Từ giọng địa phương Bình Định đến vấn đề thống nhất ngôn ngữ quốc gia
11:6', 11/8/ 2006 (GMT+7)

Ở nước nào, giữa những người khác địa phương cũng có giọng nói và một số thổ âm khác nhau tuy ngôn ngữ nói chung vẫn là một. Trong một nước, giọng nói, cách phát âm một số chữ còn thay đổi giữa thành thị và thôn quê, giữa giới trí thức và người bình dân, giữa những kẻ hay đi đây đi đó với số người cư trú một chỗ, giữa lớp người già và người trẻ. Rồi giọng nói, cũng như một số tiếng riêng của địa phương, của đoàn thể lại thay đổi tuỳ thời gian: có tiếng lóng xuất hiện, thịnh hành một thời rồi bị quên lãng. Những ngôn ngữ được thông dụng nhiều ở hải ngoại như tiếng Anh , tiếng Pháp còn có những lối nói riêng cho mỗi nước ngoài nữa . Người Pháp ở Đông Dương trước đây có cả một “ ngữ vựng Đông Dương” mà tự điển chính cống của Pháp không hề ghi chép đúng nghĩa như được dùng trong các tác phẩm của Jean d’Esme, Dufresne, Jean Marquet... và các “tác giả Đông Dương” (auteurs indo-chinois ) khác.


Tiếng nói của một nước chẳng khác nào một cây sống có sinh sản, trưởng thành rồi già nua và tàn lụi, trên thân cây, cành lá mọc lên, tươi thắm trong một mùa xuân rồi úa vàng rơi rụng. Có tiếng chết rồi như những từ ngữ La, Hy còn là nguồn gốc của nhiều sinh ngữ khác .

Tiếng Việt Nam ta không ra ngoài quy luật ấy, nên có điều rất thích thú là từ Nam chí Bắc giọng nói uyển chuyển theo địa phương như một lời ca phổ nhạc trên nhiều cung bậc khác nhau thật độc đáo.

Môn ngôn ngữ học ở nước nhà chưa tiến được xa nên các công trình nghiên cứu còn xoay chung quang lĩnh vực ngữ pháp, ngữ vựng; việc sưu tầm các thổ âm địa phương chưa được đặt thành vấn đề, việc nghiên cứu các giọng địa phương chưa có người đề cập. Cho nên nay muốn nói về giọng địa phương Bình Định thì cũng không phải là để thuần tuý đi sâu vào việc nghiên cứu mà chỉ nhận một trường hợp dị biệt địa phương để đặt vấn đề chấn chỉnh lại quan niệm thống nhất của chúng ta trong ngôn ngữ Việt.
Cũng như giọng nói mỗi tỉnh, giọng Bình Định có những đặc điểm riêng : Ở địa cầu phía Bắc các miệt giáp Quảng Ngãi như An Đỗ , Bình Đê... âm “a” cũng đọc khép như “ô” theo giọng người Quảng Ngãi. Từ Tam Quan trở vào âm “e” được phát gần như “ i ” , ở Bình Khê thì “ ê ” đọc như “ ơ ”. Toàn tỉnh cũng không phân biệt các vần có t và c, n và ng , iêu và iu, iêm và im,... như ở các tỉnh miền
Nam. Tuy nhiên Bình Định có lẽ lại là địa phương duy nhất ở miền Nam phân biệt được dấu hỏi và dấu ngã trong giọng nói. Đây là đặc điểm của người Bình Định chính gốc, đang còn rõ rệt ở thôn quê nhưng đã phai lạt ở thành thị để chan hoà với lối nói chung ở miền Nam không phân biệt được hỏi ngã như miền Bắc. Nhưng tiếng có dấu ngã ở Bình Định chuyển từ thinh bình trầm (dấu huyền) đến thinh thượng bổng ( không dấu) thay vì trong giọng Bắc chuyển từ bình bổng (không dấu) đến khứ bổng (dấu sắc). Tiếng “đã” người Bình Định phát âm như “đà-ả”, người Bắc như “đa-á”. Có vài chữ như bởi, cửa ... thì người Bình Định đọc với dấu ngã. Có lẽ nên coi chữ đây như một dấu vết cũ vẫn còn giữ lại của giọng nói tổ tiên từ khi mới ở miền Bắc di cư vào, bởi vì trong ngôn từ người Bình Định còn giữ được một số tiếng rất cổ như tiếng “nậu”, (hay nẩu : nậu ấy) là một tiếng xưa kia có dùng riêng như còn ghi trong Tự điển Khai trí Tiến đức, nhưng ở các nơi chỉ còn tồn tại trong quán ngữ “đầu nậu”. Người Tuy Phước nói dỳa thay vì về : Hình như xưa kia người nước ta đọc âm “v” gần như “d” nên ở những tài liệu quốc ngữ trước 1634, khi mói ghi âm Việt ngữ , các nhà truyền giáo Tây phương đã dùng chữ “b” để ghi các tiếng có âm “v” ngày nay như bua hay byua (vua ), bau , bỳao (vào) ; býa (vá) ... Ngày nay, người miệt quê trong Nam cũng không phát âm là v (âm môi nhẹ ) mà gần như by , họ nói byào chứ không hẳn là vào (by là một âm dài và mạnh giữa răng trên và môi dưới ); chỉ những người có học mới đọc theo vần quốc ngữ có âm v (âm môi ), còn mà nói như gi hay y (đi vô mà nói như đi yô hay hay đi giô ) là sai lệch rõ ràng có thể vì nghe không rõ hay vì lười (cách phát âm của ít cố gắng hơn một âm răng môi), nhưng vì là sai lệch của một số đông ở miền Nam nên trong giới bình đân ít học nó đã thay dần cho lối phát âm đúng của người đời trước .

