Màu đỏ kỳ ảo trong thơ Việt!
14:33', 7/8/ 2006 (GMT+7)

Không phải đến lúc nhà thơ Nguyễn Mỹ được Nhà nước trao tặng giải thưởng Văn học nghệ thuật 2005 người ta mới đắm đuối với thơ ông. Tỷ như tôi đây chẳng hạn. Từ ngày còn ngồi phổ thông đến giờ, tôi luôn cố lý giải về sự cuốn hút và sức sống của hình tượng màu đỏ trong bài thơ Cuộc chia ly màu đỏ. Bản chất của cuộc chia ly nào cũng buồn, chia ly để ra trận lại càng buồn hơn, bởi “xưa nay chinh chiến mấy kẻ về”… Nhưng sắc độ đỏ - chia ly của Nguyễn Mỹ thì rực lên tin yêu.

 

Cái màu đỏ như màu đỏ ấy / Sẽ là bông hoa chuối đỏ tươi/ Trên đỉnh dốc cao vẫy gọi đoàn người / Sẽ là ánh lửa hồng trên bếp. Tranh: Trần Thị Cúc

 

Khung cảnh buổi chia tay của đôi vợ chồng trẻ trong bài thơ có cái nền thiên nhiên là một trưa mùa thu “nắng vàng lên rực rỡ”, trong vườn hoa có cây si xanh “gọi họ đến ngồi”; nhưng sắc màu nổi bật nhất là chiếc áo của người vợ “đỏ rực như than lửa”.

Câu chuyện ly tình thiết tha xúc cảm nếu không trở thành “cuộc chia ly chói ngời sắc đỏ” thì sẽ dễ nhuốm màu Kinh Kha qua sông Dịch, ví như: “Đưa người ta không đưa sang sông / Mà sao có sóng ở trong lòng” (Tống biệt hành - Thâm Tâm) hay “Người ra đi đầu không ngoảnh lại / Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy” (Đất nước - Nguyễn Đình Thi), và “cái màu đỏ ấy” cũng không quyền quý như trong Chinh phụ ngâm: “Áo chàng đỏ tựa ráng pha / Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in”. Bởi, đó là màu “bông hoa chuối đỏ tươi” trong rừng cây quê hương, giản dị như hàng triệu triệu lần chia tay người tình, vợ con trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc ta đánh Mỹ. Tức là một sắc đỏ thật sự hiện đại.

Bịn rịn là thế, rứt ruột là thế, và họ cũng không giấu diếm niềm đau thương. Họ nhìn thẳng vào thực tại và ý thức được giá trị của cuộc tình, cuộc chia ly này. Cao trào của bài thơ không hẳn ở lúc “và người chồng ấy đã ra đi…” mà chính là điệp khúc “Nhưng tôi biết cái màu đỏ ấy / Cái màu đỏ như cái màu đỏ ấy / Sẽ là bông hoa chuối đỏ tươi / Trên đỉnh dốc cao vẫy gọi đoàn người”.     

Nếu thơ hay thì sẽ làm được chức năng “vẫy gọi đoàn người” nhưng chắc chắn một điều là màu đỏ “cháy không nguôi” đó đã nói được sự thủy chung đến cùng của người vợ trẻ, cần gì phải nhủ đi nhủ lại: “Em ơi, đợi anh về / Đợi anh hoài, em nhé / Mưa có rơi dầm dề / Ngày có dài lê thê / Thì em ơi, cứ đợi”(Đợi anh về - Ximônốp, Tố Hữu dịch).

Cái độc đáo của Nguyễn Mỹ trong nền thơ Việt là dùng “bông hoa chuối” làm biểu tượng cho sự xa cách trong tình yêu. Cái đẹp dung dị của màu đỏ quê mùa đã vào thơ anh một cách tự nhiên mà sang trọng nhường kia. Cũng như ý tưởng “Khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau” đã được thi sĩ phổ vào thơ tình thật mềm mại, đắm say.

Màu đỏ của cuộc chia ly đã trở thành điều cao cả, thiêng liêng mà một thời vạn vạn người trẻ đã làm được và hoàn tất sứ mệnh vinh quang- chiến đấu vì đất nước, hy sinh tình riêng vì nghĩa lớn. Sức ngân của tứ thơ “màu đỏ chia ly” mang tư tưởng thời đại nhưng xuất phát từ trái tim yêu đương cháy bỏng và trở về trái tim yêu đương cháy bỏng nên “màu đỏ ấy theo đi” suốt qua tâm hồn bao thế hệ.

