Mùa hè 1973, Chế Lan Viên và tôi được sống trong những giây phút thú vị bất ngờ trên bờ biển nghỉ mát Durrès, một thành phố miền nam Albani…Chế Lan Viên và tôi càng đi xuống phí Nam nước bạn bao nhiêu càng nhớ Quy Nhơn bấy nhiêu. Quy Nhơn! Quy Nhơn! Thành phố sử ký, thành phố tuổi thơ, thành phố của những mối tình đầu, của những trang thơ chập chững bắt đầu cuộc đời sáng tác của chúng tôi. Làm sao quên được cái thành phố biển thân yêu ấy!
Màu biển I-ô-niên thần thoại này cũng xanh đậm như biển Quy Nhơn, màu xanh Địa Trung Hải lộng sắc trời trưa mùa hạ. Càng xuống phía Nam, chúng tôi càng như đi ngược dòng lịch sử, mỗi bước chân chúng tôi đều như bước lên một địa chỉ, những đền Hy Lạp cổ, những cổng thành La Mã thấp hẹp, những giếng đá thành giếng còn in vết mòn do dây gàu của các cô gái trước công nguyên để lại…Màu xanh của biển, những viên gạch rêu phong màu cổ đại đều tha thiết gợi nhớ Qui Nhơn.
Quy Nhơn có biển đặc biệt xanh, có vọng hải đài của Tây Sơn, có những cột gỗ lim to tướng còn sót lại của điện Thái Hoà của Nguyễn Nhạc, có cửa Thị Nại, nơi Nguyễn Huệ đã ghi một chiến công lừng lẫy. Nhưng đáng chú ý nhất là Quy Nhơn có nhiều tháp Chàm. Những tháp Chàm lở lói, rêu phong, đứng trầm tư hàng thế kỷ trên các ngọn đồi, sao mà có sức khêu gợi tâm hồn tôi đến như vậy!
Tôi nhớ những đêm chúng tôi ngồi đọc thơ cho nhau nghe trong gian nhà trai của một ngôi chùa bên bờ sông Thị Nại, nơi Chế Lan Viên trọ học. Cái tuổi mười lăm mười sáu hay tưởng tượng, hay mộng mơ. Ngày ấy, nhìn mớ tóc xòa tròn trên trán và đôi mắt thông minh của anh, tôi cứ nghĩ đó là một anh học trò nghèo đi trọ học ở một ngôi chùa nào đó phía Tây kinh thành thường gặp trong Liêu trai chí dị. Cảnh trí ngôi chùa cổ vào những đêm đọc thơ ấy cũng khó quên.
Ngoài sân, trời tối mịt mùng, gió từ mặt sông Thị Nại hun hút thổi vào, lay lắt ngọn đèn dầu nhỏ. Gian nhà trai càng mênh mông. Những bài thơ của anh về tháp Chàm, về ma hời, về chiêm nữ càng tạo nên một không khí liêu trai huyền hoặc và lạnh lẽo. Anh đọc cho tôi nghe những câu thơ ớn lạnh mà đầy thương tiếc đối với quá khứ huy hoàng của một dân tộc tài hoa.
Ảnh hưởng của sông núi Quy Nhơn, của tháp Hời và ảnh hưởng của thơ Chế Lan Viên đã in đậm vào tâm hồn tôi, vào thơ chúng tôi, những bạn thơ cùng lứa tuổi ở đây. Cho nên ngày ấy không phải chỉ anh mới làm thơ về Chiêm Thành, mà thơ anh còn lôi cuốn nhiều bạn khác cùng làm theo đề tài ấy. Độ ấy, rải rác tôi có đăng truyện ngắn và thơ ở Tiểu thuyết thứ bẩy, Tiểu thuyết thứ năm và tạp chí Tao Đàn, ký Việt Chi dưới các bài văn xuôi và ký Nguyễn Hạnh Đàn dưới các bài thơ. Có bài viết về tháp Chàm đăng ở Tiểu thuyết thứ bảy đọc lại không khác gì mấy với dáng thơ loại này của Chế Lan Viên, chẳng những giống về hình ảnh, ý tứ, mà còn giống cả cấu trúc câu thơ 8 chữ, cả cách gieo vần tréo, cả cách ngắt nhịp bên trong câu thơ. Tôi chịu ảnh hưởng của anh khá sâu sắc. Phong cách ấy trong thơ cũng là phong cách quen thuộc của nhóm thơ Quy Nhơn, nhóm thơ Bình Định ngày đó, không giống những vùng thơ khác trong nước. Điều đáng chú ý nữa là điệu ngâm thơ của anh em thơ Quy Nhơn lúc bấy giờ mang những nét độc đáo của giọng hát dân gian miền Nam Trung bộ, của các điệu hát lia, hát bài chòi. Đó là một điệu ngâm mang âm hưởng khi sôi nổi khi trầm buồn của điệu hát ru con, điệu dân ca Hời mà chúng tôi hàng ngày được nghe. Đến nay, xa Quy Nhơn lâu, chúng tôi vẫn còn giữ cách ngâm như vậy.
