Ông Tổ hát kết Bình Định tên là Nguyễn Oanh, thường gọi là bác Tư Oanh hay thầy Tư Oanh ở làng An Lương, xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ tỉnh Bình Định. Tư Oanh là thầy giáo trường làng ngày trước. Bác tuy học chữ Nho mới hàng sáu nhưng am hiểu nhiều sử sách cổ kim, Đông Tây, nên câu hát nào viết ra cũng có nội dung phong phú sâu sắc.
An Lương, Bác Tư Oanh,
Học hành viết hàng sáu.
Con cháu đủ ấm no,
Hát hò, thôi hết mỏi.
Làng An Lương quê thầy, ngày xưa nổi tiếng nuôi tằm, dệt lụa, lãnh. Trong kháng chiến chống Pháp, nơi đây còn phát triển mạnh nghề kéo sợi vải. Có lẽ môi trường lành nghề đó là đất tốt để phát triển hát hò, hát kết.
Hồi ấy, trong số nhiều người sáng tác, còn có thầy Bốn Kiện, thôn Trà Bình, xã Mỹ Hiệp là thầy giáo trường tư ở làng và giỏi nghề Đông y, cũng hay viết câu hát kết. Nhưng thầy đã bái phục tài sáng tác của thầy Tư Oanh. Thầy Bốn Kiện đã khéo léo dùng hình ảnh tiếng xa quay kéo vải “ thanh thoát tiếng oanh vàng ” của quê hương để giới thiệu nghề thủ công và tài viết câu hát thâm thúy gieo vào lòng người sâu lắng của Tư Oanh.
Quay xa kéo sợi oanh oanh,
Oanh oanh kéo sợi giọng thanh hát hò.
Trong nhiều dịp hát đối đáp, các bạn hát vùng Phù Mỹ, Phù Cát đã tìm thầy gỡ bí, bảo nhau :
- Sáng tác câu hát, thầy Bốn Kiện không nhạy cảm bằng thầy Tư Oanh.
Trà Bình, thầy Bốn Kiện,
Nuôi miệng nghề Đông y
Chậm sì, môn hát đối.
Ngày nay nhiều bạn hát rất tâm đắc nhắc lại lời ứng khẩu tỏ tình chơn chất mà kín đáo, gợi cảm mà không sỗ sàng qua bài hát đích thực của thầy Tư Oanh.
Chưa thỏa dạ du sơn văn võ,
Còn đâu lòng Tần quốc thảo ba
Từ ngày chàng thiếp giao hoà,
Có chứng giám sơn thanh, thuỷ bích,
Cùng thề nguyền nhật nguyệt sáng trong
Thương thương, nhớ nhớ, trông trông ,
Ô kiều ông bước, tước đồng mặt song
Nghĩ lại thêm rối trong lòng,
Như tơ mất mối, đường cùng nhện giăng ?”
“Ô thôi, thương lắm ơ nàng !
Tình riêng chưa tỏ, ngỡ ngàng dạ đây !
Dáng hình lơ láo chưa khuây,
Mặt ngoài cũng đã, tình rày còn e ?
Đêm nằm như thỉnh như mơ,
Năm canh thao thức, mơ về bên nhau
Thà rằng chưa gặp thì thôi !
Gặp rồi sao nỡ chia phôi cho đành !
Điệu hát kết nghe qua cũng thú / Nhưng thơ ca lưu ngụ phong tình. Đó là hai câu thơ mà thầy giáo Tư Oanh đã khái quát để định nghĩa về hát kết. Hai từ hát và kết đều có nội dung và hình thức biểu hiện của loại hình văn nghệ dân gian này.
Hát kết gắn chặt với lao động sản xuất tập thể như tát nước, nhổ mạ, cấy cày, giã gạo, kéo lưới vân vân… Mỗi hội vui, thường có hai cánh nam và nữ, gồm nhiều người. Tuỳ theo sự thỏa thuận của đôi bên, có thể bên nam hoặc bên nữ xướng lên rồi bên kia đáp lại. Câu hát thường lấy từ thơ ca dân gian (tục ngữ, ca dao, câu đối) hoặc do họ sáng tác kịp thời mô tả phong cảnh, di tích, lịch sử địa phương lời tuy còn mộc mạc, nhưng chất trữ tình rất phong phú.
Chẳng hạn, câu xướng của bạn nữ, bằng lời tỏ tình rất khiêm tốn, nhưng như đã chuẩn bị sẵn :
Đêm nay trăng sáng lờ mờ
Em đi kéo vó, tình cờ gặp anh
Trong khăn có sẵn cau xanh
Bửa ra làm tám, mời anh ăn trầu
Bạn nam đáp lại, với nội dung chứng tỏ họ đã biết nhau tự bao giờ và đến độ chín muồi :
Biết rằng em bậu chưa chồng,
Nếu anh vượt núi, băng đồng tới đây.
Ba chai rượu ngọt tràn đầy,
Trầu nguồn bốn miếng, vui vầy nên chăng ?
Cuộc vui có thể kết thúc ngay - Nhưng ở nhiều cuộc, các bạn hát cố ý muốn kéo dài mãi, nhưng rồi đành phải hẹn lần khác lại lên. Vì thế mà nhiều cuộc vui đã kéo dài hàng tháng, hàng năm, các thầy Thảng (Phù Cát) thầy Mười Nghi (Phù Mỹ) và Dư Ong, Tám Hiệu (?)… là những người đã đặt câu hát thật đắc điệu và giúp cho họ gỡ bí nhiều phen. Nhưng nổi danh trong tỉnh vẫn là thầy giáo Tư Oanh được bạn hát suy tôn là ông tổ loại hình văn nghệ này ở tỉnh Bình Định.
Đặt bài, lắm kẻ tài danh
Bình Định xét lại, mình Oanh hay thần!
Còn về nội dung và hình thức thể hiện, các bạn hát kết đã khen ngợi ông :
Tiếng Oanh bay khắp nơi nơi,
Câu câu nhả ngọc, lời lời phun châu
… Lời ca ý nghĩa thâm trường,
Hát lên đúng đắn, kẻ nhường, người thương.
Hát kết đã có tác dụng kích thích nâng cao năng suất lao động sản xuất mà còn tạo điều kiện cho nam nữ thanh niên trao đổi tâm tình- Nhiều cuộc vui như thế đã giúp cho các đôi lứa nên vợ, nên chồng. Cho nên ở Bình Định cứ mỗi lần nhớ lại thầy giáo Tư Oanh, mà càng nhớ về thầy, ta càng nhớ mãi những cuộc vui như thế đấy !
. Theo Văn hóa Bình Định |