Câu nói bình thường nhưng rất nổi tiếng này đã trở nên quen thuộc với hàng triệu triệu người Việt Nam suốt một năm qua kể từ ngày công bố cuốn nhật ký của nữ Bác sĩ-Anh hùng lực lượng vũ trang Đặng Thùy Trâm trên các phương tiện truyền thông hồi tháng 7 năm 2005. Câu nói đó là của Nguyễn Trung Hiếu, thông dịch viên, khi thấy viên sĩ quan Mỹ Fred định cho cuốn vở học trò chằng chịt chữ viết này vào ngọn lửa tại khu quân sự của Mỹ ở Gò Hội, Đức Phổ- Quảng Ngãi cuối năm 1970. Câu nói đó bây giờ được đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh làm đề cho một bộ phim nhựa mà ông sẽ thực hiện trong năm nay.
|
NSND Đặng Nhật Minh ghi lại một số hình ảnh tại cửa rừng-nơi dẫn về Trạm xá Đức Phổ thời chiến tranh. Ảnh: T.Đ.
|
Sau ngày khai trương tuyến du lịch mang tên "Theo dòng nhật ký Đặng Thùy Trâm" hồi đầu tháng 3 vừa rồi, hồ chứa nước Liệt Sơn-nơi khởi đầu của tour du lịch đặc biệt, nước đã cạn hơn, đường dẫn về nơi đặt Trạm xá Đức Phổ trong chiến tranh và cũng là nơi nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm ngã xuống từ 36 năm trước cũng vắng vẻ hơn. Không hẳn lòng ngưỡng mộ của những người yêu mến chị Trâm đã vơi cạn, song cung cách tổ chức cho một chuyến hành hương mang màu huyền thoại lẫn tâm linh này cho du khách của ngành du lịch Quảng Ngãi đã làm cho bao người phải nản lòng.
Tuy nhiên, điều đó không làm bận tâm đạo diễn Đặng Nhật Minh cùng nhóm làm phim gồm nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát, đạo diễn Tất Bình cùng các họa sĩ, nhà quay phim của Hãng phim truyện 1. Họ hành hương về nơi từng in dấu chân người con gái nhỏ nhắn ấy là để hâm nóng lại những cảm xúc đã từng làm họ phải rơi nước mắt khi đọc cuốn nhật ký. Nói đúng hơn, những người đi tiền trạm để đặt nền cho bộ phim này muốn trải lòng ngưỡng mộ của mình tại chính cánh rừng mà chị Thùy Trâm đã ngã xuống.
Trời nóng bức suốt mấy ngày qua chợt dịu mát hẳn sau trận mưa rào giữa buổi sáng khi bước chân của đoàn làm phim đặt lên cửa rừng dẫn vào nơi có Trạm xá Đức Phổ năm 1970. Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát, Giám đốc Hãng phim truyện 1 khe khẽ: "Chắc là chị Thùy Trâm phù hộ chúng ta!". Đạo diễn Đặng Nhật Minh trông khỏe mạnh hơn cái tuổi U70 (ông sinh năm 1938) của mình. Ông bước những bước chân thật lặng lẽ. Có một chút đăm chiêu, một chút bồi hồi, một chút nuối tiếc đang cuộn xoáy trong ông. "Ông có cảm thấy như mình là người đến muộn?". "Ồ, không. Muộn hay sớm là tùy tâm thôi. Cả nước, rồi cả thế giới sẽ phải "sốt" lên với người con gái này. Cuối năm nay, một nhà xuất bản danh tiếng ở Mỹ sẽ xuất bản cuốn "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Hy vọng sẽ có một "big bang" khi cuốn sách chào đời". "Còn phim của ông thì sao?". Ông không trả lời trực tiếp mà hẹn tôi cuối buổi, rồi chỉ tay về phía đạo diễn Tất Bình-người tổ chức mọi thắng lợi của… chuyến đi, đồng thời là "tay hòm chìa khóa" cho bộ phim này. Ông Bình không giấu giếm về mức độ "hoành tráng" của phim: "Khoảng 1 triệu USD cho bộ phim. Với Tây, phim cỡ triệu đô chẳng là cái "đinh" gì, nhưng với ta, ấy là cả một ưu ái lớn của Nhà nước. Không gian của phim có thể quay một số cảnh ở Đức Phổ, ở Hà Nội-dĩ nhiên, và có cả bên Mỹ nữa. Ông Minh viết kịch bản rồi làm đạo diễn luôn. Tính ông lâu nay vẫn vậy, vừa viết kịch bản vừa làm đạo diễn. Điều đó sẽ tạo những ưu thế riêng cho một người làm phim có nhiều kinh nghiệm như ông. Không nói ngoa nhé, tôi rất ghét cụm từ này: "Ông ấy là một trong những…". Cái chữ "những" đó nó có vẻ không thật lòng cho lắm, nó "mặt trận" quá. Ông Đặng Nhật Minh, theo tôi, là đạo diễn số 1 của Việt Nam hiện nay. Thế giới biết đến điện ảnh Việt Nam cũng nhờ công của ông ấy. Không phải ngẫu nhiên mà hội đồng thẩm định lại chọn kịch bản của ông và do ông làm đạo diễn về bộ phim rất nhạy cảm nhưng cũng rất khó khăn này".
