Hội thảo (HT) về sáng tác và sử dụng tranh cổ động do Cục Văn hóa - Thông tin (VHTT) Cơ sở (Bộ VHTT) tổ chức tại thành phố Quy Nhơn có sự góp mặt của giới họa sĩ sáng tác về tranh cổ động đến từ 20 tỉnh, thành phố trong cả nước. Hơn 30 tham luận trình bày tại HT đã mở ra nhiều vấn đề đáng suy nghĩ trong thực trạng sáng tác và sử dụng tranh cổ động tuyên truyền hiện nay...
|
Một trong các tranh cổ động của các họa sĩ tham gia lớp tập huấn sáng tác tranh cổ động tổ chức tại Quy Nhơn vừa qua. Ảnh: V.T
|
* Vẽ tranh: bằng máy hay bằng tay?
Gần như một phần ba thời gian HT, các đại biểu chỉ thảo luận xoay quanh chuyện tưởng đã trở nên hiển nhiên: có nên sáng tác tranh cổ động trên máy vi tính hay không. Họa sĩ Nguyễn Chơn Hiền (Sở VHTT Bình Định), người khơi mào cho vấn đề này, thì cho rằng sáng tác tranh cổ động theo phương pháp truyền thống cần được quan tâm hơn và không nên vẽ tranh cổ động bằng máy vi tính. Họa sĩ này lý giải thêm: vẽ trên máy vi tính sẽ khó cho việc nhân bản, nhất là ở vùng núi, hải đảo, nơi điều kiện kinh tế còn khó khăn. Hơn nữa, tranh in trên máy vi tính thời gian tồn tại không dài, chỉ khoảng vài tháng; trong khi tranh cổ động có khi được dùng trong hai, ba năm. Tuy nhiên, ý kiến này gặp phải sự tranh luận khá "say sưa" của các họa sĩ và cả các nhà quản lý. Một họa sĩ đến từ TP. Hồ Chí Minh cho rằng: "Thời nào có công cụ đó. Quan trọng nhất không phải dùng máy hay dùng tay mà vấn đề là vẽ cái gì, như thế nào". Còn về những khó khăn với miền núi, vùng sâu, vùng xa, ông Lê Thế Trí - Giám đốc Trung tâm VHTT tỉnh Bình Định, cho rằng: "Ở Bình Định, Trung tâm VHTT của các huyện, thành phố hiện đều đã có máy vi tính, các họa sĩ cần tiếp cận để vẽ tranh trên máy vi tính. Còn nếu nhân bản khó khăn thì có thể đem mang về thành phố nhân bản".
Có lẽ, việc vẽ tranh bằng máy vi tính nhận được sự đồng cảm của nhiều họa sĩ bởi xét cho cùng, máy móc cũng là phương tiện hỗ trợ và việc chấp nhận nó trở thành tất yếu khó cưỡng lại. Tuy nhiên, việc lạm dụng kỹ thuật đồ họa có thể dẫn tới việc thể hiện trùng lặp, sao chép ngay của bản thân tác giả, hay giữa tác giả này với tác giả khác, vi phạm bản quyền tác giả. Ngoài ra, tranh sáng tác trên máy vi tính, các họa sĩ chỉ chú trọng đến kỹ thuật, kỹ xảo nên sẽ khó thể hiện nếu vẽ trên panô ngoài trời, vẽ bằng sơn trên tôn - chất liệu phổ biến ở các địa phương hiện nay.
* Sử dụng ảnh vào tranh: cần quy chế cụ thể
Một vấn đề đáng quan tâm là sử dụng ảnh trong tranh cổ động. Họa sĩ Ngô Quốc Hùng (Sở VHTT Hòa Bình) cho rằng: "Các họa sĩ thời mới đã lạm dụng thái quá kỹ năng photoshop, xử lý ảnh và tranh tư liệu lắp ghép hổ lốn. Hàng trăm hàng ngàn tranh cổ động của các lần thi, triển lãm mà sao ta cứ bị cảm giác tranh này, tranh kia đã nhìn thấy ở đâu đó rồi. Đấy là vì các họa sĩ máy của chúng ta đã copy tư liệu để chế tác tranh mới của mình". Một tình trạng khác, được họa sĩ Phan Huy (Trung tâm VHTT Điện Biên) đưa ra là: "Khi có cuộc vận động sáng tác tranh cổ động tuyên truyền, họa sĩ chỉ lao vào lục tìm tư liệu ảnh, khi thấy ảnh vừa ý, chỉ việc đánh thêm mấy dòng chữ cho đúng với chủ đề đợt vận động thế là đã có ngay một bức tranh cổ động…".
Hai trường hợp Nụ hôn của gió và Lớp học vùng cao gây dư luận xôn xao gần đây vì các tác giả tranh sao chép lại ảnh của người khác. Do vậy, vấn đề là nhà quản lý cần có quy chế cụ thể đối với việc sử dụng ảnh trong tranh cổ động. Các đại biểu dự HT đều thống nhất rằng cần có quy định: tranh cổ động có sử dụng ảnh của người khác thì phải xin phép và có thỏa thuận bằng văn bản với tác giả ảnh; khi sử dụng tranh cổ động tấm lớn cần ghi rõ tên tác giả tranh, tên tác giả ảnh; phần ảnh trong tranh cổ động không nên quá 30% diện tích tranh…
* Tranh cổ động đang bị "cạnh tranh" bởi panô quảng cáo
Có một thực tế ai cũng nhận thấy, nhất là ở các thành phố lớn, tranh cổ động tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị đang đứng trước sức ép "cạnh tranh" của các panô, áp phích quảng cáo sản phẩm của các doanh nghiệp. Được đầu tư kinh phí lớn, các panô này được in ấn đẹp hơn, màu sắc tươi tắn hơn và chiếm những vị trí thuận lợi nhất trong không gian đô thị. Đứng bên những tấm panô như vậy, tranh cổ động dễ chìm nghỉm bởi màu sắc đơn điệu và cách vẽ lặp lại, thiếu sáng tạo. Do vậy, trước hết, theo Giám đốc Trung tâm VHTT tỉnh Khánh Hòa, thì các thành phố, đô thị cần quy hoạch lại không gian cho các panô quảng cáo và tranh cổ động. Mặt khác, cần có sự đầu tư cho việc sáng tác, nhân bản tranh cổ động. Đa số các ý kiến tham gia HT đều kiến nghị Cục VHTT Cơ sở hỗ trợ các Trung tâm VHTT ở các tỉnh một số trang thiết bị như máy vi tính đồ họa, máy in và tổ chức các lớp tập huấn vẽ tranh bằng kỹ thuật đồ họa, sáng tác tranh cổ động… Về vấn đề này, ông Nguyễn Đạo Toàn - Q. Cục trưởng Cục VHTT cơ sở, lưu ý: trong lộ trình xã hội hóa các hoạt động văn hóa theo đề án của Bộ VHTT, đến năm 2010, sẽ chuyển các Trung tâm VHTT thành các đơn vị cung ứng dịch vụ văn hóa; tự chủ về tài chính, cơ sở vật chất cũng như con người. Do vậy, việc đầu tư cơ sở vật chất khi ấy sẽ nằm trong khả năng tự chủ kinh phí của các trung tâm này.
|