Mỗi khu tháp đều mang dáng riêng, vẻ đẹp riêng, không khu tháp nào giống khu tháp nào. Trong đó, ngọn tháp nằm ở vị trí cao nhất là tháp Hòn Chuông xây ngay trên một hòn đá lớn nằm gần như trên đỉnh núi Bà (huyện Phù Cát), cao 600m so với mực nước biển. Hòn Chuông mới chỉ được phát hiện và công bố vào năm 1997. Trong thống kê các di tích Chăm ở Trung Kỳ của H.Parmentier chưa ghi tên ngọn tháp này. Về kiến trúc, Hòn Chuông cũng không giống loại hình kiến trúc nào hiện biết.
Cũng mang một dáng vẻ riêng, không những về vóc dáng mà cả về độ cao, là tháp Dương Long (huyện Tây Sơn). Quần thể này có tất cả 3 tháp, tháp giữa cao 39m, hai tháp hai bên cao 36m. Đây là ngọn tháp gạch cao nhất Đông Nam Á. Điều khác lạ là trong khi các tháp Chăm khác đều có bình đồ vuông thì Dương Long lại có hình lục giác. Trên đỉnh tháp có gắn búp sen đá có đường kính 5m, cao 3,2m, được xem là tác phẩm điêu khắc lớn nhất Đông Nam Á. Ngoài hình dáng bề thế, chiều cao, Dương Long còn là khu tháp mà vật liệu đá được sử dụng với số lượng nhiều và phong phú nhất.
Ngoài các yếu tố rất riêng của kiến trúc, trên 5 thế kỷ, Bình Định còn là đất kinh kỳ của vương triều Vijaya tồn tại từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 15. Do vậy, Bình Định không chỉ có chuỗi ngọc tháp Chăm lung linh, mà còn ghi dấu những dấu tích đất kinh thành xưa.
* Chưa đánh giá hết những gì mình có
Trước hết, ta có thể khẳng định Bình Định không thua Quảng Nam về chiều sâu lịch sử và bề nổi của di tích. Quảng Nam có Mỹ Sơn thì Bình Định có Vijaya, Quảng Nam có Trà Kiệu thì Bình Định có Chà Bàn, Quảng Nam có Chiêm Động thì Bình Định có Thi Nại. Cái mà chúng ta chưa được như Quảng Nam chính là ở chỗ chúng ta chưa đánh giá hết những gì mình có. Thêm vào đó, nhiều người lại chưa biết nhiều về Bình Định. Đây chính là điểm yếu quan trọng khiến di tích của chúng ta hoành tráng là thế, duyên dáng là thế nhưng lại ít ai biết, trừ giới nghiên cứu.
Hệ thống tháp Chăm Bình Định rất có khả năng sẽ trở thành di sản văn hóa thế giới nhưng động thái đó phải bắt đầu từ Việt Nam chứ không phải từ UNESCO. |
Năm 2005, tại một đợt tập huấn về văn hóa Chăm do UNESCO chủ trì, tỉnh Quảng Nam đăng cai, tôi đã đưa ra câu hỏi: “Liệu hệ thống di tích Chăm Bình Định có thể trở thành di sản thế giới được không?”. Chia sẻ với quan điểm này của tôi, một chuyên gia người Mỹ làm việc cho tổ chức UNESCO tại Hà Nội đã thẳng thắn trả lời: “Hệ thống tháp Chăm Bình Định rất có khả năng sẽ trở thành di sản văn hóa thế giới nhưng động thái đó phải bắt đầu từ Việt Nam chứ không phải từ UNESCO”. Năm 2006, nhận lời mời của UBND tỉnh, ông Chu Shiu Kee - một quan chức cao của tổ chức này, lần đầu tiên đến thăm Bình Định. Chính hệ thống tháp Chăm Bình Định đã khiến ông choáng ngợp, gây cho ông có một ấn tượng mạnh, nhất là khi thực sự đứng dưới chân tháp Dương Long, một khu tháp kỳ vĩ nhất của Bình Định.
* Để hy vọng không chỉ là hy vọng
Hệ di tích Chăm Bình Định sẽ được công nhận là di sản văn hóa nhân loại? Chúng ta có quyền để hy vọng như vậy. Và hy vọng đó có cơ sở trở thành hiện thực nếu chúng ta biết quyết tâm và chuẩn bị kỹ lưỡng với từng bước đi trong hành trình này. Trong đó, điều đầu tiên là chúng ta phải xây dựng một chiến lược quảng bá về văn hóa và xác định di sản văn hóa Chăm như một trong những thế mạnh hàng đầu của Bình Định.
Kinh nghiệm của Quảng Nam - tỉnh có hai di tích được công nhận là di sản văn hóa thế giới, cho thấy: ban đầu, suy nghĩ của người Quảng Nam cũng giống như Bình Định là không đánh giá hết được tầm quan trọng của di sản thế giới là thế nào? Nhưng khi nắm bắt được, họ đã dám hành động và hành động khẩn trương để đạt được mục đích. Một trong những bước đi cần thiết đầu tiên của Quảng Nam là tạo được sự chú ý của giới nghiên cứu quốc tế. Quảng Nam đã mời nhiều chuyên gia trong nhiều lĩnh vực, nhất là lĩnh vực khảo cổ học, cả trong nước đến ngoài nước đến khai quật và hợp tác nghiên cứu tại địa phương của mình; song song với việc tiến hành hội thảo, từ trong nước đến khu vực và dần mở rộng ra phạm vi quốc tế.
|