Ngoài hai chúng tôi ở trường Quy Nhơn, còn có Xuân Khai (Yến Lan) lúc ấy ở trên thành Bình Định, thỉnh thoảng mới xuống Quy Nhơn chơi. Tuy nhà nghèo Xuân Khai vẫn có một phong độ trang nhã. Anh thường mặc áo sa tanh đen dài, dịu dàng như một thư sinh. Chúng tôi hay gọi đùa anh là Giang Châu Tư Mã. Thơ của anh ngày ấy vào loại thơ hay, có khí vị cổ xưa, gây cho người đọc những cảm xúc thanh bình, hồn hậu và trang trọng. Lúc bấy giờ (1936, 1937), trong nước lại đang có phong trào phục cổ trong văn học, ý thức dân tộc được đề cao, nên chúng tôi càng thích thơ của Xuân Khai. Lời thơ của anh hào hoa lắm. Tôi còn nhớ hai câu kết của một bài thơ anh (bài thơ này hình như chưa đăng ở đâu):
…Lòng nghiêng theo trăng trên mái lầu
Lòng nghiêng hơn trăng trên mái lầu…
Cái không khí cổ kính của lầu thành Bình Định cũng vắng lặng hơi người, với tiếng trống thu không mỗi buổi chiều, đã góp phần tạo nên cho Xuân Khai cái khí vị hoài cổ ấy.
Trong nhóm thơ có Huy Vân người Tuy Phước. Anh nhà nghèo, đời sống khá long đong. Mỗi lần tôi theo Chế Lan Viên lên thành Bình Định, chúng tôi đều không quên ghé qua nhà anh bạn thơ hiền hậu này. Anh có tâm hồn nhiều rung cảm, tiếc rằng anh mất sớm.
Chúng tôi thường đến thăm Hàn Mặc Tử mà chúng tôi gọi tắt một cách thân yêu là anh Tử. Tên thật của anh là Nguyễn Trọng Trí, anh Hàn Mặc Tử lớn tuổi hơn chúng tôi nhiều. Độ ấy bệnh phong hủi bắt đầu hành hạ anh, trông thương lắm. Người anh hiền dịu, ngọt ngào, nhưng giọng anh ngâm thơ thì say mê sôi nổi. Tôi không quên được hình ảnh của anh. Một hôm, vào buổi chiều, vừa làm xong một bài thơ mới, anh đọc cho tôi nghe:
…A! Ba đi bắt nắng mừng nắng reo nắng cháy
Trên sóng cành sóng áo cô gì má đỏ hây hây,
Ta rình nghe niềm ý bâng khuâng trong gió lãng
Với là hơi thở nồng nàn của tuổi thơ ngây.
Gió đưa khúc hát lên cao vút
Lời thơ uốn éo lách rừng mây,
Ta hiểu ra rồi, trong một phút
Lời tình chới với giữa sương bay…
Té ra ta vốn là thi sĩ
Khát khao trăng gió mà không hay…
Càng ngâm, anh càng lắc lư cả đầu, cả thân mình, kéo dài chữ cuối các câu thơ vần bằng, say sưa như quên tất cả chung quanh. Ôi, cái nắng vàng buổi chiều thu muộn ấy hình như cứ theo tiếng thơ ngâm mà chảy tràn vào gian nhà đạm bạc của anh!
