Văn Trọng Hùng, thõng tay vào chợ
9:43', 21/8/ 2006 (GMT+7)

Khi nhà thơ Thanh Thảo đưa ra nhận xét "trong thơ Văn Trọng Hùng có kịch, trong kịch của Văn Trọng Hùng lại có thơ" đó không phải là vì Văn Trọng Hùng vừa làm thơ, vừa viết kịch bản sân khấu, và đều đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Mà đó là vì trong thơ của anh thường hàm chứa những nút gút - mở đặc trưng, những lớp lang, cao trào, nét ước lệ thường thấy ở sân khấu tuồng. Và ngược lại, trong kịch bản sâu khấu anh cũng thế.

Cho đến nay Văn Trọng Hùng chỉ in hai tập thơ - Dạo khúc nhân tình (1991), Bóng trúc (2001) ít nhưng chất lượng - điều này đã được nhiều bạn yêu thơ, các nhà phê bình xác tín. Nhưng nhớ đến thơ anh, không mấy người nhớ đến "những đứa con" này. Người ta nhắc đến những bài lẻ nhiều hơn, tỷ như Nói với con trong đêm giao thừa thế kỷ, Nguyệt Cô, Uống rượu một mình, Chọn chồng...

Từ Dạo khúc nhân tình đến Bóng trúc - 10 năm - trong khoảnh thời gian giữa hai lần xuất bản hai tập thơ, thơ của anh có sự chuyển hóa rõ rệt. Từ cái tình đơn biệt phần nào đó cũng như nhiều người làm thơ khác thơ anh đã có chất ưu thời, những biến chuyển của nhân tình thế thái đã lắng lại trong anh, khắc trong thơ những nhát hết sức đanh. Có người ví anh như Nguyệt Cô và viết: "Thơ Văn Trọng Hùng đắm say mà tung tẩy, hài hước trong suy tư, ngất ngưởng mà tỉnh rụi. Người thơ ấy mang trong mình một dòng máu nghệ sĩ rạo rực, khao khát yêu thương và tung phá, nhưng lại biết khuôn mình trong một cuộc sống quan phương. Người thơ ấy mâu thuẫn lắm thay, mâu thuẫn ngay trong thơ và trong kịch. Vậy nên, trước một mối tình vừa chớm nở, anh đã linh cảm rằng: Ly này tiễn một mối tình vừa tan!" .

Thế nhưng bẵng đi một dạo, mới rồi lại thấy anh ngân nga. Lần này, trong giọng điệu chừng như thấp thoáng bóng dáng của một người thơ khác nữa. Anh khóc và cười với gốc me trong vườn Nguyễn Huệ khi ngẫm về thời đã qua, phóng một cái nhìn về phía trước nhưng vẫn kịp suy tư -  Sau đêm ấy rồi Thị Hến sẽ ra sao? hoặc "thương đứa bé kia/... Sao phải hóa đá cùng nàng?". Như có như không, tài tử lắm mà vẫn không mất chất thơ - kịch, đắm đuối đấy, chừng như mọi chuyện đã gác hẳn sang một bên nhưng vẫn tỉnh táo khi cần. Một Văn Trọng Hùng đang thõng tay vào chợ. Ấy là nói theo cách nói của các thiền giả Vô ngôn thông, còn bạn... thì ta hãy thử cùng nhau đọc qua.

  • Bá Phùng

 

Bàn tay tượng Hoàng đế Quang Trung

Người muốn nói gì ở bàn tay kia

Hình như bàn tay bao ẩn số

Ngón xòe ra, phải chính sách canh tân vừa ban bố

Như rạch giữa trời xanh, phải lệnh đánh quân Thanh

Như chùng lại, phải vỗ an bá tánh

Như lặng yên, phải kiên nhẫn đợi hiền tài?

...

Những câu hỏi hôm nay và cả ngày mai

Bàn tay vẫn lặng yên thách đố...