Những nét vừa ghi lại trên đây của tiếng Việt ở Bình Định cho ta một ý niệm về sự uyển chuyển linh động của tiếng nói ở mỗi địa phương để thấy rằng ở nước nào tiếng nói thống nhất cũng chỉ là một huyền thoại. Không đâu có thể có một tiếng nói với lối phát âm hoàn toàn duy nhất cho toàn đân trong một nước. Người ngoại quốc học nói tiếng ta có thể coi giọng Sài Gòn hay Hà Nội là mẫu mực, đài B.B.C. chỉ chọn phát ngôn viên giọng Hà Nội, người Mỹ thích học tiếng Việt của người Sài Gòn thì cũng chỉ vì giọng Hà Nội và Sài Gòn nghe dễ hiểu hơn đối với người Việt ở các nơi khác, chứ không phải đại đa số người Việt lâu nay đều nói theo những giọng nầy. Một số người trí thức nào đó có thể tự hào rằng giọng nói của mình thanh tao thuần tuý hơn đồng bào mình thì đó thực ra cũng chỉ là một ảo tưởng chứ họ cũng chỉ là một thiểu số rất nhỏ so với các giọng của đa số bình dân mà họ cho là quê mùa thô kệch . Cái ưu thế cuả họ có chăng là ở chỗ họ đã lấy sách vở làm mẫu mực, họ đã chấp nhận làm khuôn thước một số tập tục phát âm địa phương mà các nhà phát minh ra chữ quốc ngữ xưa kia đã dựa vào đó mà đặt nền tảng cho văn tự Việt. Ngày nay chúng ta không hiểu được vì lí do nào người ta lấy giọng địa phương này làm mẫu mục thay vì địa phương khác hay thực ra là họ đã kết hợp lại lối nói của nhiều địa phương, khiến cho ngày nay không có giọng địa phương nào nói cho đúng hoàn toàn tiếng Việt theo mặt chữ ghi trong các tự điển? Họ đã theo tiêu chuẩn nào để chọn lựa? Có hợp lí không ?

