Những phát hiện tại công trường khai quật khảo cổ học tại Hoàng thành Thăng Long đã gây một tiếng vang lớn, không chỉ với dư luận mà cả trong giới nghiên cứu. Nhưng chỉ khi đã đến đây, đứng trên mảnh đất lịch sử này, ta như mới cảm nhận hết được hơi thở, trầm tích của ngàn năm văn hiến Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.
|
Nhà sưu tập Hồ Anh Tuấn (Đà Nẵng) bên chiếc chóe gốm Gò Sành vào loại lớn và đẹp nhất. Ảnh: S.T
|
Trong hàng vạn hiện vật các loại, điều tôi thích thú nhất là những hiện vật gốm. Giới nghiên cứu cho rằng, sự có mặt các dòng gốm tại Hoàng thành Thăng Long đã khẳng định mối quan hệ bang giao giữa quốc gia Đại Việt với các nước láng giềng trong khu vực dưới các triều đại Lý, Trần, Lê. Và trong vô vàn các tiêu bản gốm các loại, tôi chú ý đến chiếc vò gốm men nâu nhạt, mang ký hiệu BĐ.02.D6.L6-2537 tìm thấy tại hố 6, lớp 6. Vò cao 15,5cm, đường kính miệng 10,5cm, đáy 10,8cm; vai có gắn 4 quai hình con đĩa ấn bẹt hai đầu, quanh thân là những mảng hoa văn hình xoắn in khuôn. Điều thú vị là chiếc vò này mang kiểu dáng đặc trưng của gốm cổ Champa Bình Định. TS Bùi Minh Trí - một chuyên gia trong lĩnh vực gốm thời Lê, vốn từng tiếp xúc với gốm Bình Định nên đã nhận ra và xác định đó là chiếc vò gốm mang dáng dấp rất đặc trưng của gốm cổ Champa Bình Định. Tôi hoàn toàn tán đồng với ý kiến này. Tuy nhiên, theo TS Bùi Minh Trí, những chiếc vò gốm đó không phải là sản phẩm hàng hóa trao đổi mang tính thương mại giữa hai vương quốc thời đó, mà có khả năng là cống phẩm.
Trước đây, với những đồ gốm được xác định là gốm Champa Bình Định tìm thấy trong các ngôi mộ cổ của người Mạ ở Lâm Đồng, giới nghiên cứu cho rằng gốm cổ Champa rất được các tù trưởng người Tây Nguyên ưa chuộng. Còn ở phía Bắc, TS Phạm Quốc Quân - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, đã có bài viết về những chiếc vò gốm men nâu trong các ngôi mộ Mường. Thông tin này tuy nhiên chưa có sức thuyết phục, bởi giới nghiên cứu cho rằng không phải cứ men nâu là của Champa, mặc dù men nâu mang tính rất đặc trưng của gốm Champa. Tuy nhiên, với sự phát hiện những tiêu bản gốm Champa Bình Định trong Hoàng thành, thì có lẽ sự có mặt của nó trong mộ Mường cũng không có gì là bất ngờ cả, bởi ngay tại vùng Yên Bái cũng đã tìm thấy gốm đất nung của người Chăm.
|