Ví Đặng Thùy Trâm như một ngọn lửa là hình ảnh không mới, song Nguyễn Quang Vinh lại có cách dẫn dắt của riêng mình để đưa người xem vở kịch viết về người bác sĩ anh hùng này đến những góc khuất mà bản thân cuốn nhật ký cũng chưa kịp nói.
Chọn đúng “Ngày Thương binh-liệt sĩ”-27.7.2006, đoàn kịch của Trường Cao đẳng Sân khấu-Điện ảnh TP HCM hành hương về Đức Phổ, đến những nơi mà bác sĩ Đặng Thùy Trâm từng in dấu chân của mình và đã ngã xuống từ 36 năm trước tại vùng rừng phía tây huyện Đức Phổ tỉnh Quảng Ngãi. Có lẽ đây là lần đầu tiên, một đoàn nghệ thuật sân khấu, trước khi diễn vở, họ lại tiếp cận với nhân vật của mình bằng một cuộc hành trình vừa vất vả nhưng cũng hết sức cảm động và bổ ích như thế.
|
Tác giả Nguyễn Quang Vinh (trái) trao đổi với đạo diễn Huy Thục về vở kịch ngay tại Đức Phổ chiều 27.7. Ảnh: T.Đ
|
NSƯT Hoàng Yến-người thủ vai Đặng Thùy Trâm, ngùi ngùi: “Có lẽ đây là vai diễn sẽ để lại nhiều dấu ấn đối với đời nghệ sĩ của tôi. Có về Đức Phổ, gặp những nhân vật đã từng sống, gắn bó và yêu thương chị Trâm mới cảm nhận hết sự bao la của tình người trong cuộc kháng chiến vừa qua”. Còn đạo diễn Huy Thục thật “có lý” khi anh đưa đoàn vượt gần một ngàn cây số để về vùng quê heo hút này: “Các diễn viên của tôi đa số đều sinh ra sau chiến tranh. Dù đã nghiền ngẫm cuốn nhật ký khá kỹ , song các em không thể nào hình dung hết những gì đã diễn ra trong quá khứ với cha anh mình. Tôi muốn các em thấy tận mắt những con người bằng xương bằng thịt đã từng có mặt trong cuốn nhật ký của Đặng Thùy Trâm, nghe họ kể về những tháng ngày gian khó mà cũng rất hào hùng của người dân nơi này. Tôi cũng muốn các em đặt bước chân trên những lối mòn- nơi có cánh rừng từng in dấu chân của chị Trâm và cũng là nơi chị ngã xuống. Hy vọng rằng sau chuyến đi này, vai diễn của các nghệ sĩ sẽ thật hơn, có chiều sâu hơn”.
Cuộc gặp mặt đầy cảm động của những người từng chia sẻ những gian khổ với chị Thùy Trâm những năm chiến tranh, nghe họ kể về người con gái nhỏ nhắn mà gan dạ ấy đã gây xúc động mạnh cho các nghệ sĩ sân khấu, kể cả kíp làm phim của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Đặng Thùy Trâm chính là ngọn lửa luôn âm ỉ cháy trong lòng mỗi người dân Đưc Phổ hôm nay. Ngọn lửa ấy vừa là biểu tượng của lòng dũng cảm, tính vị tha, sự xả kỷ vì nghĩa lớn trong quá khứ và cũng là khát vọng, là hoài bão, là đau đáu của ngày hôm nay.
Tác giả kịch bản Nguyễn Quang Vinh cũng lặn lội từ Hà Nội “bay” vào Đức Phổ. “Đọc nhật ký và xem kịch của anh, chỗ khác nhau là gì?”. Nguyễn Quang Vinh cho biết: “Chỉ có một nhân vật Phó là tôi thêm mắm muối vào cho có “không khí vui nhộn” còn tất cả đều thật. Nhưng đây không phải là vở kịch minh họa cuốn nhật ký. Ai đọc cuốn nhật ký này cũng đều muốn được nhìn gần hơn chân dung chị Thùy Trâm, tôi mang ước vọng đó của khán giả vào kịch bản của mình. Vùng đất mà chị Thùy Trâm đã sống, chiến đấu và hy sinh cũng như tấm lòng của người dân Đức Phổ dành cho chị sẽ được tái hiện bằng cảm xúc của tôi. Đó là một thử thách không nhỏ. Những gì chị Trâm ghi trong nhật ký vừa gần gũi nhưng đều là những triết lý sống, vì vậy, kịch bản sẽ không có chuyện “hoa hòe hoa sói” , không uốn éo làm dáng cũng không mượn danh chị để “dạy dỗ” những người đang sống hôm nay. Cuốn nhật ký là ngọn lửa, chị Thùy Trâm là ngọn lửa. Tự thân ngọn lửa ấy sẽ biết cách để cháy lên. Đó là điều mà vở kịch của tôi muốn mang đến cho người xem”.
|