Nhưng có điều không ai chối cãi được là một sự lựa chọn nào đó đã thật là cần thiết . Bởi vì từ ngày chữ quốc ngữ được cố định, nó đã mau chóng trở thành văn tự chân chính của người nước ta. Và một khi luật thông dụng đã đủ hiệu lực thì không còn ai muốn và nên xét lại làm gì được nữa . Chữ viết của nước nào cũng chỉ là một hệ thống qui ước càng được mọi người chấp nhận thì càng có giá trị . Lại nữa khi một chữ viết đã trở thành truyền thống vững vàng rồi thì dù cho giọng nói, lối phát âm có có theo không gian và thời gian mà đổi thay, người trong nước cũng không thấy cần phải đổi thay chữ viết nữa . Dù người Bình Định có nói “cái bèng”, người Quảng Nam có đọc là “cửa bường”, người Khánh Hoà đọc “cái bàng” hay người miền Bắc có phát âm đúng “cái bàn” thì chữ này đâu đâu cũng được người ta cũng viết là cái bàn . “Con trâu” luôn luôn sẽ giữ đúng chính tả đó dù cho có địa phương đọc là “công trâu” hay ‘con châu”. Trong ngôn ngữ nước nào cũng có rất nhiều trường hợp chứng minh sự cố định của chữ viết so với tiếng nói nhất là ở các loại chữ hoạ hình theo lối chữ Tàu thì một văn tự nào mà có không biết bao nhiêu cách nói khác nhau.

Bởi đó mà chỉ có thể có thống nhất trong văn tự (chữ viết) không có thể nào đòi hỏi thống nhất trong ngôn ngữ (tiếng nói) .Nếu có ai mong muốn rằng đến ngày nào đó mọi người trong mỗi nước sẽ nói y như chữ viết thống nhất của nước mình thì đó chỉ là một ảo tưởng. Giả sử ở nước ta có người đòi hỏi người Bình Định (hay người miền Nam nói chung) phát âm “phấn son” đúng như người miền Bắc và cho rằng đọc “phấng soong” là sai thì vấn đề lại đặt ra là tại sao chữ đó lại không được viết theo giọng Bình Định “phấng soong”? Lại nữa bản chất của tiếng nói là linh động theo địa phương và thời đại thì không thể nào buộc nó giữ được những liên hệ cố định với chữ viết .

Tuy nhiên cũng nên nhận rằng một khi văn tự được cố định nó có nhiều ảnh hưởng vào giọng nói và lối phát âm để ngăn ngừa những biến đổi quá đáng. Việc dạy đọc dạy viết ở nhà trường đã đóng một vai trò quan trọng trong công cuộc thống nhất ngôn ngữ và văn tự của mỗi quốc gia mà sách vở, tự điển là những khuôn thước rất cần thiết để cố định văn tự .

Cho nên tuy xuất hiện sau tiếng nói, chữ viết mới thực sự là các nền tảng của ngôn ngữ vì chữ viết giữ được vai trò của những qui ước cố định, mới làm được một phương tiện truyền đạt rộng rãi tình cảm ý tưởng, rất bền vững, ít lệ thuộc vào không và thời gian.

. Theo Đoàn Nhật Tấn (Địa chí Bình Định)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Gặp gốm cổ Bình Định giữa Hoàng thành Thăng Long   (11/08/2006)
Hát kết và ông tổ hát kết Bình Định  (10/08/2006)
Tin vào trực giác của trái tim *  (09/08/2006)
Bế mạc Liên hoan Quốc tế Võ Cổ truyền Việt Nam lần thứ I- 2006   (07/08/2006)
"Khóc và nghẹt thở" với Cô đơn trên mạng *  (07/08/2006)
Màu đỏ kỳ ảo trong thơ Việt!  (07/08/2006)
Trung du mở hội  (04/08/2006)
"Đừng đốt, trong đó đã có lửa"  (03/08/2006)
Tiếng nẫu quê mình  (01/08/2006)
Sẽ khai mạc vào ngày 29-8 tại Quy Nhơn  (01/08/2006)
Nâng cao chất lượng tranh cổ động trong sức ép "cạnh tranh"  (01/08/2006)
Kira - Kira và tình yêu cuộc sống  (31/07/2006)
Vua tốc độ  (31/07/2006)
Ngọn lửa Đặng Thùy Trâm  (28/07/2006)
Hệ di tích Chăm Bình Định có thể trở thành di sản thế giới ?  (28/07/2006)