Hàn Mặc Tử là một nhà thơ có tài và có tình. Anh không hay nói nhiều về anh, nhưng đám thơ trẻ chúng tôi thường gợi cho anh kể lại về những bài thơ anh trao đổi với cụ Phan Bội Châu và được cụ Phan khen ngợi. Nỗi đau của đời anh, của lòng anh, cộng với những dày vò cơ thể vì bệnh tật, làm cho anh không thấy hy vọng ở “trần gian” nữa. Cho nên vào giai đoạn cuối đời, anh rút vào lĩnh vực mông lung ảo mộng của loại thơ thần tiên, thơ tôn giáo. Nhưng chúng tôi hiểu rõ anh. Chế Lan Viên, Xuân Khai và tôi đều xem anh là người anh đi trước của mình. Thơ anh cơ bản trong sáng, như tập thơ Gái Quê đầu tay của anh. Tôi như còn nghe văng vẳng bên tai giọng anh ngâm bài thơ tình khổ đau mà rất trong sáng của anh ngày ấy:
…Mộng Cầm ơi, em còn giữ ý thơ
Trong đôi mắt mùa thu trong leo lẻo…
Sau này, vì một lẽ riêng, anh đổi lại: Lệ Kiều ơi, em còn giữ ý thơ…như trong bản in mấy năm sau. Mộng Cầm cùng học một lớp với chúng tôi, ngày bé, ở Quảng Ngãi. Tuy tôi nhỏ tuổi hơn chị, nhưng tôi biết rõ Mộng Cầm và hiểu rõ mối tình ấy, nên càng thương anh. Trong những năm 40 cuối đời anh, anh em nhóm thơ Quy Nhơn có gặp chị Mai Đình bên cạnh anh. Tuy mối tình thơ giữa Mai Đình và Hàn Mặc Tử sau này được thêm thắt nhiều tình tiết khá ly kỳ, nhưng chúng tôi bấy giờ đều nhận rằng Mai Đình là một người đáng quí. Đó là một tâm hồn đầy rung cảm tốt đẹp, một tấm lòng đầy ưu ái và hi sinh đối với một nhà thơ bất hạnh của chúng ta.
Anh Hàn Mặc Tử có những suy nghĩ về thơ khá rộng rãi. Anh tôn trọng những hướng thơ khác với hướng thơ của anh. đối với chúng tôi, anh yêu mến và rộng lượng. Anh rất khen Chế Lan Viên. Anh cũng thường nhắc đến Bích Khê lúc bấy giờ đang còn ở Phan Thiết. Tập thơ Tinh Huyết đã được anh giúp đỡ và giới thiệu.
Nhóm thơ Quy Nhơn ngày ấy đã có lúc chịu ít nhiều ảnh hưởng của Baudelaire và Edgar Poe, nên có thời kỳ rải rác trong một số bài thơ phảng phất những hình ảnh lạnh lẽo ma quái: trăng màu tang, cánh quạ đen, dòng ma Hời sờ soạng dắt nhau đi... Nhưng ảnh hưởng ấy không mạnh lắm và không thành một khuynh hướng sáng tác của anh em Quy Nhơn.
Sau khi tập thơ Điêu Tàn, tập thơ đầu của Chế Lan Viên ra đời được vài chục năm, tình hình trong nước có những biến đổi lớn. Bọn thống trị bắt đầu thi hành một chế độ chính trị hà khắc. Chúng tôi ở nhà trường bị cảnh cáo, đe dọa không cho thi tốt nghiệp vì đọc sách báo của Đảng. Vì chưa có được một cách nhìn biện chứng và cách mạng, chúng tôi không khỏi bối rối trên con đường suy nghĩ và sáng tác của mình. Tuy vẫn giữ được trong lòng những tình cảm cơ bản tốt đẹp với đất nước, đối với con người như trong những ngày đầu tiên bước vào thơ, đến nay chúng tôi bắt đầu có những dấu hiệu đi vào những hình thức nghệ thuật phần nào bế tắc. Lúc ấy, anh Hàn Mặc Tử bước vào giai đoạn thơ điên và thơ tôn giáo của anh. Chế Lan Viên ẩn kín nỗi buồn riêng và nỗi đau thời thế của mình sau những câu văn lời thơ siêu thực. Còn Xuân Khai thì ra Hà Nội, viết kịch thơ về những đề tài dã sử, về những nhân vật Chiến quốc Xuân Thu. Anh không ký Xuân Khai nữa và bắt đầu ký Yến Lan dưới các tác phẩm của mình.