Đạo diễn Tất Bình vừa đi vừa trao đổi với tôi suốt chặng đường lên nơi chị Thùy Trâm ngã xuống. Chốc chốc ông lại ngồi đánh uỵch xuống đất để… thở! Ông bảo rằng kịch bản đã xong nhưng các ông muốn vào tận nơi chị Thùy Trâm từng sống, chiến đấu và hy sinh để biết thêm về tấm lòng của bà con Đức Phổ dành cho chị, cũng là dành cho cách mạng trong những năm chiến tranh. Trừ anh quay phim và anh họa sĩ còn trẻ, số người còn lại cũng đã lớn tuổi nên việc ngược dốc lên nơi chị Trâm từng yên nghỉ là cả một thử thách lớn với họ. "Đến với chị Thùy Trâm còn là một cuộc trắc nghiệm chính xác về sức khỏe của mỗi người". Có người đã nhận xét như thế. Riêng tôi thì thêm điều này: Không một ai đi xong tour du lịch đặc biệt này về mà đau ốm cả, dù rất mệt. Đó là một điều vừa kỳ diệu vừa kỳ lạ khó lý giải được. Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát từng là một thanh niên xung phong thời chiến tranh nên không lạ gì cảnh ở rừng, ấy vậy mà chị vẫn cứ xuýt xoa cho cảnh trí nơi này. Hình như mỗi người đều gặp lại một quá khứ của mình thời trai trẻ khi đặt chân đến khu rừng này. Chúng tôi ngùi ngùi thắp những nén hương lên nơi chị Trâm từng yên nghỉ. Trời đột ngột nổi gió. Cánh rừng như hoang lạnh hơn. Cả một quá khứ trận mạc như hiện về trên từng khuôn mặt của những người làm phim. Đạo diễn Đặng Nhật Minh liên tục mở sổ ra ghi chép. Đạo diễn Tất Bình rỉ tai tôi: "Ông Minh có thể thay đổi cả kịch bản kia đấy, nếu ông thấy không ổn".
|
NSND Đặng Nhật Minh, nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát, Đạo diễn Tất Bình cùng kíp làm phim tại Trạm xá Đức Phổ thời chiến tranh. Ảnh: T.Đ.
|
Xuống núi. Cả đoàn mệt nhoài nhưng ai cũng mãn nguyện, như mình vừa làm xong một việc nghĩa. Với kíp làm phim thì đây là chuyến đi thực tế rất hữu ích. Tôi bám ông Đặng Nhật Minh: "Cốt phim dựa trên cuốn nhật ký, ông định "giải thích" nội dung cuốn nhật ký hay là…?". " Phim không minh họa cuốn nhật ký đâu mà lo. Ai lại làm thế, dù một số sự kiện và nhân vật trong nhật ký sẽ được tái hiện trong phim. Nhân vật trung tâm là Đặng Thùy Trâm, nhân vật thứ hai là cuốn nhật ký. Cái đọng lại lâu nay trong lòng người đọc khi xem cuốn nhật ký là số phận của nó chứ không chỉ là nội dung của nó. Trên thế giới có rất nhiều cuốn nhật ký của các yếu nhân, như nhật ký của Che Guevara chẳng hạn, song nó không trở thành một hiện tượng vừa thảng thốt vừa cuống quýt như Nhật ký Đặng Thùy Trâm. Số phận của cuốn nhật ký là một chuỗi dài của những may mắn tình cờ. Ví như Nguyễn Trung Hiếu là người không có chút máu mê văn chương chữ nghĩa thì chắc cuốn nhật ký đã thành tro. Nếu ông Fred là người "ít chữ" thì cuốn nhật ký sẽ vĩnh viễn nằm trong một ngăn kéo nào đó của gia đình ông. Nếu cuốn nhật ký không rơi vào tay giặc mà được chuyển về Hà Nội thì "cuộc đời" của nó đã khác. Nếu chị Thùy Trâm còn sống thì mãi mãi cuốn nhật ký kia không ai biết được những gì trong đó ngoài tác giả của nó. Nếu cuốn nhật ký "trở về" sớm hơn năm 2005 thì chắc là không trở thành một hiện tượng như chúng ta đã biết… Nói tóm lại, đó là một số phận kỳ lạ, không thể lý giải được". "Ông có bị câu thúc gì không khi làm phim này?".
"Phim này không làm để "chào mừng" một ngày lễ nào đó nên tôi thanh thản cho việc sắp xếp thời gian. Tôi chẳng bị câu thúc gì ngoài lòng ngưỡng mộ chị Thùy Trâm. Chị ấy còn là học trò ông cụ tôi nữa (bố NSND Đặng Nhật Minh là Bác sĩ Đặng Văn Ngữ - người được Bác Hồ mời về tham gia kháng chiến chống Pháp khi ông đang công tác ở Nhật Bản năm 1946)".
Kíp làm phim còn được gặp các nhân chứng cùng thời với chị Thùy Trâm tại Đức Phổ một ngày sau đó. Đạo diễn Đặng Nhật Minh gọi họ là tro nóng luôn ủ ngọn lửa của Đặng Thùy Trâm suốt mấy chục năm qua. Hy vọng ngọn lửa ấy sẽ bùng cháy thêm lên qua bộ phim này, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2007.
|