Phải nói rằng “màu đỏ” trong bài thơ này có sắc độ nén, sức chất chứa bậc nhất trong thi ca Việt Nam hiện đại vì đã thắng nhiều “màu đỏ khác” ở tay nghề kết cấu xoay vòng chặt chẽ đến hoàn hảo.

Dẫu viết về chuyện chia tay ra trận ở năm 1964, giữa lúc cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ của dân tộc ta đang hồi cam go nhưng bài thơ không hề cương mà nhuần nhị một tình yêu quê hương đất nước thuần khiết và một cảm xúc tin yêu dạt dào.

Thi sĩ đã sống trọn với tứ thơ đặc sắc, đôi vợ chồng trẻ sống trọn trong nhau, cũng như Tổ quốc sống trọn trong họ nên “màu đỏ ấy” của Nguyễn Mỹ sống trọn trong dặm dài thi ca Việt Nam là điều dễ hiểu.

  • Đào Đức Tuấn

Cuộc chia ly màu đỏ

Đó là cuộc chia ly chói ngời sắc đỏ

Tươi như cánh nhạn lai hồng

Trưa một ngày sắp ngả sang đông

Thu, bỗng nắng vàng lên rực rỡ.

Tôi nhìn thấy một cô áo đỏ

Tiễn đưa chồng trong nắng vườn hoa

Chồng của cô sắp sửa đi xa

Cùng đi với nhiều đồng chí nữa

Chiếc áo đỏ rực như than lửa

Cháy không nguôi trước cảnh chia ly

Vườn cây xanh và chiếc nón trắng kia

Không giấu nổi tình yêu cô rực cháy

Không che được nước mắt cô đã chảy

Những giọt long lanh, nóng bỏng,

sáng ngời

Chảy trên bình minh đang hé giữa

làn môi

Và rạng đông đang hừng trên nét mặt

Một rạng đông với màu hồng ngọc

Cây si xanh gọi họ đến ngồi

Trong bóng rợp của mình, nói tới

ngày mai…

Ngày mai sẽ là ngày sum họp

Đã tỏa sáng những tâm hồn cao đẹp!

Nắng vẫn còn ngời trên những lá si

Và người chồng ấy đã ra đi…

Cả vườn hoa đã ngập tràn nắng xế

Những cánh hoa đỏ vẫn còn rung

nhè nhẹ

Gió nói, tôi nghe những tiếng thì thào

"Khi Tổ quốc cần họ biết sống

xa nhau…"

Nhưng tôi biết cái màu đỏ ấy

Cái màu đỏ như màu đỏ ấy

Sẽ là bông hoa chuối đỏ tươi

Trên đỉnh dốc cao vẫy gọi đoàn người

Sẽ là ánh lửa hồng trên bếp

Một làng xa giữa đêm gió rét…

Nghĩa là màu đỏ ấy theo đi

Như không hề có cuộc chia ly…

1964

. Nguyễn Mỹ

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Trung du mở hội  (04/08/2006)
"Đừng đốt, trong đó đã có lửa"  (03/08/2006)
Tiếng nẫu quê mình  (01/08/2006)
Sẽ khai mạc vào ngày 29-8 tại Quy Nhơn  (01/08/2006)
Nâng cao chất lượng tranh cổ động trong sức ép "cạnh tranh"  (01/08/2006)
Kira - Kira và tình yêu cuộc sống  (31/07/2006)
Vua tốc độ  (31/07/2006)
Ngọn lửa Đặng Thùy Trâm  (28/07/2006)
Hệ di tích Chăm Bình Định có thể trở thành di sản thế giới ?  (28/07/2006)
Ban nhạc Flamengo và một chuyến "về quê"  (27/07/2006)
Mật mã Da Vinci - một câu chuyện hấp dẫn  (26/07/2006)
QCATV: Kênh điện ảnh HBO sẽ có phụ đề tiếng Việt  (26/07/2006)
Nghe cha anh chúng ta hát   (26/07/2006)
Vì sao Bình Định chưa có phê bình văn nghệ ?  (25/07/2006)
Giữ gìn một nét văn hóa truyền thống vùng biển  (25/07/2006)