* Tạp bút của Quỳnh Thanh
“Phúc và Thanh sang nhà cô Hương chú Hùng ở Ohio chơi, số điện thoại liên lạc là….,” tôi và Phúc vẫn cười lăn mỗi lần đọc lại mẩu giấy ấy. Hôm đó cô Hương gọi điện nói sẽ qua chở hai đứa đi chơi rồi về nhà cô ở Ohio ăn cơm tối. Thấy cô nhiệt tình hai chị em cũng không nỡ từ chối nhưng đã biết gì nhiều về cô đâu. Mới qua đây được hai tháng, một bữa đang lơ ngơ trong Huntington Mall thì thấy cô chú lại bắt chuyện, hỏi có phải người Việt không, qua đây học Marshall phải không. Thế rồi cũng đưa cô số điện thoại nhưng lại nghĩ chắc cô cũng không dùng tới.
|
Soi bóng quê hương. Ảnh: Phạm Lâm
|
Ai ngờ mấy bữa sau cô gọi lại, rồi thì khi trái bầu, trái bí, khi thì chai nước. Khi có việc đi qua gần trường cô cũng ghé qua cho cái này cái kia và hỏi thăm hai đứa có khỏe không, có muốn cô chở đi chơi cho đỡ buồn không. Với cái tính hay lo, cộng với cảm giác lạ nước lạ cái không bố không mẹ ở cái xứ này, mới đầu hai đứa cứ liên tục nhìn nhau đặt dấu hỏi. Dò đoán đủ thứ, không biết vì sao mới gặp có một lần mà cô tốt với mình thế, quan tâm đến hai đứa nhiều đến thế.
Phúc thì nghĩ chắc là cô muốn tìm người Việt về thuê căn hộ của cô chú ở gần trường, tôi thì nghĩ chắc cô có con trai, thấy Phúc tháo vát nên muốn “bắt” về làm dâu chăng? Cứ lo nghĩ như thế nên mỗi lần cô rủ về nhà cô chơi là hai đứa lại kiếm cớ thoái thác, nhỡ đâu… Rồi cũng không thoái thác được nữa vào buổi chiều hôm ấy. Đi mà vẫn lo nên Phúc mới nghĩ ra cách viết giấy để ở nhà, “để lỡ có gì người ta còn biết mình ở đâu mà đi kiếm,” Phúc bảo thế. Ngồi trên xe của cô lại càng lo hơn. Lần đầu tiên mới sang Ohio, qua một cái cầu thôi mà đã là sang một bang khác, nghe trong hơi gió hơi đất cũng có chút gì khang khác…
Nhà cô hiện ra không lớn nhưng gọn gàng xinh xắn. Nhìn qua là biết ngôi nhà được một bàn tay phụ nữ đảm đang thu vén tươm tất gọn gàng. Trong nhà treo đầy hình ảnh của cô chú, của các cậu con trai, của cuộc hành trình gian nan của gia đình từ Việt Nam sang Singapore rồi mới tới Mỹ. Tôi vẫn luôn có ấn tượng tốt với những ngôi nhà như thế, nơi người ta chỉ cần nhìn xung quanh là đã cảm nhận được tình yêu thương và bao nhiêu kỷ niệm của chủ nhân.
Nghe cô chú kể say sưa về gia đình mới biết cô chú là người quý trọng tình nghĩa, đạo lý như thế nào (và nhìn hình các con cô mới biết là cô không cần bắt Phúc về làm con dâu đâu vì cô chú chỉ có 2 đứa con trai còn nhỏ). Hai nhóc con không nói sõi tiếng Việt nhưng hiếu khách lắm, nghe chúng tôi nói gì không rõ cũng hỏi lại để góp chuyện.
Và thích nhất ở nhà cô là cái vườn bé bé chạy dọc hàng rào, nơi cô trồng đủ các loại rau Việt Nam mà ở đây hai đứa có nằm mơ cũng không dám nghĩ tới. Có đầy đủ bầu bí, mướp, dưa, cải xanh, rau thơm, đậu bắp…, không thua gì khoảnh vườn của các bà các chị nông thôn nhà mình. Trong cái hồ nhỏ xinh còn có cả một bông hoa súng e ấp làm duyên với mấy chiếc lá xanh. Cô cháu ngồi ngoài vườn trong cái nắng của Huntington mà đầu đội nón lá, tay nhặt rau thơm, miệng liếng thoắng nói về món phở sắp được cô chiêu đãi. Thấy mình mâu thuẫn ghê gớm trong cái cảm giác vừa dễ chịu vì có chút gì đó gợi nhớ đến quê hương, vừa thêm nhớ nhà da diết nhớ.
Chỉ một buổi chiều thế thôi nhưng đã làm hai đứa tôi có một cái nhìn thật gần gũi với cô chú. Trái bầu, trái bí còn được cô chú nâng niu đến thế, huống gì đến tình nghĩa con người. Chiều nay ghé lại nhà cô chơi, tôi còn được cô đọc cho nghe một câu ca dao mà ở nhà mình có ai nhắc tới sẽ bị coi là xưa rồi, nói mãi: Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn
Ở nơi xa xôi này, quý làm sao những tấm lòng như cô chú.
|