Năm 1936, Chế Lan Viên tập hợp thơ của anh lại để chuẩn bị cho in tập thơ Điêu Tàn. Thời buổi ấy, in được một tập thơ thật là vất vả. tập thơ mỏng manh, dáng nghèo khổ quá. Bài này nối liền bài kia, không còn chỗ thở trên trang giấy. Mục lục thì in gắn vào nửa trang thơ sau rốt. Vậy mà với tập thơ đó, tên Chế Lan Viên lần đầu tiên xuất hiện và khẳng định một tài thơ độc đáo của thời kỳ ấy. lúc sắp sửa gửi bản thảo ra Hà Nội in anh phân vân chưa quyết định để tên mình như thế nào. Từ trước đến nay anh chỉ ký hai chữa Lan Viên mà thôi. Anh vốn thiết tha yêu dân tộc Chiêm Thành, với tình những ý trong thơanh đều rất chân thành đối với một dân tộc tài năng có những danh tướng dũng lược như Chế Bồng Nga mà anh khâm phục. Anh hỏi tôi:
- Việt Chi này, hay là mình đề vào tập sách tên tác giả là Chế Bồng Hoan. Có được không? Hoan là tên thật của anh. Khi nghe tôi tỏ ý tiếc cái tên Lan Viên lúc bấy giờ đã được cả nước quen biết và tôi tỏ ý không tán thành việt anh đổi tên như trên kia, anh bèn quyết định chỉ thêm chữ Chế vào tên cũ Lan Viên. Và từ đấy tên hiệu Chế Lan Viên được anh tiếp tục ký cho đến sau này.
Sách in xong rồi, chúng tôi tổ chức một một buổi họp mừng sách ra đời. Hồi ấy trong các bạn thơ Quy Nhơn còn có anh Hoàng Diệp, người Huế, bạn của anh Thanh Tịnh, tập thơ Xác Thu của Hoàng Diệp cũng vừa in xong. Chúng tôi chúc mừng luôn cả hai tập. Họp nhau buổi tối ở mái hiên nhà anh Hàn Mặc Tử. Chúng tôi, hầu hết anh em trong nhóm thơ Quy Nhơn, cùng với đôi người bạn thân, độ sáu, bảy người, uống nước trà suông và bàn bạc về hai tập thơ. Trong số anh em dự có anh Trọng Minh.
Nhắc lại kỷ niệm Quy Nhơn, không thể không nói đến anh Trọng Minh, vì anh có một vị trí quan trọng trong lòng chúng tôi. Chế Lan Viên và tôi đều xem anh như là người thầy, như người anh chỉ dẫn cho chúng tôi hiểu biết về cuộc đời. Trọng Minh tức là anh Nguyễn Minh Vỹ, nguyên Phó Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng, Uỷ viên thường trực phái đoàn Việt Nam tại Pari năm 1973. Sau này chúng tôi mới rõ là trong khi chúng tôi đi học và làm thơ thì anh Trọng Minh đã là Bí thư Liên Tỉnh uỷ của Đảng. Anh rất giản dị và giỏi về nhiều mặt. Chúng tôi ngạc nhiên mãi về tầm hiểu biết của anh. Thấy anh tham gia cuộc luận chiến bằng tiếng Pháp về nghệ thuật vì nghệ thuật hay nghệ thuật vì nhân sinh?, chúng tôi càng phục anh giỏi.
Năm 1968, hôm khai mạc Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ tư tại Hội trường Ba Đình, trong hành lang, tình cờ chúng tôi gặp lại anh Trọng Minh. Ôm choàng lấy chúng tôi, anh xúc động:
- Không ngờ chúng mình lại gặp nhau đông đủ ở đây. Các chú có nhớ Quy Nhơn không?
Chúng tôi không bao giờ quên được Quy Nhơn, quên được trường Quy Nhơn, nơi từ đó chúng tôi bước những bước đầu tiên vào cuộc đời văn học của mình, nơi đã đào tạo nhiều lớp nhà thơ cho đất nước, từ Hàn Mặc Tử, Quách Tấn, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Phạm Văn Ký, Nguyễn Xuân Sanh đến nhiều nhà thơ lớp sau kế tục. Chúng tôi vui sướng nhìn lại anh em mình, thấy đều có mặt trong đội ngũ vĩ đại của nhân dân qua hai cuộc kháng chiến. Chúng tôi biết rằng trong lúc anh em trong nhóm thơ Quy Nhơn được hình thành trên vùng biển anh hùng này thì một số nhà thơ cùng quê hương cũng bắt đầu sáng tác, tuy không có điều kiện tập hợp bên nhau ở đây, như trường hợp anh Vương Linh chẳng hạn. Khi Chế Lan Viên và tôi ra trường thì những Thành Long, Phạm Hổ và nhiều bạn khác tiếp tục nối dài truyền thống văn học của Quy Nhơn.
. Theo Nguyễn Viết Lãm (báo Văn Nghệ) |