Không diễn thuyết, không đăng đàn mà sao ta nhớ

Quay lại hỏi gốc me xưa, gốc me vừa khóc

                                                               vừa cười!

 

 

 

Thị Hến

Nghe em sắm vai Thị Hến

Bỏ cơm anh đi xem tuồng

Chao ôi, người thật thà như đếm

Mà nhập vào Thị Hến cũng điêu ngoa

 

Đốp chát Trùm Sò, dịu ngọt sai nha

Chân ngoặc thầy đề, mắt đưa tình quan huyện

Giữa công đường em lả lơi chao lượn

Chốn trang nghiêm cứ tối sáng chập chờn

 

Thương các quan bà khuya khoắt đêm hôm

Vượt tiếng cú kêu truy chồng ong bướm

Em đùa chi đau vậy Hến

Khiến các quan tề tựu... góc buồng!

 

Kịch hết rồi tiếng cười hãy còn vương

Em lại là cô diễn viên hiền dịu

Chỉ có điều này anh chưa hiểu

Sau đêm ấy rồi Thị Hến sẽ ra sao?

 

 

Trước Hòn Vọng phu

Ta cúi đầu trước tình yêu của nàng

Ta cúi đầu trước lòng chung thủy của nàng

Bồng con chờ chồng mà hóa đá

Nhân gian kim cổ được mấy người

 

Những áng mây vì nàng mà trôi chậm lại

Những người đàn bà vì nàng mà tiết hạnh hơn

Những đóa hoa vì nàng mà bốn mùa thao thức

Đất nước vì nàng mà thêm những trang thơ

 

Ta chỉ thương đứa bé kia

đứa bé chưa biết mặt cha

chưa biết tình yêu

chưa biết lòng chung thủy

Sao

Phải hóa đá cùng nàng?

 

 

Đêm ấy ở Côn Sơn

Khi Nguyễn Trãi được minh oan

Thị Lộ vừa cười vừa khóc

Nàng không dám trở về rừng trúc

Mà cùng những oan hồn lang thang ở Thăng Long.

 

Cả kinh thành đèn được đốt nhiều hơn

Trăm họ mừng vui bàn tán...

Không dám nhìn ánh sáng

Nàng đi về phía những làng xa.

 

Sao đã yêu một bậc tài hoa

Lại không xa được một quân vương lỗi đạo

Phải danh lợi đã làm ta không tỉnh táo

Hay ta đã quá yêu mình?

Thị Lộ khuất dần vào cõi u linh.

 

Ở Côn Sơn đêm ấy vẫn lặng yên

Nguyễn Trãi chong đèn đọc sách

Về khuya mưa như trút nước

Lê Lợi đến thăm

Nguyễn Trãi đã đi nằm!

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Phục dựng vở tuồng cổ hát bội "Tam Hạ Nam Đường"  (16/08/2006)
Bầu ơi thương lấy bí cùng...  (17/08/2006)
Thức cùng người-không-ngủ  (15/08/2006)
Khi các cơ quan văn hóa thi tài... văn hóa  (15/08/2006)
Ngây ngất với Kitaro  (16/08/2006)
Từ giọng địa phương Bình Định đến vấn đề thống nhất ngôn ngữ quốc gia   (11/08/2006)
Gặp gốm cổ Bình Định giữa Hoàng thành Thăng Long   (13/08/2006)
Hát kết và ông tổ hát kết Bình Định  (10/08/2006)
Tin vào trực giác của trái tim *  (09/08/2006)
Bế mạc Liên hoan Quốc tế Võ Cổ truyền Việt Nam lần thứ I- 2006   (07/08/2006)
"Khóc và nghẹt thở" với Cô đơn trên mạng *  (07/08/2006)
Màu đỏ kỳ ảo trong thơ Việt!  (07/08/2006)
Trung du mở hội  (04/08/2006)
"Đừng đốt, trong đó đã có lửa"  (03/08/2006)
Tiếng nẫu quê mình  (01/08/2006)